Trẻ có thực sự ngoan ngoãn hơn sau khi bị mắng?

Chăm sóc con cái là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả kiến thức khoa học. Nhiều cha mẹ quát mắng vì không chịu được tiếng ồn ào, quấy khóc của con. Nhiều cha mẹ trách mắng con bày bừa, lười ăn, không nghe lời. Đây là một cách cư xử sai lầm và có thể sẽ khiến trẻ bị ám ảnh tâm lý.
Các cuộc điều tra xã hội cho thấy 90% các bậc cha mẹ Trung Quốc đã từng la mắng con cái của họ. Họ la mắng con cái vì con ham chơi, lười học, cãi lại. Nhiều người la mắng con cái do áp lực, công việc gặp trục trặc, không kiềm chế được nên đã trút giận lên con.
Trên thực tế, la mắng không giải quyết được vấn đề gì mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Điều này còn thể hiện sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong việc nuôi dạy con.
Sau khi bị la mắng, trẻ sẽ có nhiều phản ứng căng thẳng, chẳng hạn như bịt tai và khép mình lại để tránh bị tổn hại. Những đứa trẻ dường như im lặng sau khi bị la nhưng trong thâm tâm chúng phản kháng, ngay cả khi cha mẹ đưa ra những đề nghị hợp lý, trẻ vẫn không nghe lời.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, la mắng trẻ em, cũng giống như lạm dụng bằng lời nói và trừng phạt thể chất đối với trẻ em, sẽ làm tăng mức độ hormone căng thẳng và thay đổi cấu trúc não của trẻ.
Trái tim trẻ em rất mỏng manh, cách giáo dục thô bạo sẽ khiến trẻ tổn thương. Vì vậy, mẹ cần giáo dục con bằng những cách nhẹ nhàng hơn để giúp trẻ phát triển trí não và thể chất.
Là cha mẹ, bạn nên kiểm soát cảm xúc của mình và đừng hủy hoại cuộc sống của con bạn. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con cái còn nhỏ, chưa hiểu được lời khuyên của cha mẹ thì chỉ có quát mắng mới giải quyết được vấn đề.
Thực chất đây là một cách hiểu sai lầm. Ngay từ rất sớm trẻ đã có thể phân biệt được cảm xúc của cha mẹ. Thành tích của trẻ sau khi lớn lên có liên quan mật thiết đến môi trường phát triển thời thơ ấu.
Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta cần sửa chữa vấn đề xấu này. Hãy đối xử với con cái một cách hòa nhã. Hãy luôn khuyên bảo, dạy dỗ con một cách nhẹ nhàng. Đây mới chính là cách đúng đắn để bố mẹ chắp cánh cho tương lai của trẻ.
Quỳnh Trang/Theo Sohu
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM