M&A giúp Masan đón cơ hội lớn từ thị trường bán lẻ trực tuyến

Thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) liên tục thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám với các doanh nghiệp tên tuổi trong nước và thế giới, nhằm thúc đẩy sự hoàn thiện nền tảng kinh doanh trực tuyến và hình thành nền tảng “tất cả trong một” để đón các cơ hội kinh doanh rộng mở.

Kinh Nghiem Kinh Doanh Cua Hang Tien Loi 600x405

*Cửa hàng tạp hóa trực tuyến nhiều tiềm năng

Trung tuần tháng 5/2021, Masan và nhóm các nhà đầu tư; trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã công bố việc ký kết các thỏa thuận để mua 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD.

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce.

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành tại Baring Private Equity Asia (BPEA) cho biết, bà tin tưởng thỏa thuận đầu tư chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy The CrownX phát triển vượt bậc và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vẫn còn non trẻ.

Theo McKinsey, Kantar World Panel và Asia Plus Inc, tỷ lệ thâm nhập cửa hàng bách hóa thực phẩm trực tuyến ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức 2%, trong khi Trung Quốc tỷ lệ này là 10% và Hàn Quốc là 20%. Điều này cho thấy Việt Nam có dư địa lớn để phát triển cửa hàng tạp hóa trực tuyến.

Về phía Masan, doanh nghiệp này tin rằng, kênh bách hóa thực phẩm trực tuyến của Việt Nam có đầy đủ các cơ sở để phát triển vượt bậc trong 5 năm tới.

Sự tham gia của Alibaba sẽ nâng cao năng lực của VinCommerce trong việc xây dựng nền tảng bách hóa thực phẩm trực tuyến hàng đầu trên LazMall và củng cố chiến lược xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ tích hợp Offline to Online (O2O) hoàn thiện của Masan.

Với mô hình kết hợp giữa kênh mua sắm offline và online, khách hàng có thể tìm thông tin về sản phẩm qua kênh online, rồi đến cửa hàng để tận mắt quan sát, lựa chọn và mua sản phẩm.

Ban lãnh đạo Masan tin tưởng sự kết hợp của Lazada – nhà bán lẻ thuộc nằm trong tốp ba thị trường bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam, có 20 triệu người dùng và cơ sở hạ tầng B2C (thương mại điện tử giao dịch giữa công ty và người tiêu dùng) toàn diện trên toàn quốc, cùng với Alibaba – một tập đoàn thương mại điện tử có kinh nghiệm sâu sắc trong phát triển kênh O2O, sẽ hỗ trợ Masan phát triển thành công mô hình kinh doanh bách hóa thực phẩm trực tuyến.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, chiến lược này là một bổ sung quan trọng trong dài hạn cho mô hình kinh doanh của VinCommerce, nhờ vào tiềm năng phát triển lớn của hàng tạp hóa trực tuyến tại Việt Nam.

VDSC tin rằng, tác động tiêu cực của đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kênh kỹ thuật số nhanh hơn trong năm 2020. Kết hợp với phong cách sống hiện đại, tiên tiến cùng tốc độ đô thị hóa nhanh của Việt Nam, kênh bách hóa trực tuyến sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Thực tế, tần suất mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đã tăng lên trong năm 2020, với hơn 60% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng, tăng 14% so với năm 2019; trong đó, thực phẩm và đồ uống có tỷ trọng cao nhất, chiếm 28% tổng lượt mua hàng trực tuyến. Theo báo cáo của Nielsen, năm 2020, số lượng người sử dụng kênh mua sắm trực tuyến đã tăng tới 25% so với năm trước đó.

VDSC cho rằng, kênh tạp hóa trực tuyến sẽ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của mạng lưới cửa hàng VinCommerce. Công ty chứng khoán này kỳ vọng kênh tạp hóa trực tuyến sẽ hỗ trợ chuỗi Vinmart+ nâng cao biên lợi nhuận.

So với Bách Hóa Xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động – đối thủ hàng tạp hóa có khả năng thâm nhập sớm hơn vào kênh tạp hóa trực tuyến, việc hợp tác cùng Alibaba sẽ thúc đẩy nhanh hơn khả năng VinCommerce bắt kịp nền tảng trực tuyến của Bách Hóa Xanh và các nhà bán lẻ tạp hóa khác.

VDSC cho rằng, khoản đầu tư của Alibaba vào The CrownX là một sự bổ sung quan trọng cho mô hình kinh doanh dài hạn của VinCommerce nhằm xây dựng một nền tảng bán hàng thực phẩm trực tuyến hiệu quả, nhờ vào tiềm năng phát triển lớn của bán hàng thực phẩm trực tuyến tại Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Alibaba để thúc đẩy sự hoàn thiện nền tảng kinh doanh trực tuyến của công ty.

Với lợi thế điểm bán lớn, Masan cũng chủ động tìm kiếm, đánh giá các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để mở rộng kinh doanh, tối ưu lợi thế sẵn có.

Theo đó, cũng trong tháng 5/2021, Công ty TNHH The Sherpa – một công ty thành viên của Masan công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD.

Công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam.

*Lợi thế chi phí

VinCommerce và Phúc Long sẽ thành lập mô hình Kiosk Phúc Long với hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Đặc biệt, việc đặt các Kiosk Phúc Long bên trong VinMart+ không chỉ mang đến những thức uống trà, cà phê tươi ngon cho 9 triệu khách hàng thân thiết, mà còn góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ trở thành một điểm đến đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi.

Tính đến cuối tháng 5, Masan đã có 4 kiosk thí điểm là Vinmart Nguyễn Thị Định, Vinmart + New City, Vinmart + Centana, Vinmart + Sun Avenue.

Các cửa hàng thí điểm này đã mang lại kết quả khả quan trong 21 ngày hoạt động với doanh thu 8 triệu đồng/ngày/cửa hàng và hoàn thành 100 hóa đơn/ngày, tương đương mức doanh thu 240 triệu đồng/30 ngày.

Trong 12 – 24 tháng tới, Masan đặt kế hoạch mở mới thành công 1.000 kiosk. Đặc biệt, sau khi triển khai, Masan kỳ vọng các kiosk Phúc Long có thể đạt doanh thu 5 `triệu đồng/ngày, tương đương 63% so với kết quả thí điểm.

Đáng chú ý hơn, Kiosk Phúc Long sẽ mang lại mức tăng 2% EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) cho cửa hàng Vinmart+ nhờ lợi thế chi phí.

Theo quan điểm của VDSC, sự hợp tác của Phúc Long và Vinmart + mang lại tham vọng của ban lãnh đạo trên con đường biến The CrownX thành một khái niệm cửa hàng “tất cả trong một”.

Theo VDSC, việc bổ sung Kios Phúc Long bên trong cửa hàng Vinmart +, chỉ chiếm khoảng 10% diện tích và tăng chi phí không đáng kể, sẽ thúc đẩy quá trình đưa Vinmart + đạt điểm hòa vốn EBIT (thu nhập trước lãi vay và thuế) sớm hơn.

Trên thị trường chứng khoán, MSN chốt phiên 11/6 giá 106.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 19,2% so với cuối phiên giao dịch đầu năm 4/1 ./.

Văn Giáp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM