Người phụ nữ xếp giấy tạo ‘đủ thứ’ ở Sài Gòn
Đội tuyển bóng đá Việt Nam, y bác sĩ chống dịch Covid-19…. đều được chị Trần Thị Thanh Thương gấp bằng giấy với đường gân lượn sóng theo kỹ thuật Kami.
Chị Thương, 39 tuổi, ở quận Bình Thạnh biết đến loại hình xếp giấy Kami 4 năm trước do được người bạn tặng một con búp bê giấy, có hình thù rất dễ thương, được xếp bằng loại giấy lượn sóng trông rất lạ. Tò mò, chị lên mạng tìm hiểu nhưng có rất ít thông tin về loại hình nghệ thuật này.
Đầu năm 2017, dù ở Việt Nam một số nơi bày bán búp bê giấy, nhưng chưa có ai theo nghề chuyên nghiệp. Cô nữ nhân viên văn phòng quyết định mạo hiểm, xin nghỉ việc để tìm tòi với mong muốn là người tiên phong cho loại hình nghệ thuật handmade này tại Việt Nam.
Thương bắt đầu tìm mua giấy về thử, nhưng loại giấy có thể làm búp bê trong nước không có nên phải nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan. Có điều, quyết định nhập về bao nhiêu giấy cũng luôn là vấn đề đau đầu. “Nếu nhập nhiều quá thì khâu bảo quản rất khó. Giấy để lâu dễ bong tróc, phồng rộp, không tạo hình được. Nhưng nếu nhập ít, lại sợ bị động về nguồn giấy”, chị kể về những khó khăn của thời kỳ đầu.
Có được giấy, Thương bắt đầu thử nghiệm gấp theo những hình mẫu ít ỏi có được trên mạng internet thời điểm đó. Không ai hướng dẫn, chị tự mày mò cả tháng, cứ gấp rồi phá. Sau nhiều đêm thức tự nghiên cứu và thực hành, Thương đã tạo ra quy trình riêng của mình. Bước một là chọn hình mẫu, chị thường nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết của vật mẫu và hình dung luôn trong đầu chi tiết đó nên gấp theo cách nào. Bước thứ hai là chọn giấy và chọn màu. Bước 3 là cuốn, xếp, đẩy giấy và cuối cùng là dán giấy, sau đó trang trí.
Dù công đoạn ít, nhưng để hoàn thành một tác phẩm đơn giản nhất cũng phải mất 3-4 tiếng, còn những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều chi tiết phải bỏ công 2-3 ngày.
“Chiếc Vespa trắng này tôi mất 3 ngày để hoàn thiện. Bởi vì khá kỳ công nên hiện tại chiếc xe đó tôi vẫn cất giữ trong nhà coi như kỷ niệm”, Thương chia sẻ về tác phẩm tâm huyết mới nhất của mình.
Tháng 12/2018, đội tuyển bóng đá Việt Nam đấu với đội tuyển Malaysia tại AFF Cup, chị Thương đã xếp hình 4 cầu thủ cùng với huấn luyện viên Park Hang-seo, giới thiệu lên cộng đồng những người yêu đồ thủ công. Không ngờ, sản phẩm của chị hấp dẫn một hãng hàng không. Họ liên hệ với chị để đặt hàng tạo ra tất cả 24 cầu thủ trong đội. Trong suốt 24 tiếng, người phụ nữ này cùng với sự trợ giúp của chồng thức trắng đêm để hoàn thiện đơn hàng, kịp thời gian mang sang Malaysia tặng các cầu thủ, cổ vũ tinh thần thi đấu. “Đó là kỷ niệm đẹp nhất trong khoảng thời gian làm nghề của tôi”, chị chia sẻ.
Từ khi bắt tay làm nghề, hầu như đêm nào Thương cũng trăn trở những mô hình sẽ thực hiện vào ngày hôm sau. Nếu có ý tưởng mới, chị sẽ bật dậy và làm tới sáng.
Hiện tại giá của đồ chơi xếp giấy Kami dao động từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng một sản phẩm, tùy kích cỡ, độ khó dễ. Đó có thể là hình con gà, xe máy, xe đạp, ông Thần tài, cho đến những cầu thủ bóng đá, những y bác sĩ chống dịch Covid-19… và hơn 300 mẫu khác.
Chị Thương cũng đã bán hàng trăm sản phẩm ra thị trường, nhận được sự đón nhận của khách hàng bởi tính độc lạ và đáng yêu. Mẫu mã được ưa chuộng nhất hiện tại là gấp chân dung con người cụ thể. Khách hàng gửi hình ảnh đến và chị bắt tay thực hiện. “Với người, tôi chú ý tới từng chi tiết về mắt, tóc và những đặc điểm nổi bật. Từ đó có thể xếp gấp được chân dung đặc tả được vẻ ngoài của họ”.
Ưu điểm của loại đồ chơi xếp giấy Kami là bền màu, không hóa chất độc hại. Tuy nhiên sản xuất từ giấy, lại tránh nước nên sản phẩm thường được dùng để trưng bày và làm quà tặng trong những dịp đặc biệt.
Tại Việt Nam, hiện có mình chị Thương theo đuổi chuyên nghiệp loại hình xếp giấy nghệ thuật Kami. Người phụ nữ Sài thành lên kế hoạch khi dịch Covid-19 được đẩy lùi chị sẽ quảng bá loại hình này nhiều hơn nữa bằng các buổi workshop hướng dẫn học viên khắp mọi miền đất nước. Chị cũng hy vọng tương lai không xa, những con búp bê xếp giấy của người Việt được xuất khẩu sang nước ngoài.
Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp