NGHỀ LÀM SẠCH ĐÁY TÀU TẠI CÀ MAU

Làm sạch đáy tàu là nghề vất vả và nguy hiểm. Sẵn sàng lặn xuống dưới nước sâu hàng chục mét, cạo sạch từng lớp hàu, lớp rong rêu, người thợ phải đối mặt với không ít rủi ro.

Nghề Làm Sạch đáy Tàu Tại Cà Mau (1)

Tại vùng đất mũi Cà Mau, những người thợ lặn ở cửa biển Sông Đốc ngâm mình hàng giờ dưới nước để làm sạch đáy tàu để có thu nhập trang trải cuộc sống. Bây giờ, mời quý vị tìm hiểu về công việc này qua ghi nhận sau.

Sông Đốc được biết đến là một cửa biển sầm uất và sôi động nhất miền Tây. Bên cạnh nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên cửa biển của đại đa số bà con, nghề làm sạch đáy tàu cá ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là một nghề không thể thiếu, góp phần không nhỏ cho những chuyến ra khơi đánh bắt thuận lợi.

Nghề Làm Sạch đáy Tàu Tại Cà Mau (2)

Có hơn chục nhóm thợ lặn hành nghề ở đây, họ được chủ tàu thuê để cạo lớp hàu nhỏ và rong rêu bám dưới vỏ tàu sau những chuyến đi biển dài ngày. Việc làm này giúp tàu chạy nhanh và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Mỗi khi có khách yêu cầu, người làm nghề sẽ lặn xuống biển quan sát đáy tàu xem có nhiều vật bám hay không rồi mới đề xuất giá với chủ tàu.

Đồ nghề của nhóm thợ lặn là máy dầu, bình hơi chứa oxi loại 5kg, kính lặn và hai đường ống dài khoảng 100m cùng một xẻng sắt được mài giũa rất bén. Thợ lặn thở thông qua ống khí kết nối với máy bơm hơi trên tàu. Người thợ ngậm ống hơi, đeo kính lặn, mang theo xẻng sắt nhảy xuống biển. Sau vài giờ lặn ngụp dưới nước ở độ sâu từ 10 đến 35 mét, người thợ lặn ngoi lên sau khi đáy tàu được làm sạch.

Nghề Làm Sạch đáy Tàu Tại Cà Mau (3)

Thu nhập của nghề làm sạch đáy tàu tương đối khá, nhưng theo ông Cảnh, người đã theo nghề mấy chục năm, cho biết các thợ lặn luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp đôi khi không tránh khỏi. Riêng ông, có lần bị nước ép xỉu ngoài biển nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Sau nhiều năm theo nghề, hiện tại một bên tai của ông đã không còn nghe được nữa.

Cũng theo nghề lặn cạo đáy tàu đã chục năm nay, anh Thi cho biết công việc này làm theo con nước, khi có ghe vào, chủ tàu yêu cầu thì anh lại nhận làm. Đây là nghề cha truyền con nối của gia đình anh, nguy hiểm cũng nhiều nhưng vì mưu sinh nên cố gắng bám trụ.

Anh Hồ Tuấn Thi – Tỉnh Cà Mau

“Mần nghề này cũng lâu rồi, cũng chục năm rồi. Mần theo con nước. Vô thì bữa mùng 10, mình mần tới 20, 22 gì đó ghe ra, chờ tới ghe vô mình làm tiếp. Nguy hiểm thì cũng nhiều. Nhưng mần trong cạn thì cũng ít, không có sợ, như lặn biển này kia thì mình mới sợ thôi. Nghề này của cha mần đó giờ, nối nghiệp theo nào mần hết nổi thì thôi. Trung bình thu nhập cũng được 10 triệu, mười mấy triệu gì đó.”

Mỗi thợ lặn kiếm 300 – 700 ngàn đồng/ngày, tùy theo kích thước tàu. Sông Đốc là cửa biển lớn nhất Cà Mau, có hơn 4.000 phương tiện đánh bắt hải sản. Dù nghề làm sạch đáy tàu có vất vả, nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các thợ lặn ở đây vẫn bám trụ với nghề./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.

Phạm Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM