VinFast trên con đường tiến đến châu Âu vào năm 2022
Theo kế hoạch mới được tiết lộ, VinFast sẽ chính thức tiến vào thị trường châu Âu trong năm 2022.
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng ra toàn cầu sau khi đã có mức tăng doanh số tại “quê nhà”, cụ thể với số lượng xe bán ra tăng từ 15.300 chiếc vào năm 2019 lên tới 29.485 chiếc vào năm 2020. Theo đó, mục tiêu xuất khẩu của VinFast là các thị trường Mỹ, Canada và cả châu Âu.
Phát biểu với tạp chí AutoCar của Anh Quốc, bà Thái Thị Thanh Hải – CEO của VinFast – cho biết, hiện tại khả năng tăng trưởng của hãng đang bị giới hạn do chưa có doanh số bán hàng ở nước ngoài chứ không liên quan đến năng lực sản xuất, do đó VinFast đang đẩy nhanh quá trình tiến ra toàn cầu: “Tại châu Âu, VinFast sẽ chính thức mở mạng lưới bán hàng tại Pháp, Đức và Hà Lan vào năm 2022 và nhanh chóng mở rộng đến các quốc gia khác trong những năm tiếp theo”.
Theo đó, thị trường Anh Quốc chưa chính thức được xác nhận có mặt trong kế hoạch của VinFast nhưng cũng nằm trong tầm ngắm. Bà Hải bổ sung: “Anh Quốc là một trong hai thị trường ô tô lớn nhất châu Âu và đây cũng là một điểm đến chúng tôi đang nhắm tới. Chúng tôi sẽ xem xét kế hoạch mở rộng thị trường của mình trong những năm tới”.
Ba năm vừa qua là một giai đoạn chuyển mình nhanh chóng đối với VinFast. Khi chính thức công bố mẫu xe đầu tiên vào năm 2018, nhà máy sản xuất của hãng tại Hải Phòng vẫn đang trong quá trình hình thành, và chính thức hoàn thiện vào ngày 14/6/2019. VinFast đã đầu tư 3,5 tỷ USD để xây dựng nên khu phức hợp rộng 335 ha này và giới thiệu công nghệ robot mới nhất, với tỷ lệ tự động hóa 90%, gần tương đương với hầu hết các nhà máy hiện đại của châu Âu.
VinFast cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho nhà máy; trong đó, công suất dự kiến là 250.000 chiếc hàng năm trong giai đoạn đầu và 500.000 chiếc trong giai đoạn thứ hai, điều này sẽ giúp họ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tại, nhà máy VinFast đang sản xuất 3 mẫu xe xăng (Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0) nhưng sẽ sớm xuất xưởng thêm các SUV điện (VF e34, VF e35 và VF e36).
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã thành lập một viện nghiên cứu tại Đức (và có kế hoạch ở nhiều địa điểm khác của châu Âu) và một trung tâm tại bang California (Mỹ) để phát triển công nghệ mới cần thiết cho xe điện “tự trồng”, đồng thời cũng mua lại cơ sở thử nghiệm ô tô của Holden tại Australia.
Với việc được hậu thuẫn với tập đoàn khổng lồ Vingroup, hãng xe VinFast sẽ còn một chặng đường dài để thực hiện chiến lược sản xuất ô tô, đồng thời phải tuyển dụng hàng loạt kỹ sư giỏi từ khắp thế giới cho kế hoạch đó.
Nói về vấn đề này, bà Hải cho biết:”Chúng tôi cũng phát triển bộ phận nhân lực nội bộ mạnh để thu hút hàng trăm chuyên gia và kỹ sư hàng đầu với nhiều kinh nghiệm đến từ đa dạng các quốc gia, trong đó có cả Anh”.
Đồng thời, bà bổ sung: “Với đội ngũ nhân viên tài năng và tận tậm, VinFast đã tạo nên những kỷ lục về thời gian của công nghiệp ô tô trong việc phát triển, sản xuất và chiếm lĩnh thị trường xe tại Việt Nam. Đây cũng là một yếu tố quan trọng cho kế hoạch vươn ra toàn cầu của VinFast”.
Vào tháng 4 vừa qua, Bloomberg và Reuters đã đưa tin về việc VinFast lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, với mục tiêu huy động vốn 3 tỷ USD. Các báo cáo tiếp theo cũng cho biết hãng xe Việt Nam kỳ vọng đạt mức định giá 50 – 60 tỷ USD, ngang với nhà sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc.
Khoản đầu tư này rất quan trọng đối với kế hoạch tiến ra toàn cầu của VinFast, đặc biệt nếu họ muốn hiện thực hóa việc xây dựng các nhà máy ở Mỹ và châu Âu.
Tham vọng của VinFast rất rõ ràng sau khi đã có bước đầu thành công ở Việt Nam, cung cấp “bàn đạp” vững chắc để mở rộng ra các khu vực khác. Tuy nhiên, châu Âu hoàn toàn là một thách thức khác, ngay cả các nhà sản xuất Trung Quốc lâu đời cũng chỉ mới chuẩn bị xây dựng đại lý bán hàng ở khu vực này.
Theo AutoCar