Những món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ
Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt và trong dịp này, các gia đình thường chuẩn bị những món ăn sau.
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí.
Những món ăn phổ biến
Rượu nếp hoặc nếp cẩm
Ảnh: FB Sông Tịnh
Đây là món không thể thiếu đối với bất cứ gia đình nào trong ngày Tết Đoan ngọ. Sáng mùng 5/5 âm lịch, tất cả mọi người đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Cơm rượu nếp ở mỗi vùng cũng có sự khác nhau. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
Bánh khúc
Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) không thể thiếu món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen.
Chè trôi nước
Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
Bánh tro
Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của Miền Bắc. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh gio, bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương.
Hoa quả
Ảnh: FB Sông Tịnh
Các loại hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này, Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
Chè kê
Món chè này cũng rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Thịt vịt
Món ăn này không thể thiếu trong ngày Tết giết sâu bọ của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm vịt sẽ béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.
Mâm cúng gia tiên Tết Đoan ngọ gồm những gì?
Ảnh minh họa
Theo dân gian, ngày Đoan Ngọ là ngày người dân cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng. Hơn nữa, giữa lúc chuyển trời sang mùa hè oi bức, người dễ mắc bệnh, người Việt còn có nhiều tục lệ như: ăn quả chua, rượu nếp, bánh tro ngay từ khi thức dậy để diệt trừ sâu bọ.
Vì vậy, có nơi còn gọi ngày này là Tết giết sâu bọ. Với người miền Tây, đơn giản đây là ngày Tết giữa năm, dẫu có buôn bán, làm ăn ở xa người dân vẫn cố thu xếp về nhà để đổ bánh xèo cả nhà cùng vui. Bởi vậy, ngày này cũng giống như Tết Nguyên đán vậy.
Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng trên thực tế, Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12h trưa). Mâm lễ cúng sẽ gồm có:
– Hương, hoa, vàng mã.
– Nước.
– Rượu nếp.
– Xôi, chè.
– Bánh ú tro (hay bánh gio).
– Hoa quả gồm các loại quả mùa hè như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối… Trong đó, mận và vải là hai loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ.
Mai Anh (t/h)