Vĩnh Phúc hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành câu chuyện thời sự của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc khi ngày càng nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường.
Tính đến nay, Vĩnh Phúc có hơn 3.300 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bao gồm diện tích trồng rau, quả các loại, lúa gạo, cùng với năm cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô 900 con. Trong đó lớn nhất là diện tích sản xuất rau quả, rau ăn lá với 3.200 ha tại 55 xã, phường, thị trấn.
Đưa sản phẩm đi xa
Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc (xã Kim Long, huyện Tam Dương) đã có lúc phải giảm sản lượng, giảm quy mô liên kết để bảo đảm cân đối cung cầu. Trước đây, các hộ dân trồng nhiều mướp hương, rau su su, song khó tiêu thụ vì cung vượt cầu, giá thành sản phẩm thấp. Sau đó, hợp tác xã chuyển hướng sang trồng bí đao chanh, loại quả rắn, ngọt, ngon hơn bí đao thông thường, tiêu thụ rất tốt. Su su bao tử cũng trở thành mặt hàng thay thế cho rau su su và được người tiêu dùng ưa thích. Hợp tác xã đã dành 2.000 m2 đất để trồng thử nghiệm sản xuất các giống rau hữu cơ như cải bó xôi, cải xoăn, củ cải đỏ, xà lách. Đây là những loại rau mới được đưa vào trồng tại địa phương, dễ tiêu thụ.
Giám đốc hợp tác xã là chị Kiều Thị Huệ, một kỹ sư nông nghiệp nhiều tâm huyết với nghề trồng trọt. Chị Huệ cho biết, vật tư để sản xuất rau hữu cơ cao hơn từ 20% đến 50% so với thông thường, công lao động cao hơn nhiều vì phải làm cỏ bằng tay. Sản phẩm rau theo hướng hữu cơ của hợp tác xã có giá thành cao hơn khoảng 20%, song vẫn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Sau bảy năm hoạt động, hợp tác xã đã có nhà bảo quản lạnh, cơ sở sơ chế khang trang. Các sản phẩm của hợp tác xã đều theo hướng hữu cơ, sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật không đáng kể. Bên cạnh đó, hợp tác xã được cán bộ ngành nông nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý sâu bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới như ươm cây trên khay, ủ phân bằng men vi sinh, diệt khuẩn bằng năng lượng mặt trời.
Để tiêu thụ rau củ quả, chị Huệ kết hợp nhiều phương thức bán hàng như bán cho thương lái, bán trên sàn thương mại điện tử, sử dụng cộng tác viên bán cho các khu chung cư tại Hà Nội. Từ kinh doanh online, sản phẩm rau của hợp tác xã đã đến với hơn 10 tỉnh, thành phố, vào tận các tỉnh phía nam. Điều khiến chị Huệ tâm đắc nhất là sức lan tỏa của các sản phẩm do hợp tác xã sản xuất rất lớn, góp phần thay đổi quan niệm sản xuất của người dân địa phương sang hướng sản xuất sạch, an toàn. Không còn chuyện trồng rau luống để bán, luống để ăn như trước nữa.
Liền kề huyện Sóc Sơn của thành phố Hà Nội, sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Lải (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên) làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhiều hộ dân khu chung cư Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) đã quen dùng sản phẩm của cơ sở này. Trang facebook bán hàng được Hợp tác xã xây dựng rất chuyên nghiệp, thu hút nhiều người quan tâm. Giám đốc Hợp tác xã này là anh Lâm Văn Trung, một thanh niên hoạt bát. Anh lắp camera theo dõi toàn bộ trang trại, chỉ đạo sản xuất từ xa. Trên diện tích hơn 30 ha, anh Trung trồng đủ mọi loại rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP như đỗ, hành, măng tây, cải ngọt, mồng tơi, dưa chuột, kết hợp nuôi lợn hữu cơ và nuôi cá. Ông chủ trẻ mong muốn chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm để xây dựng thương hiệu rau quả hữu cơ Đại Lải.
Hằng năm, Vĩnh Phúc cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ sử dụng khoảng 3.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, qua đó giảm 1.500 tấn phân bón vô cơ và hơn 2.000 kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Nhiều sản phẩm phụ từ trồng trọt được sử dụng trong canh tác, góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng đất. Toàn tỉnh có 94 cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, trong đó có 30 cơ sở trồng trọt, 60 cơ sở chăn nuôi, bốn cơ sở thủy sản. Một trong những mô hình nổi bật là cơ sở trồng nho hạ đen tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên được đầu tư bài bản với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động và tưới nước nhỏ giọt . Những kết quả bước đầu đó là tiền đề quan trọng để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong những năm tới.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Theo Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Việt Xuân, mặc dù đất không rộng, song Vĩnh Phúc có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Đó là địa hình, khí hậu đa dạng, cây trồng phong phú, sản phẩm đa dạng. Nhu cầu sử dụng rau an toàn trên địa bàn tỉnh rất cao như các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Liền kề là thị trường Hà Nội rộng lớn. Nhiều hợp tác xã, nhóm liên kết đang hình thành để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân Vĩnh Phúc có kỹ năng trồng trọt tốt và nhạy bén với thị trường. Chiến lược sản xuất của tỉnh từ theo hướng hữu cơ tiến đến hữu cơ đối với các sản phẩm, nhất là các loại rau.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc Trần Thanh Hải cho biết, tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022 và tiếp tục triển khai một số chính sách trước đó về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021, toàn ngành tập trung mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm phục hồi môi trường sinh thái nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã lấy 315 mẫu rau quả để giám sát an toàn thực phẩm. Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét như thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch, rau su su huyện Tam Đảo, dưa lê huyện Tam Dương; sản xuất lúa gạo hữu cơ và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ nêu trên đã bước đầu chuyển đổi nhận thức của người sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi đã có hiệu quả, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Hồng Hà/TH