Những mâm cỗ Tết Đoan Ngọ gợi nhớ tuổi thơ
Nhiều gia đình thức dậy từ sớm, sửa soạn mâm cỗ cúng để khi trẻ con vừa thức dậy đã ‘giết sâu bọ’.
Sáng nay, chị Đoàn Phương Thảo ở Vạn Phúc (Hà Nội) dậy từ 5h sáng để sắp xong 25 mâm cỗ kịp gửi tặng người thân và bạn bè, thắp hương cúng Tết Đoan Ngọ trước lúc đi làm. Mỗi mâm có mận, vải, nếp cái (rượu nếp), xôi cốm, bánh ú tro và một giỏ hoa nhài thơm phức.
Từ tối qua chị đã mua rượu nếp, bánh ú tro và bật điều hòa lạnh để rượu không bị lên men quá. Riêng mận, vải cất tủ lạnh để quả cứng hơn. Hoa nhài được một người bạn mang từ Sóc Sơn sang.
“Tôi là con út nên ngày bé thường quanh quẩn bên mẹ. Nhớ ngày này năm xưa, mẹ thường lựa những quả tươi ngon, một phần cúng cụ, một phần tặng xóm giềng. Hình ảnh mẹ lựa chọn kỹ lưỡng mỗi lần sắp đồ cúng hay biếu tặng ai đó ghi dấu trong tôi về sự biết ơn tổ tiên, trân quý bạn bè nên tôi thừa hưởng điều đó từ mẹ”, chị Thảo, 41 tuổi, chia sẻ.
Lớn lên ở vùng Phúc Thọ (Hà Nội), mấy chị em Ngọc Bích vô cùng háo hức Tết 5/5 âm lịch (Đoan Ngọ) vì được làm rất nhiều các phong tục truyền thống. Từ đêm mùng 4 mẹ đã đắp lá lên móng ngón tay và chân, rồi dùng lá vông bọc lại. Sáng sớm mùng 5, mẹ gọi dậy bôi vôi vào lòng bàn chân với lời dặn “ngồi im trên giường, không là sâu bọ chui vào người qua bàn chân”. Ngay lát sau mẹ bê đến rổ mận và vải, nếp cái để mấy chị em ăn. Trước khi ăn mỗi đứa con “niệm chú giết sâu giết bọ”.
Ngoài ra nhà Bích còn có tục “hỏi tội cây” vào lúc 12h trưa để tra khảo vì sao cây không đơm hoa kết trái. Cả ngày hôm đó cả nhà sẽ ăn nhiều món từ vịt và còn được cùng lũ trẻ trong làng tắm ao. “Đến giờ 30 tuổi, tôi đã biết tự tay chuẩn bị mâm cỗ 5/5 và mỗi lúc ăn không quên câu thần chú ‘giết sâu, giết bọ'”, cô gái 30 tuổi, chia sẻ.
Ở quê của chồng Minh Thu, Đông Anh (Hà Nội), hôm nay còn là Tết cơm mới. Nhà nhà ăn uống khá linh đình, cùng mổ gà vịt, thổi xôi, mong một năm mùa màng bội thu.
Sáng nay cụ bà hàng xóm (bên phải) sang thăm bà của Thu. Hai cụ ngồi “tám chuyện” ngày ngày thưở xưa hay được mẹ cho bát rượu nếp ú ụ, bảo rằng ăn để giết được con sâu trong bụng. Hồi ấy quà bánh ít, đứa trẻ nào cũng chỉ mong đến ngày này để được ăn bát rượu nếp cay ngọt.
Ngày xưa cạnh nhà Thanh Trà ở Long Biên (Hà Nội) có cây dâu tằm. Vào Tết Đoan Ngọ, bà nội gọi 3 chị em cô dậy từ rất sớm cho ăn lá dâu tằm và rượu nếp. “Tình yêu bà dành cho 3 chị em tôi gửi gắm hết vào những bữa cơm ngon, nên phải ăn nhiều, bà mới vui. Chịu ảnh hưởng từ bà mà tôi hiện luôn cố gắng chăm chút cho căn bếp nhỏ”, bà mẹ hai con chia sẻ.
Mỗi mùa Tết Đoan Ngọ, Mai Hương (Hải Dương) lại thương nhớ về bố. “Ngày xưa bé cỏn con, ngủ dậy mắt nhắm mắt mở đã thấy quả mận, quả vải ngay đầu giường. Bố đã dậy thắp hương từ sớm rồi xin lộc, để sẵn đấy cho cả nhà ‘giết sâu bọ’. Ngày ấy bố khen vải nhà mình ngon nhất, đẹp nhất, thế mà mình lại chẳng bao giờ ăn vì vải nhà trồng không phun thuốc nên toàn sâu cuống. Cho đến khi bố mất, chẳng còn những đồi vải chín đỏ xuất hiện trên đầu giường mỗi ngày 5/5”, cô kể.
Giờ Mai Hương đã là mẹ của hai con. Cô trân trọng những thành quả tự tay làm ra và truyền thống cần gìn giữ. Ngày này cô dậy từ 5h sáng chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, để khi các con dậy sẽ được giết sâu bọ luôn và nghe mẹ kể ngày Tết Đoan Ngọ có ông ngoại ở nơi xa.
Lớn lên ở Thái Bình, chị Nguyễn Bích Lệ luôn được mẹ cho tắm lá thơm vào sáng 5/5. Sau khi khắp cơ thể đã thơm mùi lá bưởi, hương nhu, cả mấy chị em sẽ ngồi vào chiếu cói, ở đó đã bày sẵn mâm xôi chè, rượu nếp và hoa quả để cả nhà giết sâu bọ.
“Bây giờ khi đã lập gia đình mình vẫn giữ nếp đó cho gia đình nhỏ của mình. Sáng nay mình nấu nồi nước thơm lừng tắm cho các con và sau đó hạ mâm cỗ gồm có xôi gấc tự thổi, rượu nếp dì làm siêu ngọt, mua thêm bánh tro, các loại hoa, quả”, chị chia sẻ.
Sáng nay ngủ dậy chị Nguyễn Thị Huế (Bắc Ninh) lấy vôi chuẩn bị từ đêm hôm trước bôi vào cổ cho con gái, khi con còn đang say ngủ. Lúc con ngủ dậy, chị liền bảo: “Mẹ bôi vôi vào cổ cho con để không bị con giun đấy”. Cô bé ngoan ngoãn ăn sáng, ăn hoa quả và xíu nếp cái diệt sâu bọ, giống như thuở xưa chị Huế được bố mẹ làm cho.
“Ngày bé dịp 5/5, mẹ thường bôi vôi vào cổ tôi để tránh bị ốm và ăn nếp cái lên men, các loại quả chua để xua đuổi bệnh tật. Hành động này của cha mẹ là tình yêu đã nuôi dưỡng tôi lớn lên và nay tôi cũng làm vậy cho con mình”, nữ giáo viên nói.
Đối với Lan Phương ở TP HCM, tuổi thơ cô vào ngày này ghi đậm dấu ấn những “mệ già”, “o trẻ” quẩy thúng hạt kê, hạt sen Tịnh Tâm đi bán; ở mỗi góc phố hay có những người ngồi canh bầy vịt béo mầm chờ khách đến mua.
“Mình là con gái xứ Huế, lại làm dâu Sài Gòn nên muốn giữ truyền thống cả hai nơi. Tết mùng 5 của mình hiện tại không thể thiếu thịt vịt luộc chấm mắm gừng, cháo huyết vịt và chè kê xúc bánh tráng mè. Mình cũng theo phong tục nhà chồng có cơm rượu, bánh ú tro và hoa quả chua”, Lan Phương nói.
Là quản lý 8 nhãn hàng hiệu, nội thất và đồ nhập khẩu ở TP HCM, công việc khá bận rộn, Phương vẫn dành thời gian để thực hiện những nghi thức truyền thống của gia đình, bởi cô nghĩ “phá bỏ thì dễ, gìn giữ mới khó”.
Năm nay TP HCM đang dịch phức tạp, Phương vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cỗ tươm tất. “Mọi năm đón Tết với ba mẹ chồng xong thì vợ chồng mình sẽ bay về Huế ngay trong ngày để đón Tết với nhà mẹ đẻ. Năm nay vì dịch nên nhà mình chỉ đón tại TP HCM”, cô nói.
Quê miền Tây Nam Bộ, Tết Đoan Ngọ là dịp gia đình Quế Phương làm bánh xèo ăn với rau sống. Có năm sang hơn còn tổ chức làm bánh ú.
Đây là năm đầu tiên từ khi lập gia đình Phương làm bánh ú tro. Từ vài ngày trước cô ngâm nước tro củi với nước mưa 2 ngày, sau đó lọc lấy nước trong đem ngâm với nếp trong 24 giờ, rồi dùng lá chuối để gói. Vì dịch bệnh, gia đình không ra ngoài mà đón Tết bằng 50 chiếc bánh nóng hổi với hoa quả hái ngoài vườn.
Ở Đồng Nai giờ đang vào vụ măng cụt và chôm chôm nên chị Xuân Liên, 30 tuổi đã chọn bày vào mâm cúng. Mâm cỗ đơn giản nhưng được chị và các con cùng nhau ra chợ chọn mua, bày biện và sau đó cùng thụ lộc.
“Giống như ngày xưa xa lơ xa lắc, mẹ tôi hay dắt díu lũ con thơ, bắt xe đò ngược lên Đạh Tẻh để thăm bà cố, ông cậu và ăn giỗ. Lúc đó lũ con nít chúng tôi được ăn nhiều món ngon hơn hẳn ngày thường nên thích lắm. Nhà ông cậu có món cá ngừ kho cay xè, có bánh ướt tự tráng, có cây ớt kiểng mà tôi dại dột ăn thử và bao nhiêu loại quả ngon. Đoạn thời gian này ghi dấu ấn trong tôi, để lớn lên tôi cứ nghĩ Tết Đoan Ngọ là đám giỗ trên nhà ông cậu”, chị kể.
Phan Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp