Thực hiện “Ba tại chỗ” trong các khu công nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam hiện tập trung nhiều các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) so với các vùng khác trên cả nước. Với hàng trăm nghìn người lao động (NLÐ) tập trung làm việc, đây là nơi có nguy cơ cao bị dịch Covid-19 xâm nhập, tấn công và thực tế đã có không ít ca lây nhiễm xảy ra tại các khu vực này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang chủ động các giải pháp quyết liệt, thực hiện tốt “ba tại chỗ”, góp phần ngăn dịch lây lan, bảo đảm an toàn sản xuất.

Công ty TNHH Daikan Việt Nam, KCN Amata (Ðồng Nai) dựng lều ngủ cho công nhân ở lại nhà máy.

Chọn cách thức phù hợp

Gần một tuần qua, việc sinh hoạt, ăn ở của 700 công nhân làm việc tại Nhà máy Ðại Dũng An Hạ thuộc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Ðại Dũng trong KCN An Hạ, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã thay đổi hoàn toàn khi DN thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”.

Anh Kim Phát Kađây, Tổ trưởng tổ hàn cho biết: Nhận được phương án do công ty đưa ra, anh em công nhân đều đồng tình vì phù hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giúp mọi người yên tâm làm việc.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Ðại Dũng, Nguyễn Văn Hùng, đơn vị đã thực hiện “ba tại chỗ” từ ngày 7/7. Tất cả các bộ phận không chỉ bảo đảm các quy định phòng, chống dịch của ngành y tế mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do DN đưa ra. Ðơn vị cung cấp suất ăn không đưa trực tiếp vào công ty, chỉ chuyển suất ăn đến chốt kiểm soát dịch bệnh phía ngoài. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, bảo đảm các điều kiện vệ sinh, phải ký cam kết bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. NLÐ tham gia phương án “ba tại chỗ”, sau khi vào công ty sẽ lưu lại cho đến hết thời gian thực hiện (một tháng), chỉ được ra ngoài khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR và được sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tất cả công nhân, NLÐ đều được xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính.

Tại tỉnh Ðồng Nai, hơn một tuần nay, anh Ðinh Văn Chương cùng 82 công nhân đã tạm lưu trú để sản xuất trong Công ty TNHH Daikan Việt Nam nằm trong KCN Amata (Ðồng Nai). Anh Chương cho biết, gia đình anh thuê nhà trọ ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Ðồng Nai), khi công ty thông báo thực hiện “ba tại chỗ”, anh đăng ký ngay. Do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc đi làm về nơi cư trú tiếp xúc nhiều người có nguy cơ nhiễm bệnh vào DN và cả gia đình.

“Ở lại được công ty trang bị chăn màn, miễn phí ba bữa ăn và 200 nghìn đồng mỗi ngày nên tôi rất yên tâm. Tại khu vực lưu trú được trang bị wifi, ti-vi để theo dõi tin tức bên ngoài. Sau giờ làm việc, tôi đều gọi điện thoại nói chuyện với vợ con để động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Chương chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam Nguyễn Công Ðoàn cho biết, sau hơn một tuần thực hiện phương án “ba tại chỗ”, tất cả NLÐ của công ty đều yên tâm làm việc. Lãnh đạo DN và Công đoàn cơ sở cũng ở lại nhà máy sát cánh cùng NLÐ, thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần anh chị em. Ngoài chăm lo các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, DN còn bố trí một khu bảo đảm giãn cách để NLÐ tập thể dục, chơi các môn thể thao sau giờ tan ca và buổi sáng trước khi vào làm việc.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Ðồng Nai, Phạm Văn Cường, đến chiều 13/7, đã có khoảng 50 DN thực hiện và đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Ðây đều là các DN có số lượng NLÐ không lớn. Trước tình hình dịch bệnh đã xâm nhập vào một số DN, những ngày gần đây có rất nhiều công ty liên hệ đăng ký thực hiện “ba tại chỗ”. Ðể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, khi tiếp nhận hồ sơ, Ban Quản lý đã cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục. Ðối với các DN quy mô vừa và nhỏ sẽ chấp thuận thực hiện ngay theo phương án “ba tại chỗ”, không nhất thiết phải kiểm tra, nhưng cũng yêu cầu DN cam kết thực hiện đúng phương án và sẽ hậu kiểm.

Tương tự, nhiều DN có quy mô lớn, thuộc các ngành năng lượng như: điện, ga, dầu khí tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay từ tháng 5 đã triển khai mô hình “ba tại chỗ”. Ðại diện Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, công ty đã kích hoạt phương án làm việc từ xa đối với lực lượng gián tiếp và “cấm trại” tập trung trong nhà máy đối với lực lượng vận hành, trực hóa, bảo vệ, y tế với tổng cộng 143 người.

Công ty yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân viên chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền địa phương; hạn chế đi lại và tiếp xúc, theo dõi sức khỏe hằng ngày; tổ chức phun thuốc diệt khuẩn định kỳ hai tuần/lần. Nhờ vậy, đến nay, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường. Trong bốn tháng đầu năm, các nhà máy điện Phú Mỹ luôn bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy theo phương thức huy động của A0, hệ số khả dụng đạt 99,82% và sản lượng điện đạt 4,014 tỷ kW giờ…

 Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Ðại Dũng, Khu công nghiệp An Hạ (TP Hồ Chí Minh) thực hiện phương án “ba tại chỗ”. Ảnh: QUÝ HIỀN

Cần chủ động, quyết liệt hơn

Thời gian qua, không ít DN hoạt động trong các KCX, KCN, khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kịch bản “ba tại chỗ” đề phòng khi nhà máy có ca nhiễm xâm nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, phương án “ba tại chỗ” khi triển khai đã gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo một DN có gần 4.000 công nhân (100% vốn của Nhật Bản) đóng tại Khu công nghệ cao ở TP Thủ Ðức thừa nhận: Vừa qua, công ty đã phát hiện số lượng lớn ca F0 là công nhân cho nên DN chọn phương án yêu cầu toàn bộ công nhân ở lại nhà máy (trừ số F0 và F1 đi điều trị và cách ly) để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, diện tích nhà xưởng của DN chật hẹp, số công nhân quá đông, khu vực vệ sinh chỉ đáp ứng trong điều kiện sinh hoạt bình thường cho nên gặp nhiều khó khăn. Tâm trạng bất an của công nhân trước sự “xáo trộn” về nơi ăn chốn ở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nói chung.

Ðây cũng là trăn trở chung của nhiều KCN, KCX khác trong vùng. Thực tế đối với DN đông NLÐ, việc sắp xếp “ba tại chỗ” sẽ khó khăn hơn nhiều. Ðại diện một số DN có hàng chục nghìn công nhân ở Ðồng Nai cho biết không thể thực hiện “ba tại chỗ”. Lâu nay, việc thực hiện giãn cách theo quy định để phòng, chống dịch trong các phân xưởng cũng không hề đơn giản do số lượng NLÐ quá đông, dẫn đến khả năng kiểm soát lây lan dịch bệnh khó khả thi.

Tương tự, tại tỉnh Long An, hiện có gần 12 nghìn cơ sở sản xuất, DN đang hoạt động tại 16 KCN, 22 cụm công nghiệp và các khu kinh tế. Việc kiểm soát dịch rất khó khăn, do đó ngày 13/7, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các cơ sở, DN tạm dừng hoạt động để ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá phương án “ba tại chỗ”.

Mặc dù vậy, nhiều DN lớn cũng có cách làm hay và sẵn sàng chịu thiệt thòi để giữ chân NLÐ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng quốc tế Long An, Võ Quốc Thắng cho biết, phương án “ba tại chỗ” cho 253 người đang làm việc tại cảng đã được DN chuẩn bị sẵn sàng. Khu lưu trú của DN rất thoáng mát, rộng rãi, được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ người NLÐ ở lại. DN đã lập phương án rất cụ thể để vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN luôn được vận hành trơn tru.

Còn Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam tại KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) hỗ trợ mỗi công nhân 5,5 triệu đồng trong ba tuần ở lại nhà máy ngoài tiền lương và các khoản phụ cấp. Mức hỗ trợ này sẽ được công ty duy trì xuyên suốt nếu dịch bệnh còn kéo dài. Theo Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh Bình Dương, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, LÐLÐ tỉnh cùng các cấp công đoàn đã vận động các DN bố trí chỗ ở tại nơi sản xuất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kép.

Ðến nay, đã có 88 DN tổ chức, bố trí cho 14.939 công nhân lao động ở lại nơi làm việc, chiếm tỷ lệ gần 29% trên tổng số NLÐ tại các DN này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Nguyễn Lộc Hà, việc các DN sắp xếp cho công nhân thực hiện “ba tại chỗ” là biện pháp khả thi trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. Vấn đề là từng DN, từng KCN phải chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc triển khai các phương án phù hợp nhất với tình hình cụ thể tại chỗ.

Tại buổi làm việc vào chiều 12/7 với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho rằng, cũng như các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nguy cơ bùng phát dịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu là rất lớn. Hiện, Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai hàng loạt các nhiệm vụ cấp bách, sẵn sàng về vật tư, phương tiện và nhân lực nhằm ngăn chặn không để dịch bùng phát. Trong đó, việc phòng, chống dịch ở một số địa điểm trọng yếu như các KCN, các cơ sở sản xuất là hết sức quan trọng vì đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, hậu quả cũng sẽ nặng nề khi có ca nhiễm…

Hà Phương/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM