ĐẢM BẢO AN TOÀN THỦY SẢN NUÔI TRONG MÙA MƯA LŨ

Khai thác lợi thế nằm cặp sông Tiền, sông Cổ Chiên người dân các xã cù lao huyện Long Hồ phát triển nuôi thủy sản, trong đó có thủy sản lồng, bè với số lượng lớn. Hiện đang vào cao điểm mùa mưa, chuẩn bị ứng phó với các đợt triều cường lớn trong năm, chính quyền địa phương và người dân đang triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đảm Bảo An Toàn Thủy Sản Nuôi Trong Mùa Mưa Lũ (1)

Anh Nguyễn Quang Hoanh ở xã An Bình, huyện Long Hồ đang thả nuôi 20 bè cá trên sông Tiền. Ngoài 13 bè nuôi cá điêu hồng, số còn lại là cá trắm cỏ, cá chép, cá mè hôi, cá hô,….với sản lượng hàng trăm tấn cá, chi phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Vì vậy, ngay khi bắt đầu vào mùa mưa lũ, gia đình anh Hoanh đã chủ động kiểm tra bè nuôi kỹ lưỡng hơn như: kiểm tra khung lồng, lưới lồng, phao, các dây neo chắc chắn nhằm bảo đảm an toàn.

Anh Nguyễn Quang Hoanh – xã An Bình, huyện Long Hồ

“Nghe thông tin, với thấy nước năm nay nó về sớm rồi nghe nói năm nay diễn biến nó phức tạp hơn các năm rồi, thành ra mình phải chủ động để phòng.”

Đảm Bảo An Toàn Thủy Sản Nuôi Trong Mùa Mưa Lũ (2)

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Long Hồ

“Đối với xã An Bình thống kê tới thời điểm này diện tích nuôi mặt nước gần 24ha, cặp sông Tiền, sông Cổ Chiên các hộ dân nuôi gần 1.000 lồng bè thì để đảm bảo an toàn, ở đây chúng tôi chỉ đạo các đồng chí ở ấp gặp gỡ, nhắc nhở bà con kiểm tra thường xuyên trong phòng chống ảnh hưởng của thiên tai.”

Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ

“Kiện toàn lại BCĐ Phòng chống thiên tai của xã, đồng thời, tuyên truyền, vận động đối với các hồ cá nuôi dạng công nghiệp thì gia cố lại các bờ bao, đê bao để đảm bảo an toàn. Các bè cá thì UBND xã cũng tuyên truyền gia cố, chằng chèo lại các bè để đb an toàn, ứng phó kịp thời các đợt triều cường sắp tới. Hiện tại, các hộ nuôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị để ứng phó.”

Đảm Bảo An Toàn Thủy Sản Nuôi Trong Mùa Mưa Lũ (3)

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 2.100ha diện tích nuôi thủy sản, tăng trên 55ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có trên 335ha diện tích nuôi cá tra thâm canh ven tuyến sông Tiền, sông Hậu, 1 phần sông Măng và nhiều bè cá đang thả nuôi tại các xã cù lao huyện Long Hồ.

Để đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ, các hộ nuôi, chính quyền địa phương đã rà soát các vùng có nguy cơ bị ngập úng để chủ động triển khai biện pháp bảo vệ; Chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản; Chú trọng công tác tu sửa, gia cố những đoạn bờ bị xuống cấp và cống tiêu, thoát nước;…

Ông Tạ Văn Thảo –  Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y & Thủy sản Vĩnh Long

“Bà con nuôi trồng thủy sản, chú ý 1 số vấn đề sau đây: Thứ nhất không phát triển thêm các lồng bè, nhất là các đoạn sông có nguy cơ sạt lở; Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, dự báo thời tiết đối với các hộ nuôi lồng bè. Thứ hai đối với các hộ nuôi cá ao thì tăng cường tôn tạo bờ bao, cảnh giác nước tràn bờ, cũng như sạt lở bờ ao. Bên cạnh rủi ro về phòng chống thiên tai, lũ lụt thì bà con chú ý phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, giao mùa giữa nước đục và nước trong”

Trước diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp, việc triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó sẽ góp phần đảm bảo an toàn thủy sản, tránh thiệt hại. Đồng thời, góp phần đạt và vượt mục tiêu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm của tỉnh trong năm nay đạt trên 143.000 tấn./.

Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.

Phạm Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM