VUA NHÃN IDO GHÉP THÀNH CÔNG GIỐNG NHÃN MỚI

Bằng sự đam mê với cây nhãn, ông Nguyễn Văn Phúc (hay còn được gọi là Tám Liếp) ở xã Chánh An, huyện Mang Thít vừa đưa ra thị trường một giống nhản mới được ghép trên gốc nhản Ido, với kỳ vọng sẽ cung cấp cho thị trường một loại trái ngon.

Vua Nhãn Ido Ghép Thành Công Giống Nhãn Mới (1)

  Dù đang có huê lợi từ vườn nhãn i-do của mình, nhưng ông Trần Ngươn Siêu, ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn quyết định phối hợp với ông Nguyễn Văn Phúc để ghép sang giống nhãn mới mà ông Phúc vừa lai tạo thành công. Nguyên nhân là những năm gần đây, nông dân này gặp khó trong việc xử lý ra hoa đối với vườn nhãn i-do của mình.

Ông Trần Ngươn Siêu – Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

“Cây nhãn i-do ra hoa phụ thuộc vào đổ chất CloratKali, ít quá không ra, nhiều quá không ra, phải đúng lượng, đúng lúc rồi lệ thuộc thời tiết, nói chung là nó phức tạp. Nông dân phải điều chỉnh theo cây, theo vụ, tóm lại nó khó. Làm không đúng nó không ra hoa.”

  Hơn 7 năm trước, trong lúc đang trên đỉnh cao với cây nhãn i-do, ông Phúc đã tìm tòi, lai tạo giống nhãn mới từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Tuy nhiên, cách nay 3 năm, ông Phúc phát hiện giống nhãn mới phát triển tốt khi được ghép trên gốc nhãn i-do. Cụ thể trái nhãn to (trung bình khoảng 50 trái 1 kg), cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh. Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng rưỡi nhưng nếu neo trên cây thêm từ 1-1,5 tháng trái nhãn vẫn không bị giảm chất lượng. Bên cạnh đó, cây nhãn còn có khả năng tự rụng những trái nhỏ, trái đeo và cành không đậu trái.

Ông Nguyễn Văn Phúc– Xã Chánh An, huyện Mang Thít.

 “Thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi trái nhãn phải chất lượng từ chỗ đó tôi không ngừng tìm những trái nhãn chất lượng để so sánh lại. Từ đó tôi quyết tâm làm trái nhãn này để thay thế nhãn i-do về chất lượng. Thứ hai nữa là giá thành, công lao động ngày càng tăng. Mà trái i-do thì phải thuê lao động rất nhiều lặt trái đeo, tỉa râu, lựa ra kích cở thì người mua người ta mới chấp nhận còn so lại với trái nhãn này thì khỏi, giảm được giá thành và nhân công lao động.”

Việc lai tạo thành công giống nhãn mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt đồng thời sinh trưởng mạnh khi ghép trên thân giống nhãn i-do là một phát hiện quan trọng của ông Phúc. Bởi hiện nay khoảng 80% trong số hơn 5.000 ha nhãn ở Vĩnh Long là nhãn i-do. Tuy nhiên, thời gian qua nông dân trồng nhãn i-do của xã Chánh An nói riêng, của tỉnh Vĩnh Long nói chung cũng rơi vào tình trạng khó xử lý ra hoa, đặc biệt khi cây càng lớn tuổi, chi phí đầu tư càng cao. Trong khi đó, để xử lý ra hoa đối với giống nhãn mới này nông dân chỉ cần ½ lượng thuốc kích thích so với cây nhãn i-do cùng kích cở tán lá. Sau chỉ 1 đợt xử lý, cây nhãn dễ dàng ra hoa và ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Ông Trần Hoàng Tín – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An, huyện Mang Thít.

 “Cây i-do xử lý nó khó, một số nhà vườn người ta sẵn sàng người ta đốn, người ta nói là khó. Chúng tôi đang khuyến cáo nông dân nên giữ gốc nhãn i-do để ghép nhãn mới này, trong quá trình trên dưới 2,5 năm là chúng ta có thu nhập rồi.”

Ông Nguyễn Văn Phúc– Xã Chánh An, huyện Mang Thít.

“Mình cũng rất mừng là vì không những lai tạo được một giống nhãn ngon mà qua đó lại còn giúp người trồng nhãn i-do đang gặp khó khăn vấn đề xử lý ra hoa. Thời gian gần đây cũng có rất nhiều nông dân, có ở ngoài tỉnh nữa lại đây nhờ tôi chỉ cách ghép, tôi cũng chỉ hết sức mình.”

  Không chỉ ở địa phương mà nhà vườn ở ngoài tỉnh Vĩnh Long cũng đang ghép giống nhãn mới của ông Phúc trên gốc nhãn i-do để giải bài toán xử lý ra hoa. Điều này sẽ giúp người trồng nhãn i-do tăng lợi nhuận thay vì đốn bỏ để trồng lại giống nhãn mới hay cây trồng khác như thời gian qua.

Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.

Phạm Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM