Những nguyên tắc cần nhớ khi làm việc tại công sở

Một ngày bạn làm việc 8h tại công sở, bạn thường xuyên tiếp xúc với nhà lãnh đạo, đồng nghiệp và các khách hàng…Giao tiếp, ứng xử với họ nơi công sở như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất và thể hiện nét văn hóa trong ứng xử đang là boăn khoăn của không ít “dân công sở”. Cùng tham khảo bài viết dưới đây
Ứng xử khéo léo với cấp trên
Trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử với cấp trên bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, tự tin khi trình bày những quan điểm của mình. Khi gặp bất đồng với sếp về quan điểm hay công việc bạn hãy cư xử thật khéo léo và góp ý sếp một cách tế nhị nhất. Tránh gây bất hòa, cãi vã với sếp khi ý kiến của bạn không được chấp nhận điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Để trở thành một nhân viên được sếp tin cẩn và đánh giá cao bạn cũng nên trình bày thẳng thắn, rõ ràng các chính kiến của mình trong công việc. Hãy tiến hành thực hiện công việc với sếp của bạn trên tinh thần cùng hợp tác và phát triển.
Tôn trọng đồng nghiệp
Đồng nghiệp là những người mà bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với họ và cùng nhau hợp tác xây dựng các dự án của công ty. Vậy nên, bạn cần thiết lập những mối quan hệ ấy trên cơ sở xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Tránh tình trạng xem mình “giỏi hơn đồng nghiệp” bạn sẽ khó tìm được tiếng nói chung với họ trong công việc. Ngược lại, bạn cũng không nên quá tự ti bản thân mình về trình độ và chuyên môn so với đồng nghiệp điều này sẽ khiến bạn dễ chán nản và làm sa sút chất lượng công việc. Hãy xem những người đồng nghiệp của mình như những người bạn đồng hành cùng nhau chia sẻ công việc và tận hưởng thành công.
Hạn chế “tán gẫu” quá nhiều nơi công sở
Bạn chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết hoặc những lúc rảnh rỗi. Không quá lạm dụng chúng, đặc biệt việc tán gẫu quá nhiều sẽ làm bạn mất điểm trong mắt sếp và khiến cho đồng nghiệp ngán ngẩm. Đừng biến mình thành “bà tám” công sở trong khi bạn còn một núi công việc cần giải quyết. Đặc biệt bạn nên tránh những “cằn nhằn” vô lí khi có chính sách nào đó có lợi cho sự phát triển chung của tập thể nhưng có thể ảnh hưởng một chút tới quyền lợi cá nhân của bạn.
Tuyệt đối không “nói xấu” đồng nghiệp
Đây là một trong những điều tối kỵ ở bất cứ công ty hay tổ chức nào. Nếu không hài lòng với cấp trên hay đồng nghiệp bạn nên thẳng thắn và tế nhị góp ý cùng họ. Không nên, nói xấu họ hay cố tình “chia bè kết phái” sẽ chẳng có gì hay khi bạn là người hết nói xấu người này lại chê bai người khác.
Đừng để chuông điện thoại lớn
Mỗi người có một gu âm nhạc riêng, và việc bạn muốn để bài “Em của ngày hôm qua” hay tiếng trẻ con làm nhạc chuông điện thoại của mình là quyền của bạn. Thế nhưng, khi bước vào văn phòng, cũng giống như khi bạn vào rạp xem phim, hãy chuyển điện thoại sang chế độ rung và tắt chuông. Một số công ty đã ra luật phạt nếu nhân viên để điện thoại đổ chuông trong những cuộc họp. Nói chung thì, hãy giữ gu âm nhạc của bạn để tự thưởng thức riêng chứ đừng tự nguyện làm DJ công sở khi mà không ai yêu cầu bạn làm việc đó.
Tôn trọng ý kiến khác
Mỗi người có một nền tảng học vấn và văn hóa khác nhau. Điều này dễ thấy khi họ có những suy nghĩ và phản ứng khác nhau với cùng một sự việc đang diễn ra. Vấn đề của bạn với tư cách là một đồng nghiệp trong công sở, bạn cũng phải học cách tôn trọng những ý kiến, nhận định khác của các đồng nghiệp và tìm cách thỏa thuận hợp lý vì mục tiêu chung.

Làm việc hết sức, chơi hết mình

Khi bạn đã xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc và mang lại những kết quả khá khả quan thì tại sao lại không cùng các đồng nghiệp mình “xả tress” nhỉ ? Bạn nên tham gia hết mình vào những hoạt động do công đoàn công ty tổ chức, chính lúc này bạn sẽ khám phá được những điều thú vị từ đồng nghiệp của mình.

Ngân Giang/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM