Truyện ngắn: Những sợi dây ân tình

Vừa biết tin ông nghỉ hưu, bà tổ trưởng phố Cẩm đã đến nhà. Bà có tính nói chuyện rất dai. Nhưng mà nói hay. Cứ cái xe đạp cun cút bà đạp hết ngõ này đến ngõ khác. Chỗ nào có bà là cứ oang oang cả.

Sự việc đang căng như dây đàn mà bà làm cho mọi người cười như nắc nẻ, thế là hòa. Đi đến đâu ai cũng mời bà vào uống nước. Có tuần bà chả ăn cơm ở nhà bữa nào, bà bảo với mọi người: Đấy vác tù và hàng tổng mà sướng chứ chả khổ gì cả. Có người bảo: Cái bà này cũng hơi… rảnh! Bà nghe rõ, quay lưng lại mỉm cười bảo: Các bác bầu em đại diện cho các bác thì em phải có trách nhiệm chứ. Đấy, nhà bác mà không có em đến chơi… thì có khi cãi nhau to với cô hót rác ấy chứ! Bà nói xong rồi đi luôn để lại trên khuôn mặt béo của ông bạn đồng niên vẻ hụt hẫng và hơi xấu hổ.

Minh họa: Đinh Hương 

Trong phố có nhà một cô giáo mới ở huyện chuyển về dứt khoát không nộp các loại quỹ. Xóm trưởng ngại không thu, trả lại cho bà tổ trưởng. Bà tổ trưởng vui vẻ đến nhà cô giáo chơi thế nào mà hết cả một buổi chiều. Cuối buổi nói chuyện, bà lại hẹn mai rảnh bà qua chơi tâm sự, hỏi han chia sẻ cuộc sống, gia đình, công việc. Đồng thời còn căn dặn, mới chuyển đến có khó khăn hoặc điều gì chưa an tâm thì cứ báo cho bà. Mọi người ở đây rất đoàn kết, quý mến nhau.

– “Tôi đưa cô vào nhóm zalo của phố nhé! Có thông tin gì trong phố là biết”… Bà lướt lướt ngón tay trên điện thoại. Xong. Bà yên tâm chào cô và đeo chiếc túi vải vào sườn rồi lên xe đạp khuất sau những tán cây xanh đang reo vui trong nắng. Bà cũng chẳng nhắc gì đến chuyện tiền nong, quỹ tá, thế rồi thời gian sau, cô giáo tự giác xin nộp luôn các loại quỹ, phí cả năm cho phường.

Bà tổ trưởng đến chơi thế này, ông cũng hơi chột dạ, nhỡ mà bà xã đóng thiếu loại phí nào cho bà ấy thì ngại quá, đường đường là cán bộ cấp tỉnh mà quên thì ê mặt. Hay là nhà mình có điều gì để hàng xóm người ta phản ánh đến bà ấy. Ông rót chén trà và mở đầu câu chuyện với khách:

– Mời chị xơi nước. Em vừa mới nhận quyết định nghỉ hưu chị ạ!

– Chúc mừng chú nhé! Làm cán bộ mấy chục năm giờ về nghỉ hưu mà vẫn như thanh niên ấy.

– Dạ chị cứ đùa, em lên chức ông nội rồi đấy ạ.

– Tôi biết chú mới nghỉ hưu là qua cô Yến sáng nay đi mua gà ở chợ bảo về làm cái lễ cúng tổ tiên báo cáo là chú đã hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước. Đấy cả xóm này, có nhà chú luôn là gương sáng cho tất cả mọi người. Gia đình hạnh phúc, trên dưới nền nếp, gia giáo, con cái học hành thành đạt, các cháu thì xinh xắn khỏe mạnh. Ai cũng mong được như gia đình chú đấy!

Ông phấn khởi và cảm thấy cũng đúng vì từ trước tới nay gia đình ông luôn chan hòa cùng mọi người.

– Chú này!- Ông thấp thỏm trước lời bà tổ trưởng, bây giờ nghỉ làm ở Nhà nước rồi có thời gian, có trình độ và uy tín như chú nên tham gia với chúng tôi để góp phần xây dựng cuộc sống ở tổ xóm mình được nâng cao…

– Ấy chết, em thì biết làm gì hả chị. Ở cơ quan nhà nước ngồi bàn giấy, lại không hoạt bát như các chị em trong khu nhà mình. Thôi em xin phép, ủng hộ gì em cũng nhất trí chứ làm công tác xã hội thì thôi ạ!

– Hôm nay tôi đến thăm chú, để dạm ý chú xem thế nào, chú cứ nghỉ ngơi một thời gian cho thoải mái, đến nhiệm kỳ bầu của tổ dân phố tôi cứ đưa chú vào danh sách ứng cử tổ phó xem… có được không?! Thôi tôi xin phép chú tôi về!

– Dạ, chị về ! Mặt ông bỗng dưng cứ lúng túng, trông thật không ra hồn gì. Bà tổ trưởng bỗng như cảm thông với bộ dạng bị đề nghị đưa ra ứng cử với cái chức vị không đâu ấy.

Bà chưa lên xe ngay vội. Vẫn còn dở dang câu chuyện, bà quay nhẹ người lại bảo ông:

– Này chú Khoái, Chủ nhật tuần này chú có bận không, đi chuyển quà từ thiện với chị cho xóm công nhân bên khu công nghiệp núi Đìa và cán bộ làm công tác y tế ở đó. Chị xin được nhiều quà lắm rồi, nhưng chưa xin được chuyến xe nào để vận chuyển cả. Có thể họ không thiếu thốn lắm, nhưng của ít lòng nhiều, động viên họ là chính. Chứ cách ly ngồi một chỗ là khổ và lo lắng lắm. Trời thì nắng nóng thế này…

Nghe đến đi làm từ thiện, lòng ông bỗng trào dâng cảm xúc khó tả. Đã từ lâu ông không có thời gian để tham gia làm từ thiện. Cứ đọc báo nghe đài thấy hoàn cảnh nọ hoàn cảnh kia, ông thương cảm lắm. Nhớ cái đận lên miền núi công tác để làm dự án về nước sạch cho đồng bào, nhìn bọn trẻ như đàn kiến nhỏ chui ra chui vào cái lớp học bằng tre chênh vênh trên sườn núi, ông thương đến chảy nước mắt. Bọn trẻ xúm xít vào cái nồi nước canh rau lèo phèo, một cái chảo trứng xào.

Những gương mặt đen đủi, ánh mắt trong veo luôn cười tươi hồn nhiên làm lòng ông xót xa. Cô giáo bảo, các em được bố mẹ cho đến trường học thế này là may lắm rồi. Các nhà ở bản xa, có em phải đi học từ 5 giờ sáng, đi bộ mấy cây số mới đến lớp… Có bao nhiêu tiền trong túi, ông tặng lại cho lớp học. Cũng chẳng được bao nhiêu tiền nhưng lòng ông tháy nhẹ nhõm. 

Ông thầm nghĩ, thành phố và nơi này chẳng xa bao nhiêu, chỉ khoảng hơn trăm cây số thôi nhưng đời sống khác biệt nhiều quá. Ông sẽ làm cái gì đó cho nơi này. Ông leo lên xe bật điều hòa mát lạnh mà vẫn nhớ tới mùi hương thiên nhiên khoáng đạt của rừng cây phía sau. Đàn bướm trắng bay rập rờn trên lối mòn ra đến cửa rừng… Cho tới bây giờ, gần mười năm, ông chưa làm gì được cho nơi ấy cũng chưa trở lại lần nào. Không biết bản Cọn ngày ấy bây giờ ra sao?

Ông nhận lời ngay với bà tổ trưởng:

– Được, Chủ nhật em chở chị đi. Hàng nhiều không chị? Em huy động thêm xe của mấy chú em nữa!

– Cũng được khá đấy chú ạ. Thế chú mượn thêm một xe bảy chỗ nữa nhé.

Ông thở phào tiễn bà tổ trưởng ra về.

***

Giữa tâm dịch, đường phố vắng tanh. Nắng đầu hè đổ xuống mặt đường nhựa như tưới nước, bóng loáng cả lên. Hai chiếc xe chở hàng, toàn thực phẩm, gạo, mắm muối, đồ khô, có cả rau xanh, củ, quả mới cắt trong làng bên cạnh do bà con bên đó chuyển sang. Bà tổ trưởng còn sắp xếp cả những khay thịt lợn rán riêng từng hộp mà tối qua Hội Phụ nữ phường hì hục làm cả đêm… Bà bảo, chuẩn bị được 100 suất quà thôi, đủ cả mấy món… 

Quãng đường không dài chỉ hơn chục cây số mà mấy chỗ nhầm đường vì bà kể chuyện liên hồi về tối qua chuẩn bị thế nào, rồi tự dưng lại có thêm mấy người ủng hộ nữa thành ra là vượt kế hoạch… Cậu thanh niên làm Bí thư Đoàn phường và chị Hội trưởng Phụ nữ cứ tủm tỉm khen bác tổ trưởng hết lời… Bà được thể bảo: Đấy không có tôi hô hào thì muốn ủng hộ cũng chẳng biết đường nào nhỉ! Cậu thanh niên dí dỏm hơn: Trong đám đông phải có một anh hùng! Trong phường ta phải có một người như bác đây xứng danh anh hùng!

Khu cách ly có cán bộ tiếp nhận thực phẩm và danh sách những hộ gia đình nhận quà rất nghiêm chỉnh. Khi mọi người ngồi nghỉ ngơi trong lán thì loa từ trong khu cách ly xóm trọ vang ra: Chúng cháu người ở bản Cọn, huyện Sơn Thì cảm ơn các cô chú đã tặng quà. Chúng cháu vô cùng biết ơn các cô chú đã giúp đỡ trong lúc khó khăn. Chúng cháu xin được mời các cô chú lên thăm bản vào dịp gần nhất khi dịch Covid-19 đã hết ạ! Bản cháu có thác nước, có khu du lịch sinh thái rất đẹp ạ… Cả đoàn cùng vỗ tay cảm ơn. Hai chị phụ nữ đi cùng thì rơm rớm nước mắt xúc động!

Vợ ông cảnh báo: Này đừng để uy tín quá mà được bầu vào chức tổ phó đấy nhé! Rồi việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng. Ông chỉ nói: Biết rồi, ai người ta đã bầu mà lo! Tham gia công tác với bà con phố xá cũng vui bà ạ. Ở nhà quanh ra buổi sáng, quanh vào là bữa ăn, rồi xem tivi. Bà không thấy chán à? Mấy lần được bà tổ trưởng mời đi làm nhiệm vụ lái xe, ông cảm thấy cũng vui vui. Cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn khi con người kết nối với nhau bằng những sợi dây ân tình.

Lòng ông vẫn day dứt một điều, không biết ở bản Cọn ngày ấy bây giờ nước sạch có đủ dùng không? Ngày hết dịch Covid-19 ông sẽ về xã ấy để thăm lại cánh rừng, con suối ngày ấy mà lòng ông đã tự hứa sẽ làm điều gì khi quay trở lại… Bây giờ ông đã nghỉ hưu, Các dự án về điện nước cũng không còn thẩm quyền để ký nữa. Nhưng ông sẽ lên đó bằng tấm lòng của một người đã đứng trước rừng xanh! Ông sẽ ngắm những cây rừng đã lên xanh kết tán trên con đường mới trong nắng mới hôm nay…

Ông lại nhận một cuộc điện thoại của bà tổ trưởng đến nhà văn hoá để lo chuẩn bị cho buổi tổ chức chương trình khen thưởng các em học sinh có thành tích trong năm học vừa qua. Lạ quá, cái bà này, đã bảo không nhận thêm việc gì rồi, mà hễ cứ nhận điện thoại của bà ấy là ông lại cùng mấy người hàng xóm vui vẻ đến nhà văn hóa của khu phố!

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM