Ngân hàng tuần qua: BAC A BANK được chấp thuận tăng vốn, TPBank triển khai phát hành 100 triệu cổ phiếu
TPBank triển khai phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu; SeABank triển khai trả cổ tức bằng hơn 110 triệu cổ phiếu và phát hành 23,5 triệu ESOP; BAC A BANK được chấp thuận tăng vốn lên 7.531 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ mạnh giá mua USD… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
TPBank triển khai phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 11.716 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.
TPBank triển khai phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 11.716 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) mới đây đã thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2021. Cụ thể, TPBank dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, quy mô tương đương 9,33% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính và có cam kết gắn bó lâu dài với TPBank, số lượng dưới 100 nhà đầu tư và đảm bảo tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại tại thời điểm phát hành.
Số lượng cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán theo quy định của pháp luật.
TPBank dự kiến hoàn tất phát hành trong 1 đợt, vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng từ 10.716,7 tỷ đồng lên 11.716,7 tỷ đồng.
Số tiền tăng thêm từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và mở rộng mạng lưới, bổ sung vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn và bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng, phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng.
Yếu tố nào ghìm đà tăng lãi suất liên ngân hàng?
Thời gian vừa qua, lãi suất liên ngân hàng tăng và neo ở mặt bằng giá mới.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn vốn huy động đã góp phần khiến thanh khoản thị trường thu hẹp, khiến lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trong thời gian qua.
So với cuối năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể. “Diễn biến này nhiều khả năng đã góp phần vào việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây”, chuyên gia của BVSC nhận định.
Có phần đồng quan điểm với BVSC, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng chênh lệch tiền gửi – tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa, đẩy lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định thanh khoản bớt dồi dào trên thị trường liên ngân hàng là do tín dụng tăng trưởng tốt, đặc biệt là tại các ngân hàng tư nhân; trong khi đó, tiền gửi tăng yếu, chủ yếu ở phân khúc cá nhân, cộng hưởng với việc NHNN sử dụng hợp đồng kỳ hạn để mua ngoại tệ (USD).
“Chúng tôi cho rằng việc tái cơ cấu danh mục của cá nhân do nền lãi suất huy động giảm đã góp phần khiến tăng trưởng huy động gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, dẫn đến căng thẳng thanh khoản cục bộ và hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng. Điều này dẫn đến việc vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi”, chuyên gia của VDSC cho biết thêm.
SeABank triển khai trả cổ tức bằng hơn 110 triệu cổ phiếu và phát hành 23,5 triệu ESOP
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) vừa thông qua việc triển khai 2 trong số 4 cấu phần của phương án tăng vốn được ĐHCĐ thường niên năm 2021 phê duyệt.
Theo đó, SeABank dự kiến triển khai phát hành hơn 110 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ phát hành tương đương là 9,12%.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 theo quy định. Tại thời điểm ngày 31/12/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của SeABank là hơn 1.126 tỷ đồng, trong đó số tiền dự kiến sử dụng để trả cổ tức bằng cổ phiếu tối đa là hơn 1.102 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, đợt phát hành này sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Cùng với đó, SeABank cũng thông qua việc triển khai phát hành 23,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) theo cấu phần 3 của phương án tăng vốn.
Tỷ lệ phát hành ESOP là 1,94%. 2 mức giá phát hành được SeABank đưa ra là 15.000 đồng/cổ phiếu và 16.800 đồng/cổ phiếu tùy thuộc vào phân loại nhóm đối tượng theo quy định của ngân hàng này.
Thời điểm phát hành dự kiến sau ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi hoàn tất 2 đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên hơn 13.424 tỷ đồng.
BAC A BANK được chấp thuận tăng vốn lên 7.531 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 4107/NHNN-TTGSNH, chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) tăng vốn điều lệ tối đa thêm 446,3 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 7.085 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế còn lại của BAC A BANK năm 2020 sau khi trích lập các quỹ đã được ĐHĐCĐ BAC A BANK thông qua. Qua đó nâng vốn điều lệ của BAC A BANK lên trên 7.531 tỷ đồng.
Theo NHNN, BAC A BANK có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Năm 2021, căn cứ vào vốn điều lệ dự kiến đạt 7.531 tỷ đồng, BAC A BANK đặt kế hoạch tổng tài sản mục tiêu đạt 125.510 tỷ đồng, tăng 7% so với mức thực hiện năm 2020.
Huy động vốn từ thị trường 1 (từ dân cư và các tổ chức kinh tế) dự kiến đạt 99.851 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 88.179 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 8% và 11%. Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng của hoạt động cho vay khách hàng có thể sẽ được thay đổi, điều chỉnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 kỳ vọng thu về 700 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với mức thực hiện năm 2020.
Lý giải động thái hạ mạnh giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước
Ngày 8/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm giá chào mua USD kỳ hạn 6 tháng 150 đồng xuống 22.975 đồng. Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) không được phép hủy ngang như trước. Sau quyết định của NHNN, tỷ giá USD/VND giảm xuống 22.955 đồng trong ngày 8/6/2021 (giảm 0,6% so với cuối năm 2020).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động thái trên cho thấy nhu cầu mua ngoại tệ của NHNN nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối đã giảm.
“Dự trữ ngoại hối hiện nay đã cao hơn mức tiêu chuẩn, theo thang đo của IMF, thanh khoản trên thị trường duy trì dồi dào, trong khi áp lực lạm phát còn hiện hữu, cho nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng kênh ngoại hối để cung cấp thanh khoản cho thị trường”, chuyên gia của KBSV lý giải.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong danh sách theo dõi “thao túng tiền tệ” từ Mỹ, do vậy hành động của NHNN vừa có thể giúp giải tỏa áp lực lên VND (trong bối cảnh USD giảm giá), vừa tránh vi phạm tiêu chí thứ 3 (can thiệp ngoại hối ít nhất 6 tháng).
Bên cạnh đó, theo KBSV, hành động giảm giá mua USD của NHNN sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát.
Ngoài ra, việc không cho phép các NHTM hủy ngang trong hợp đồng mua kỳ hạn sẽ giúp NHNN bám sát hơn nguồn cung ngoại tệ thực tế của NHTM, tuy nhiên làm hạn chế tính linh hoạt trong dòng tiền của các NHTM.