Các tỉnh bắt đầu năm học mới vào giữa tháng 9
Thay vì tổ chức khai giảng vào ngày 5/9 và dạy học ngay sau đó, nhiều tỉnh như Đồng Nai, Hậu Giang lùi đến 12/9, chuyển sang dạy online.
Tại Đồng Nai, ngày bắt đầu năm học 2021-2022 với học sinh mầm non, phổ thông là 13/9, giáo dục thường xuyên 20/9. Lễ khai giảng được tổ chức trước đó một ngày. Lãnh đạo tỉnh đánh giá dạy và học online là phương án khả thi nhất trong thời điểm hiện tại. Để học sinh lấy lại thói quen học tập, các trường được yêu cầu khởi động kế hoạch học online sớm, từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Kế hoạch năm học được Đồng Nai ban hành ngày 23/8, muộn hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác. Địa phương này đang giãn cách theo Chỉ thị 16 và là điểm nóng Covid-19 khi ghi nhận hàng trăm ca mới một ngày, tổng số ca nhiễm hiện là là 23.132, trong đó gần 300 người tử vong.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Hậu Giang, các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất vào ngày 9/9 và khai giảng vào ngày 12/9. Cấp mầm non sẽ không tổ chức tựu trường và khai giảng vào thời gian nêu trên.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang lên kế hoạch cho lễ khai giảng đặc biệt. Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh ghi nhận 446 ca, Sở dự kiến bố trí một điểm trường làm lễ khai giảng điểm, sau đó phát trực tuyến để giáo viên, học sinh các trường còn lại theo dõi chứ không tổ chức trực tiếp tại từng trường như mọi năm.
Năm học 2021-2022, Cần Thơ dự kiến có khoảng 247.000 học sinh từ mầm non đến THPT. Các em sẽ dự lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến. Cấp THCS và THPT sẽ bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9 với lớp 9, 12 và từ ngày 13/9 với các khối lớp còn lại. Với 3.991 ca Covid-19 kể từ ngày 27/4 đến 31/8, học sinh hai cấp học này sẽ học trực tuyến.
Trẻ mầm non và học sinh tiểu học phải đợi đến 15/9 mới tựu trường. Nếu đến ngày này, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thời gian tựu trường của học sinh tiểu học sẽ được điều chỉnh vì hai lý do. Thứ nhất, thành phố muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Thứ hai, lãnh đạo ngành giáo dục đánh giá việc học online với học sinh tiểu học, đặc biệt lớp 1 sẽ không đạt hiệu quả, dù chỉ là ở mức độ căn bản. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ không dạy online với trẻ lớp 1, đồng thời ưu tiên dạy trực tiếp với cấp tiểu học, chưa lên kế hoạch dạy online với cấp học này.
Tỉnh Sơn La đã cho học sinh tựu trường từ ngày 16/8, sớm hơn mốc thời gian trong khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1-2 tuần. Riêng khối mầm non đón trẻ từ 1/9.
Tuy nhiên, học sinh đi học được 2 ngày thì huyện Phù Yên xuất hiện 2 ca Covid-19 là kế toán trường học và học sinh, liên quan hàng loạt trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Những ngày qua, Sơn La ghi nhận ca mắc mới nên quyết định cho 300.000 học sinh dừng đến trường từ 18/8 đến khi có thông báo tiếp theo.
Tại Quảng Bình, hơn 200.000 học sinh các cấp đã tựu trường từ ngày 23/8 do dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, đến ngày 25/8, tỉnh ghi nhận 18 ca Covid-19, trong đó nhiều ca liên quan đến cảng cá Nhật Lệ. Đề phòng dịch lan rộng, UBND tỉnh đã cho học sinh dừng đến trường, yêu cầu những cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có liên quan đến các ca Covid-19 tự cách ly tại nhà, chờ hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh các cấp sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9, riêng lớp 1 là 23/8; khai giảng ngày 5/9. Trong bối cảnh 23 địa phương vẫn đang giãn cách xã hội, ngày 30/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành tổ chức khai giảng linh hoạt, bảo đảm an toàn. Những nơi Covid-19 diễn biến phức tạp có thể tổ chức theo hình thức online hoặc trên truyền hình.
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; dành thời gian trước mắt để tập trung chống dịch, động viên giáo viên vừa tham gia chống dịch theo phân công, vừa chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để triển khai năm học mới.
Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp để việc dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, 2 hiệu quả. Các trường cần có biện pháp thiết thực hỗ trợ những học sinh thiếu phương tiện học tập.
Các tỉnh, thành cũng được yêu cầu thực hiện kịp thời việc miễn, giảm học phí cho học sinh theo Nghị định số 81, tiếp tục tạo thuận lợi cho việc cung cấp sách giáo khoa, tiếp nhận học sinh đang bị kẹt ở địa phương do dịch, hỗ trợ những em thuộc gia đình khó khăn vì Covid-19, con cán bộ tuyến đầu chống dịch.
Thanh Hằng -t/h