Lùi bước – Bí mật giúp con thành công

Thật dễ dàng để tham gia và giúp con bạn hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, cha mẹ làm như vậy không ích gì cho trẻ về lâu dài.
Kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý gia đình Mỹ vào tháng 3/2021 cho thấy việc hỗ trợ của cha mẹ có thể phản tác dụng khi cha mẹ can thiệp quá sâu, đặc biệt là khi trẻ đang làm nhiệm vụ của chúng.
Nghiên cứu do đại học Stanford thực hiện đã tiến hành quan sát những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đang chơi, dọn dẹp đồ chơi, học một trò chơi mới và nói về một vấn đề nào đó. Họ nhận thấy các bé bị ảnh hưởng tiêu cực khi cha mẹ của chúng thường xuyên can thiệp nhằm mục đích giúp đỡ. Những đứa trẻ này phải vật lộn với việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi, do đó thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chức năng tự điều hành bị kém đi.
Để con chủ động. Ảnh: Shutterstock.

Việc cha mẹ làm hộ con mọi việc chỉ mang lại tác động xấu đến năng lực của trẻ khi lớn lên. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nghiên cứu trước đây của Đại học Pennsylvania cũng cho thấy trẻ em rèn được tính kiên trì hơn khi cha mẹ không can thiệp.
Allyson Mackey, nhà tâm lý học kiêm trợ lý giáo sư tại khoa tâm lý học, Đại học Pennsylvania và nghiên cứu sinh Julia Leonard đã đưa ra kết luận thông qua thí nghiệm: Họ chia nhóm trẻ 4 và 5 tuổi thành ba nhóm khác nhau, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ ghép các mảnh ghép thành một khối. Trong một nhóm, người lớn cùng tham gia để hoàn thành thử thách cho những đứa trẻ, trong khi nhóm còn lại, người lớn giúp đứa trẻ ghép hình bằng cách chỉ dẫn bằng lời nói. Qua thí nghiệm, họ thấy rằng các nhóm có cha mẹ giúp đỡ nhiều, trẻ trở nên thụ động và kém kiên trì so với nhóm trẻ không có người lớn giúp đỡ.
Leonard nói: “Kết quả cho thấy rằng càng ít các biện pháp can thiệp của người lớn, trẻ càng bền bỉ và kiên trì hơn”.
Kết quả có ý nghĩa đối với tiến sĩ Robyn Koslowitz, một nhà tâm lý học lâm sàng và là người sáng lập Viện Nuôi dạy con theo mục tiêu – một chương trình giúp cha mẹ và trẻ em vượt qua các rối loạn khác nhau của thời thơ ấu. Ông nói: “Trẻ em có động lực bẩm sinh để tìm tòi, phát hiện ra mọi thứ và thành công trong một nhiệm vụ. Nhưng chúng cũng có động lực bẩm sinh để làm hài lòng cha mẹ. Do đó, nếu cha mẹ nhảy vào can thiệp, đứa trẻ sẽ nhận được thông điệp rằng kết quả quan trọng hơn quá trình. Một khi chúng học được cách đánh giá cao kêt quả thay cho quá trình, chúng sẽ ít có động lực để thử thách bản thân hơn”.
Vậy thì làm thế nào để cha mẹ học cách buông tay?
Tiến sĩ Mackey, một phụ huynh có hai con, chia sẻ: “Bạn có thể gặp khó khăn khi chứng kiến con mình học hỏi các kỹ năng mới, nhưng nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng điều quan trọng là hãy để chúng tự vận động. Nếu bạn làm toán cho trẻ, chúng có thể có suy nghĩ rằng mình không cần phải tự làm”.
Trong mọi tình huống, nên để trẻ tự tìm hiểu, ngay cả khi chúng thất bại. Tiến sĩ nhấn mạnh: “Cha mẹ có thể tự an ủi bằng cách sử dụng lời ‘khen ngợi quá trình’, nhằm giúp trẻ vượt qua thất bại.
Tiến sĩ Leonard cũng có một số lời khuyên: Hãy đếm đến 10. “Bạn có nghĩ rằng con bạn có thể làm được điều này với một chút thời gian nữa, hoặc có thêm gợi ý? Nếu vậy, hãy đợi thêm một chút nữa. Hãy tự tin vào khả năng học hỏi của con bạn và hiểu rằng đối mặt khó khăn là một phần của quá trình”.
Thùy Linh (Theo Parents)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM