MSB đẩy mạnh tín dụng xanh 6 tháng cuối năm

107

Ông Nguyễn Hoàng Linh- CEO MSB cho biết, ngân hàng sẽ tập trung tín dụng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và kiểm soát chặt nợ xấu.

– Đạt mức tăng trưởng tốt sau quý I, vậy tình hình kinh doanh hiện tại của MSB có gì khác biệt trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, thưa ông?

– Đến hết tháng 5, tổng thu nhập thuần của ngân hàng đạt khoảng 3.700 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 2.500 tỷ đồng và thu nhập ngoài lãi hơn 1.200 tỷ đồng tăng lần lượt 79% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

Với mảng kinh doanh lõi, tín dụng tăng trưởng 10,5% và tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn và phục hồi mạnh sau đại dịch như y tế, giáo dục và đặc biệt là năng lượng tái tạo… Mảng dịch vụ thu phí cũng đem lại nguồn lãi 998 tỷ đồng cho ngân hàng, gấp 4 lần cùng kỳ, trong đó đóng góp đáng kể là thu nhập từ hoạt động bancassurance, sau 5 tháng đã đạt 663 tỷ đồng. Con số này chưa ghi nhận chi phí upfront thanh toán đợt 2 từ đối tác Prudential sau khi hai bên ký kết hơp đồng phân phối độc quyền vào cuối tháng 3 vừa qua.

Lợi nhuận sau 5 tháng đầu năm của MSB gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 2.200 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch mục tiêu của năm 2021. Kết quả này có được một phần nhờ vào sự ổn định và dần hồi phục của nền kinh tế nói chung trong những tháng đầu năm khi dịch Covid phần nào được kiểm soát.

Với sự bùng phát của đợt dịch lần thứ 4, MSB cũng có những phương án chủ động ứng phó và duy trì hoạt động liên tục của các đơn vị trên toàn quốc, sẵn sàng chung tay hỗ trợ chính quyền và cộng đồng. MSB cũng vừa ủng hộ 20 tỷ đồng cho Quỹ vaccine của Bộ Y tế. Hy vọng, Việt Nam sẽ sớm có đủ vaccine và đạt miễn dịch cộng đồng để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB.

– Mục tiêu của ngân hàng 6 tháng cuối năm là gì, thưa ông?

– Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ mục tiêu đã thống nhất từ Đại hội đồng cổ đông tháng 4. Theo đó, MSB sẽ phấn đấu để tổng tài sản cuối năm nay đạt mức 190.000 tỷ tăng 8%, tín dụng tăng 25% và lợi nhuận trước thuế tăng 30%, đạt 3.280 tỷ đồng. Với những kết quả đã đạt được sau 5 tháng đầu năm thì mục tiêu còn lại cho năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.

– MSB có các chiến lược nào để đạt được kết quả đề ra trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu tác động của đại dịch như hiện tại?

– Với mảng tín dụng, MSB định hướng tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng và ít chịu tác động bởi dịch bệnh, trong đó, tín dụng cho mảng năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong 6 tháng còn lại. Với mảng dịch vụ, đẩy mạnh Bancassurance là một chiến lược đúng đắn khi đem lại nguồn thu ngoài lãi ổn định và có dư địa để tăng trưởng tốt, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh còn bùng phát thì nhu cầu về sức khỏe, sự an toàn càng được chú trọng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chiến lược trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện, hướng đến việc thực hiện các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại từ đầu đến cuối, đem lại sự tiện ích, nhanh chóng, kết nối trong hệ sinh thái để đem nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Liên kết thanh toán QR của MSB. Ảnh: MSB

Liên kết thanh toán QR của MSB. Ảnh: MSB

– Ông chia sẻ rõ hơn về chiến lược tập trung tín dụng vào mảng năng lượng tái tạo?

– MSB có định hướng đẩy mạnh tín dụng xanh từ năm 2019 theo chỉ đạo và định hướng chung của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước về việc hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Năm 2019, chúng tôi tham gia tài trợ vốn cho dự án Điện mặt trời Phước Hữu 50 MWp tại tỉnh Ninh Thuận. Đầu năm 2021, MSB đẩy mạnh tín dụng cho phát triển năng lượng sạch, coi đây là động lực cho tăng trưởng tài sản và cả doanh thu, lợi nhuận cho ngân hàng trong năm nay.

Tháng 1, MSB cấp gói tín dụng 2.400 tỷ đồng phát triển dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh 4 thuộc cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên và lớn nhất tỉnh Bình Phước, chiếm khoảng 20% tổng quy hoạch điện mặt trời tại tỉnh, với sản lượng điện hàng năm ước đạt 313 triệu Kwh, ước tính đóng góp 5% tổng thu ngân sách tỉnh mỗi năm. Bên cạnh đó, MSB cũng đang cấp tín dụng nhiều dự án điện mặt trời khác tại các tỉnh/thành phố trên địa bàn trên cả nước với số tiền tài trợ tính đến thời điểm hiện tại lên đến gần 3.500 tỷ đồng.

Từ nay đến hết năm, MSB có kế hoạch triển khai loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương tiềm năng trên cả nước với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, góp phần khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo mà MSB công bố vào đầu năm nay.

– Việc tập trung tín dụng vào mảng này đem lại lợi ích gì cho MSB, thưa ông?

– Tăng trưởng tín dụng là động lực để đem lại thu nhập và gia tăng tài sản cho ngân hàng. Tuy nhiên, mục tiêu đó đi kèm với việc nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát tốt nợ xấu. Việc hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh cực tiềm năng và ít rủi ro hơn sẽ giúp ngân hàng đạt được mục tiêu kép này. Cụ thể, chúng tôi đã giảm tỷ trọng cho vay các dư án bất động sản để tập trung vào các lĩnh vực an toàn hơn như năng lượng sạch từ năm 2020. Đây cũng là yếu tố giúp chất lượng tài sản MSB nâng cao, nợ xấu được kiểm soát tốt, đặc biệt nợ phải cơ cấu theo thông tư chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa tới 1,4% tổng dư nợ.

Vừa qua, MSB được Moody’s nâng hạng tín nhiệm cũng dựa trên yếu tố quan trọng là chất lượng tài sản được nâng cao và kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Với chiến lược tập trung tín dụng vào lĩnh vực năng lượng sạch, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu lớn của năm nay và đi đúng lộ trình dài hạn đến năm 2024.

– Định vị của MSB vào năm 2024 là gì?

– Chúng tôi phấn đấu để đưa MSB quay lại top đầu. Trong kế hoạch đến năm 2024, ban lãnh đạo MSB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng kép (CAGR) 16,75%/năm, đạt hơn 340.445 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tiếp cận gần 218.000 tỷ đồng, tương đương CAGR 28,29%/năm. Song song với chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận ở mức xấp xỉ 30%/năm từ nay đến 2024.

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM