Chuyên gia tiết lộ 8 cách để khơi dậy niềm đam mê trong công việc

Điều này có nghĩa là phần lớn lực lượng lao động trên khắp thế giới chỉ làm những công việc tối thiểu để kiếm sống qua ngày, mà không có một chút ràng buộc nào về mặt tình cảm.

Nghiên cứu cũng cho thấy những khác biệt đáng chú ý về mặt địa lý. Tại Mỹ có đến 33% nhân viên làm việc nhiệt tình, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, trong khi đó ở Tây Âu chỉ có 10% nhân viên thực sự làm việc.

Tình hình có vẻ đặc biệt đáng báo động ở Anh, nơi số lượng nhân viên gắn bó với công việc chỉ khoảng 8%, thậm chí con số này còn giảm đều đặn theo thời gian.

Nếu chẳng may nằm trong số những người không tìm thấy hứng thú với công việc hiện tại, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây để khơi lại niềm đam mê.

1. Đi vào gốc rễ của vấn đề

Nếu bạn đang gặp vấn đề ở nơi làm việc hoặc cảm thấy chán chường khi phải lê mình ra khỏi giường để đi làm mỗi sáng, điều này có nghĩa là niềm nam mê công việc của bạn đã không còn như trước.

Hãy tìm ra gốc rễ của vấn đề. Ảnh: Ogaken

Thay vì than thở trên Facebook, bạn hãy bình tâm suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân. Khi đã rõ gốc rễ của vấn đề, bạn có thể bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ đối với bản thân và môi trường làm việc để vượt qua giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp.

Bắt đầu bằng cách viết nhật ký về công việc vào cuối mỗi ngày, việc này có thể giúp bạn trút bỏ sự bực tức trong công việc và kiềm chế căng thẳng.

2. Tìm ý nghĩa mới

Ưu tiên của chúng ta sẽ thay đổi khi chúng ta bước vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, do đó, việc bạn không còn đam mê với công việc đã thu hút bạn cách đây 10 năm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm kiếm một khía cạnh mới trong công việc để khơi lại niềm đam mê.

Ví dụ, một kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) có thể bắt đầu sự nghiệp bằng việc thiết kế web, nhưng dần dần chuyển sang trở thành người đào tạo các sinh viên trong tương lai. Tình yêu dành cho việc thiết kế web vẫn còn, nhưng trọng tâm hiện đã chuyển từ việc phát triển thực tế sang truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho những người mới.

Tìm ý nghĩa mới trong công việc. Ảnh: The Ofy

Nói cách khác, bạn có thể tìm lại đam mê trong công việc bằng cách đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

3. Suy nghĩ dài hạn

Trong mọi công việc, nhất định sẽ có những việc chúng ta thích làm và không thích. Để tránh bị mất sức vào những công việc linh tinh, bạn cần phải xác định lại mục đích và đặt ra những mục tiêu dài hạn.

Thay vì bỏ qua những công việc đơn điệu mà chúng ta phải làm hàng ngày một cách vô thức, hãy nghĩ xem những việc này có liên quan như thế nào đến các mục tiêu dài hạn.

Một khi bạn đã hiểu được đây là bước đệm cho những mục tiêu dài hạn, bạn sẽ cảm thấy công việc dễ chịu hơn.

4. Ủy thác công việc

Một cách khác để giải quyết công việc mà bạn không thích là giao chúng cho những người khác trong nhóm của bạn, những người có thể làm tốt công việc đó hơn bạn. Và tất nhiên điều này sẽ dễ dàng hơn nếu bạn là một ông chủ và có vài cấp dưới.

Trong trường hợp bạn đang làm việc một mình với tư cách là một freelancer (làm việc tự do), bạn có thể cân nhắc đến việc thuê nhân viên bán thời gian hoặc nhân viên hợp đồng.

Đối với những người làm việc theo nhóm và không có nhân viên dưới quyền, hãy thảo luận với cấp trên hoặc các thành viên trong nhóm về cách tận dụng điểm mạnh của từng người và phân phối công việc cho phù hợp.

Tận dụng thế mạnh của từng người để làm việc nhóm hiệu quả hơn. Ảnh: UX Design

5. Đi nghỉ mát, du lịch

Ngay cả khi bạn yêu thích công việc của mình thì bạn cũng không thể tránh khỏi những tác động tâm sinh lý và căng thẳng. Căng thẳng kéo dài sẽ làm cạn kiệt nguồn lực trong cơ thể, suy giảm hệ thống miễn dịch và cuối cùng biểu hiện thành các bệnh về thể chất và suy nhược tinh thần.

Rất ít người có thể thực hiện những gì họ thích nếu sức khỏe không tốt, thiếu năng lượng và động lực… Bởi việc này về lâu dần sẽ khiến họ mất hứng thú với công việc.

Giải pháp lúc này là bạn hãy nghỉ ngơi thật nhiều để nạp năng lượng cho bản thân. Hãy tạm dừng công việc trong một khoảng thời gian với một kỳ nghỉ thực sự (và không kiểm tra email, tin nhắn trong suốt chuyến đi).

6. Thử thách bản thân

Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi từng nói, trạng thái tinh thần tối ưu có thể đạt được khi thử thách ở mức vừa phải, không quá khó cũng không quá dễ.

Bạn hãy thử cải thiện bản thân ở một số lĩnh vực công việc, chủ động hỏi sếp của bạn về các dự án và nhiệm vụ mới hoặc tự tìm kiếm chúng nếu bạn làm việc một mình.

Trừ khi bạn thích dậm chân tại chỗ trong sự nghiệp, ngược lại, đừng để nỗi sợ cản trở bạn trước những thử thách mới.

7. Lắng nghe ý kiến của những người xung quanh

Thay vì chán chường và thu mình lại, bạn hãy cố gắng trò chuyện nhiều hơn với những người xung quanh, bao gồm cả những người thuộc các bộ phận khác trong công ty hoặc bất kỳ ai khác trong ngành.

Kết nối với bạn bè, lắng nghe ý kiến của họ. Ảnh: Hongkiat

Rất có thể bạn bè của bạn đã từng trải qua những gì bạn đang gặp phải ngay bây giờ, và họ có thể cung cấp những lời khuyên cần thiết cho bạn. Bên cạnh đó, việc phát triển tình bạn tại nơi làm việc còn giúp người lao động hạnh phúc hơn và có được năng suất tốt hơn.

8. Là một người hướng dẫn

Có thể bạn đã quên rằng mình từng cố gắng và tận tâm như thế nào khi mới bắt đầu công việc. Tuy nhiên, đừng lo lắng, vì những kỉ niệm như vậy có thể sẽ quay trở lại khi bạn hướng dẫn công việc cho một ai đó mới vào nghề.

Khi bạn nhìn thấy ánh mắt háo hức của một chàng trai/cô gái trẻ đang cố gắng tiếp thu lời nói của bạn, chắc chắn bạn sẽ thấy được hình bóng đầy nhiệt huyết của bản thân trong những năm trước đó. Đây cũng sẽ là lúc để bạn tìm lại được cảm hứng trong công việc thông qua việc giúp đỡ người mới.

Tìm lại cảm hứng làm việc thông qua việc hướng dẫn người khác. Ảnh: Abea

TIỂU MINH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM