Chủ vườn chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa hồng cho người mới bắt đầ
Chọn giống phù hợp với thời tiết, bón phân, lựa chọn giá thể trồng là một số yếu tố người chơi hoa hồng nên quan tâm
Hoa hồng ngoại luôn là một trong những loài hoa được giới chơi hoa ưu ái. Tuy hồng ngoại được nhập về từ nước ngoài và có nhiều giống khác nhau, hầu hết chúng đều phù hợp với khí hậu nhiệt đới và thổ nhưỡng Việt Nam.
Chuẩn bị tâm lý và tài chính
Chia sẻ với Zing, Duy Khang cho biết khi trồng hoa hồng, yếu tố tâm lý và cách người trồng tận tâm với hoa là rất quan trọng. Bởi việc chăm sóc hoa hồng đòi hỏi sự kiên trì và mất nhiều thời gian.
“Đối với thời tiết nóng như ở TP.HCM, mỗi ngày bạn thường phải dành ít nhất 1 phút để tưới hoa, 2 phút rửa lá nếu có côn trùng, 3 phút quan sát cây có bệnh gì không và khắc phục, 4-5 phút ngắm hoa và trải nghiệm. Người trồng khó có thể có nhiều cây hoa đẹp nếu không thể dành ít nhất 10 phút hàng ngày cho những bước trên”, Duy Khang nói.
Cách chọn mua và chăm sóc hoa còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện, sở thích của mỗi người. Hiện nay trên thị trường, giá các gốc hoa hồng ngoại dao động từ 100.000 đồng trở lên. Các gốc hồng to, lâu năm có thể lên đến 10 triệu đồng.
Chọn giống hoa
Khi chọn giống hoa, khí hậu và nhiệt độ khu vực trồng là điều bạn cần quan tâm nhất, theo Duy Khang.
Mỗi loài hoa được lai tạo để phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng khác nhau. Không dễ để hoa xứ lạnh nở rộ ở xứ nóng và ngược lại. Do đó, bạn nên dành thời gian tìm hiểu đặc điểm của giống muốn trồng và nhiệt độ trung bình ở nơi mình sống.
TP.HCM có nhiệt độ cao nhưng khá ổn định, trên dưới 30 độ C, vì vậy phù hợp trồng các giống hồng bụi Carey, Corail Gelee, hồng Beatrice hay hồng Goethe.
Trồng bằng giá thể
Hầu hết hoa hồng trồng ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội được trồng ở ban công, sân thượng có diện tích nhỏ. Đó là lý do hoa nên được đặt trong giá thể hỗn hợp.
So với đất, giá thể nhẹ, thoáng, tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt hơn. Trong khi nhiều bệnh thường thấy ở hoa hồng phát sinh từ đất, môi trường giá thể tránh được các bệnh liên quan đến rễ và cho phép người trồng kiểm soát hoa rõ hơn.
“Người trồng nên sử dụng xơ dừa, đá perlite để làm giá thể trồng hoa với tỷ lệ vàng là 80% xơ dừa, 20% perlite. Bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian bằng cách mua các loại giá thể nhập khẩu dành riêng cho hoa hồng, giá 100.000-150.000 đồng/20 lít”, Duy Khang chia sẻ.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng xơ dừa chứa nhiều natri, kali nên cần được ngâm 24-48h với 1 kg canxi nitrat đã pha loãng với 100 lít nước thường. Canxi nitrat có bán ở các sàn thương mại điện tử hoặc tiệm phân bón bất kỳ.
Bón phân cho hoa hồng
Về dinh dưỡng cho hoa, Duy Khang cho biết: “Hoa hồng là loài cây ra hoa quanh năm, do đó cần hấp thụ dinh dưỡng đều đặn. Tốt nhất là hoa nên được bón phân hàng tuần”.
Kinh nghiệm cá nhân của Duy Khang là phân hữu cơ, phân chuồng thường có hàm lượng dinh dưỡng thấp nên cần bổ sung canxi và vi lượng. Phân hỗn hợp NPK là lựa chọn thích hợp hơn, nhưng vẫn cần bổ sung thêm canxi.
Đồng thời, người trồng có thể chọn phân tinh khiết tan hoàn toàn trong nước để tưới gốc cây.
Phòng bệnh cho hoa
Nếu bạn đã chọn đúng giống, bổ sung dinh dưỡng ổn định và trồng cây trên giá thể tốt, Duy Khang nói vấn đề phòng bệnh cho hoa sẽ dễ dàng và đơn giản. Cây phát triển khỏe mạnh thường tự có khả năng kháng bệnh tốt.
Trong trường hợp hoa hồng xuất hiện bệnh hoặc nấm, bạn có thể sử dụng các loại thuốc thảo mộc và sinh học như chitosan, amistar để trừ bệnh và kích thích cơ chế phòng thủ của cây. Thuốc thảo mộc cũng an toàn đối với không gian sống và các thành viên trong nhà.
|
Ngoài ra, tinh dầu xoan hay tinh dầu cỏ xạ hương sẽ có ích trong việc phòng côn trùng phá hoại cây.
“Tôi luôn tâm niệm không bao giờ so sánh hoa nhà mình với người khác. Hoa dù nở ít, nở nhiều đều là thành quả của bản thân. Muốn vườn hoa của mình đẹp, bạn phải dành nhiều tình yêu và thời gian cho nó. Sau đó hài lòng với những gì mình bỏ ra”, Duy Khang nói.