Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chủ đề năm 2021 về chuyển đổi số, trong đó đề cao công tác bảo mật, an ninh mạng, an toàn thông tin.
EVN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Chuyển đổi số song hành cùng an toàn thông tin
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN trong giai đoạn hiện nay. Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tính đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số là hướng đến các hoạt động được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị.
“EVN có thể đạt đến đẳng cấp ngang bằng với các công ty năng lượng trên thế giới hay không, tôi nghĩ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư công nghệ như thế nào, đúng hướng hay không. Tận dụng sức mạnh công nghệ sẽ đem lại lợi ích cho Tập đoàn, không chỉ trước mắt, mà về lâu dài”.
– Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc kinh doanh Microsoft Việt Nam
Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn đặt ra 92 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh – dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin). Đồng thời, tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng.
“Tập đoàn sẽ hoàn thiện hệ sinh thái số và xây dựng cơ sở dữ liệu EVN. Theo đó, các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số cần xây dựng hệ sinh thái riêng của đơn vị mình có cấu trúc phù hợp và kết nối đồng bộ với hệ sinh thái chung của Tập đoàn, tương thích với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn. Quá trình chuyển đổi số cần gắn liền với việc tăng cường an toàn thông tin”, Tổng giám đốc Trần Đình Nhân nhấn mạnh,
Theo ông Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), chuyển đổi số là chủ đề đang rất được quan tâm, nằm trong kế hoạch về phát triển chính phủ điện tử, xã hội số, nền kinh tế số. Theo đó, góc tiếp cận của EVN về “chuyển đổi số và an toàn thông tin” là rất đúng, bởi phải đặt vấn đề an toàn thông tin ngay trong quá trình xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số thì mới đảm bảo yêu cầu hoạt động ổn định sau này.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng nhấn mạnh: “Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số”.
Thực hiện cách mạng trong nhận thức và tư duy về chuyển đổi số
Tại Hội nghị Chuyển đổi số và an toàn thông tin năm 2021, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; đổi mới tư duy của mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động của EVN.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN cũng yêu cầu, các đơn vị khẩn trương thiết lập, vận hành hệ thống hạ tầng số và hạ tầng an ninh bảo mật đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Cụ thể, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN; quản trị và kết nối xuyên suốt hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; tập trung hoàn thiện hạ tầng số mà nền tảng là hệ thống EVN’s Cloud, xây dựng nền tảng số, phát triển AI; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh tự động hóa, nghiên cứu sử dụng robot để thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm… Theo đó, các đơn vị trong EVN cần đăng ký phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 5 sản phẩm “Make in Viet Nam” là sản phẩm mang thương hiệu EVN vào năm 2022.
Một chỉ đạo khác của lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên là phải đảm bảo nguồn lực cho công tác chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Các đơn vị cần chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị để đi tắt, đón đầu xu thế công nghệ, vận dụng và ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động của đơn vị. Đề xuất cơ chế thu hút những nhân sự xuất sắc để đi trước, đón đầu và dẫn dắt công nghệ trong EVN.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành an ninh (SOC – Security Operation Center); rà soát, cập nhật hoàn thiện các quy trình vận hành, quy định về an ninh, an toàn thông tin liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin và cho hệ thống điều khiển, điều độ, vận hành hệ thống điện. Đây là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với hệ thống an ninh bảo mật của EVN. Các đơn vị cần xây dựng các kịch bản diễn tập và tổ chức diễn tập phòng chống tấn công, ứng cứu xử lý sự cố và biện pháp khôi phục hệ thống trong các tình huống giả định.
Trong triển khai chuyển đổi số, các đơn vị của EVN phải ứng dụng nền kinh tế chia sẻ, chủ động tìm hiểu các cơ hội hợp tác và khai thác tiềm năng, thế mạnh của đối tác; phối hợp, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị.
Đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 3 gồm 3 dự án thành phần
– Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch – Vũng Áng đi qua Quảng Bình và Hà Tĩnh với chiều dài toàn tuyến là 32,6 km và sân phân phối 500 kV trung tâm điện lực Quảng Trạch
– Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi đi qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng với tổng chiều dài khoảng 500,14 km
Đường dây 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2 đi qua Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai với tổng chiều dài khoảng 209 km, mở rộng ngăn lộ tại các trạm biến áp 500 kV Dốc Sỏi và Pleiku 2.