Biểu hiện sự tự tin qua 8 ngôn ngữ cơ thể

Với tư thế, cử chỉ và chuyển động của mình, chúng ta có thể thuyết phục người khác rằng mình tự tin, ngay cả khi trong sâu thẳm, ta thực sự lo lắng hoặc mệt mỏi.
Giao tiếp bằng mắt càng nhiều càng tốt
Tác giả Michael Ellsberg, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể cho hay, giao tiếp bằng mắt là công cụ quan trọng và mạnh mẽ nhất khi tương tác trực tiếp với người khác. Duy trì giao tiếp bằng mắt đúng cách biểu thị sự trung thực, chân thành, dễ gần, chú ý và sẵn sàng lắng nghe.
Tương tự, một người giao tiếp bằng mắt trong cuộc trò chuyện có thể mang lại cho người đối diện cảm giác an toàn, đồng thời toát lên ở họ sự tự tin. Ngược lại, nếu nhìn đi chỗ khác hoặc nhìn xuống khi nói chuyện thường là dấu hiệu của sự bất an.
Rướn người về phía trước
Khi trò chuyện với người khác, nên cân nhắc tư thế ngồi. Nghiêng người về phía trước cho thấy bạn đang chú ý và quan tâm đến những điều đối phương nói. Đồng thời, tư thế như vậy gửi đi thông điệp về sự tự tin, giảm bớt hoặc loại bỏ rào cản giữa bạn và đối phương.
Mặt khác, việc ngả ra phía sau làm tăng khoảng cách giữa bạn và người đối diện, thể hiện sự thiếu quan tâm hoặc thiếu chú ý.
Ngẩng đầu
Những người hay cúi đầu khi nói chuyện với người khác có tính cách hướng nội. Biểu hiện này thường có ở người thiếu tự trọng hoặc kém tự tin. Ngược lại, nếu ai đó đi bộ hoặc nói chuyện với người khác mà ngẩng đầu, họ có vẻ là người an toàn, tự tin và kiêu hãnh.
Ngẩng đầu khi nói chuyện cũng thể hiện sự cởi mở và trung thực, bởi họ không che giấu bất cứ điều gì, không sợ người khác đọc được ý nghĩ của mình.
Thẳng người và cử chỉ phóng khoáng
Khi đối mặt với những thách thức quan trọng như cuộc họp hoặc phỏng vấn xin việc, tư thế rất quan trọng. Nếu muốn thể hiện sự tự tin, phải đứng thẳng và trông thoải mái. Bạn có thể đưa vai ra sau, ngẩng cao đầu một chút. Nhìn như vậy, có vẻ bạn rất khoáng đạt và tự tin.
Tư thế khom người, căng thẳng, vai hướng về phía trước và cúi đầu sẽ gây ấn tượng về một người bất an, nhút nhát và lo lắng.
Khi giao tiếp, cánh tay nên mở ra, để thể hiện sự cởi mở và chú ý đến những gì người đối diện nói. Tư thế khép kín, tay chân, bắt chéo hoặc gần nhau cho người khác cảm giác ngược lại.
Bàn tay hướng ra ngoài
Joe Navarro chuyên gia giao tiếp phi ngôn ngữ, cựu nhân viên FBI, Mỹ cho hay, khi chúng ta cảm thấy thoải mái và hài lòng, máu sẽ lưu thông ở tay tốt hơn, làm chúng trở nên ấm và dẻo. Căng thẳng làm cho bàn tay của chúng ta lạnh hơn và cứng nhắc hơn.
Khi mạnh mẽ và tự tin, khoảng trống giữa các ngón tay sẽ rộng hơn, khiến bàn tay trông to. Khi thấy không an toàn, khoảng trống đó biến mất.
Bạn có thể thấy mình đang thọc ngón cái vào trong nếu quá căng thẳng. Ngược lại, nếu tự tin, ngón cái sẽ giơ lên thường xuyên hơn khi bạn nói.
Hướng bàn chân về phía trước người nói chuyện
Dù có vẻ đơn giản, thậm chí không đáng nói, nhưng tư thế và hướng bàn chân khi nói chuyện thể hiện rất nhiều về bạn. Hãy nhớ, bất cứ điều gì bạn làm với cơ thể đều truyền tải thông điệp. Đôi chân cũng không ngoại lệ.
Khi giao tiếp, bạn nên giữ chân thẳng hàng, lưng thẳng, thoải mái. Đây cũng là cách tốt nhất để bật tín hiệu cho đối phương rằng bạn quan tâm đến những điều họ nói.
Ngược lại, nếu bàn chân hướng ra ngoài, có thể là dấu hiệu của sự bồn chồn, lo lắng, khó chịu, thậm chí muốn nói là bạn phải nhanh chóng rời khỏi chỗ này.
Cười nhẹ
Một nghiên cứu năm 2008, được thực hiện bởi các nhà khoa học thần kinh Mỹ cho hay, những người cười nhẹ và hơi nhướng mày khi trò chuyện thường tạo thiện cảm và sự tin tưởng khi đối thoại.
Làm chủ không gian
Nếu cảm thấy không an toàn hoặc bất an, lo lắng trong một tình huống cụ thể, bạn hay có xu hướng co mình lại. Làm vậy, bạn sẽ thấy bớt sợ hơn nhưng lại trông kém tự tin.
Nếu muốn thể hiện mình là người tự tin, nên làm chủ không gian bạn đang ngồi, thoải mái khi tận dụng nó.
Mai Phương/TH
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM