Cổ phiếu Vimedimex không ngừng tăng giá
Chốt phiên 26/8, mã VMD của CTCP Dược phẩm Vimedimex đứng mức 63.000 đồng/cổ phiếu, tăng 6,96%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 4.100 đồng.
Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, cổ phiếu Vimedimex tăng mạnh từ ngày 9/8. Sau 15 ngày giao dịch, mã VMD tăng tới 148,5%, tương ứng tăng 37.650 đồng mỗi cổ phiếu. Trong đó có tới 13 phiên tăng trần và 1 phiên cận trần.
Với hơn 15,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Vimedimex thêm khoảng 580 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, động lực tăng trưởng của mã VMD đến từ thông tin Vimedimex trở thành đối tác nhập khẩu vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson’s, Pfizer và Sputnik V. Cụ thể, ngày 7/8, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ VMD nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam.
Trước đó, Vimedimex cho biết đã trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Thông qua hỏa thuận nguyên tắc, Group 42 ủy quyền cho Vimedimex là đơn vị nhập khẩu, phân phối vaccine COVID-19 Hayat-Vax tại thị trường Việt Nam.
Royal Strategics Partners cũng đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Vimedimex 10 triệu liều vaccine Johnson & Johnson’s, 5 triệu liều vaccine Pfizer và 10 triệu liều vaccine Sputnik V.
Hiện các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu. Đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối 8/2021, nếu được Bộ y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu kịp thời.
Hồi đầu tháng 6, cổ phiếu Vimedimex cũng ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi doanh nghiệp có tên trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Tuy nhiên, dù giá cổ phiếu tăng dựng đứng song khối lượng giao dịch bình quân ghi nhận lại chỉ đạt 15.500 cổ phiếu/phiên và không có giao dịch thỏa thuận nào.
Báo cáo tài chính cho thấy nửa đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế Vimedimex đạt 19,2 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hiện có khoản nợ hơn 6.700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Phương Anh/TH