Thành phố Hồ Chí Minh: Giữ người lao động để chờ phục hồi sản xuất
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ sử dụng khoảng 30% số lao động để duy trì sản xuất do phải thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước thực trạng nhiều lao động về quê tránh dịch, việc chăm lo, giữ chân người lao động nhằm bảo đảm nhân lực sẵn sàng sản xuất, kinh doanh sau dịch được thành phố và doanh nghiệp quan tâm.
Chăm lo, hỗ trợ lao động ngừng việc
Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây hoạt động trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) có gần 300 nhân viên, người lao động. Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12-CT/TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, công ty phải cho 70% nhân viên, người lao động tạm thời ngưng công việc.
Bà Lê Thị Giàu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây cho biết, để chăm lo, đồng thời giữ chân người lao động, công ty đã trả cao hơn mức lương cơ bản (trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng) đối với nhân viên, người lao động đang phải tạm nghỉ việc. “Phải có nguồn thu nhập đủ mức sống tối thiểu thì người lao động mới yên tâm chờ đợi đi làm lại và gắn bó lâu dài với công ty”, bà Lê Thị Giàu cho hay. Xác nhận điều này, anh Hà Văn Kỳ (công nhân Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây) chia sẻ: “Tôi vẫn được công ty trả đủ lương dù doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất để phòng, chống dịch. Nhờ vậy, áp lực về chi phí sinh hoạt với gia đình tôi giảm hẳn và giúp tôi yên tâm ở lại thành phố Hồ Chí Minh, chờ công ty trở lại hoạt động bình thường”.
Trong điều kiện hoạt động bình thường, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) có trên 50.000 lao động làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, chấp hành quy định giãn cách xã hội của thành phố, hiện SHTP chỉ có khoảng 10.000 lao động làm việc; số lao động còn lại tạm thời ngừng việc đến khi hoạt động trở lại bình thường.
Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý SHTP cho biết, những lao động đang phải tạm ngưng công việc vẫn được hưởng 70% mức lương thực tế trong điều kiện làm việc bình thường. Đặc thù của SHTP là lực lượng lao động phần lớn có tay nghề, chất lượng cao nên khả năng biến động sau dịch rất ít. “Điều đáng mừng là hầu như lao động tại SHTP đều đang ở lại thành phố và mong muốn sớm được đi làm trở lại. Doanh nghiệp cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, chăm lo cho người lao động đang phải tạm nghỉ”, bà Lê Bích Loan cho hay.
Bảo toàn nhân lực để đón đà phục hồi kinh tế
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh thông tin, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, tính từ đầu năm 2021 đến ngày 15-7, thành phố vẫn có hơn 20.900 doanh nghiệp (6 tháng đầu năm 2021 có 18.441 doanh nghiệp) đăng ký thành lập mới. Dự báo từ nay đến cuối năm, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, số doanh nghiệp được thành lập mới sẽ tăng hơn so với nửa đầu năm.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh (FALMI), với kịch bản dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực cùng với tiến độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh, việc doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021 sẽ hạn chế tình trạng lao động ngưng việc, mất việc. Theo kịch bản này, từ nay đến cuối năm 2021, thành phố cần gần 150.000 vị trí việc làm. Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách FALMI cho biết, kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin, y tế, dệt may – da giày, chế biến lương thực – thực phẩm… là những ngành, lĩnh vực ít bị tác động bởi dịch bệnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ nên nhu cầu về nguồn lao động trong thời gian tới sẽ tăng.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bứt phá. Chính vì vậy, trong thời điểm này, việc bảo toàn nguồn nhân lực cũng là cách để “cứu” doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định của kinh tế thành phố. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ lực lượng lao động hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị, mỗi doanh nghiệp cần ý thức trong việc giữ chân người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn. Về phía chính quyền, thành phố đang thực hiện ba nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế gồm: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách phù hợp; thực hiện chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động; hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động trước ngày 15-8. Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch được kiểm soát.