Masan đánh dấu lần đầu lấn sân mảng viễn thông và dịch vụ số

The Sherpa – công ty con của Masan – mua lại 70% cổ phần của Mobicast, đánh dấu lần đầu lấn sân mảng viễn thông và dịch vụ số.
Tổng giá trị tiền mặt cho 70% cổ phần mua lại từ Mobicast – start-up Việt trong lĩnh vực MVNO (mạng di động ảo) với thương hiệu Reddi – là 295,5 tỷ đồng.
Theo đại diện Masan, MVNO cung cấp dịch vụ thoại và dữ liệu di động dựa trên thỏa thuận hợp tác sử dụng cơ sở hạ tầng của nhà khai thác di động khác (MNO – Mobile Network Operator). Mô hình kinh doanh này tinh gọn nhờ tận dụng mạng truyền dẫn và thu phát sóng có sẵn. Hình thức viễn thông này khá phổ biến toàn cầu. Ở Anh, 20% thị phần của thị trường di động thuộc về các nhà mạng MVNO.
Khi kết hợp với “Point of Life” (nền tảng cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu) của Massan, Reddi có cơ hội tiếp cận tệp khách hàng của tập đoàn thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến toàn quốc. Lợi thế này giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách, dùng khoản tiết kiệm này tái đầu tư phát triển các giải pháp tiêu dùng số độc đáo lẫn nền tảng trải nghiệm cho người tiêu dùng Việt. Trong đó, 44% thuê bao di động vẫn dùng dịch vụ thoại và SMS
Mục tiêu của Point of Life là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại trên một nền tảng duy nhất, tất cả trong một
Hồi tháng 6, Masan ra mắt mô hình cửa hàng CV Life tích hợp dịch vụ tài chính từ Techcombank và Kiosk Phúc Long vào WinMart+ (tên cũ VinMart+). Theo đại diện tập đoàn, trong năm nay, quy mô WinMart+ sẽ mở rộng từ 2.300 cửa hàng lên hơn 3.001. Kiosk Phúc Long sẽ tích hợp 1.000 cửa hàng VinMart+, góp phần cải thiện doanh thu, biên lợi nhuận và mở rộng tệp khách có phong cách sống hiện đại.
“Đầu tư vào Mobicast là bước đi tiếp theo nhằm tích hợp mảnh ghép thứ ba – dịch vụ số, sau nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính. Tập đoàn đã vạch sẵn lộ trình này từ năm 2019”, đại diện Masan nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cũng liên tục chia sẻ kế hoạch xây dựng nền tảng “tất cả trong một”, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng về nhu yếu phẩm, bán lẻ, tài chính, giáo dục, giải trí và chăm sóc sức khỏe… Masan coi đây là nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online “Point of Life”. Mở rộng sang lĩnh vực viễn thông và các dịch vụ thiết yếu trên nền tảng số sẽ giúp Masan gia tăng khả năng tiếp cận ngân sách tiêu dùng của người Việt lên 80%.
Vì sao Masan lấn sân viễn thông?
Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020, Việt Nam có gần 133 triệu thuê bao di động, trong khi tổng dân số 97 triệu người. Trong đó có 56% tài khoản kết nối 3G, 4G và 5G. Báo cáo We Are Social 2021 ghi nhận, các dịch vụ số được sử dụng nhiều nhất: nhắn tin, trò chuyện (94,7%), giải trí, xem video (83,4%), nghe nhạc (58%), chơi game (57,2%), mua sắm (68,5%), tài chính, ngân hàng (40,1%)
Khách hàng được tư vấn dịch vụ tài chính tại cửa hàng VinMart+.
Tổng giám đốc Danny Le cho biết nhận thấy thời điểm “chín muồi”, Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. “Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa ‘Point of Life’, từng bước tích hợp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. Dù ở giai đoạn đầu, chúng tôi đã có tất cả mảng ghép chiến lược cần thiết để thu hút người dùng, tiết kiệm chi phí. Từ đó, giúp mọi người tiếp cận mọi dịch vụ và sản phẩm với giá phải chăng. Đây cũng là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng nền tảng này”, ông nói.
Trên thực tế, từng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ thành công khi gia nhập sân chơi viễn thông, trong đó có Reliance Industries – đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ đứng đầu Ấn Độ về quy mô, với gần 11.000 điểm bán, sở hữu 23 trung tâm phân phối, cơ sở dữ liệu và hơn 110 triệu khách hàng thân thiết.
Năm 2016, Reliance đã “lấn sân” kỹ thuật số và điện tử viễn thông khi giới thiệu nhà mạng Jio. Đến nay, Jio trở thành nhà khai thác di động lớn nhất Ấn Độ, đánh bật nhiều đối thủ cạnh tranh nhờ chiến lược giá hợp lý, chất lượng sóng tốt và các gói dịch vụ khác biệt. Jio hiện có 400 triệu người dùng trả phí dịch vụ hệ sinh thái của họ.
Masan sẽ có lợi thế cạnh tranh gì?
Tương tự Reliance Jio, lợi thế đầu tiên của Masan là mạng lưới phân phối. Tập đoàn hiện sở hữu gần 2.400 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, phục vụ hơn 300 triệu lượt khách mỗi năm. Thêm vào đó là mối quan hệ mật thiết của Masan Consumer với 300.000 cửa hàng tạp hóa truyền thống (GT).
Masan cũng có sẵn chín triệu thành viên VinMart/VinMart+, lượng lớn khách trẻ trung, thành thạo các app công nghệ từ Phúc Long, 5 triệu người tiêu dùng có thu nhập tốt từ Techcombank và hàng triệu khách từ các đối tác chiến lược khác của Masan.
Hai yếu tố chiến lược trên cho phép Reddi tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian xây dựng mạng lưới phân phối, đồng thời tối ưu hóa chi phí thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo đại diện Masan, Reddi tập trung vào nhóm khách mục tiêu là người tiêu dùng có phong cách sống hiện đại, có nhu cầu tiêu dùng dịch vụ số và sử dụng dữ liệu lớn. Nhóm người này cũng sẵn sàng thay đổi, thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới để có trải nghiệm tiêu dùng mới mẻ.
Hà Anh-t/h
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM