Đi ngủ và thức dậy vào thời gian nào để nâng cao chất lượng cuộc sống?

Cải thiện chất lượng giấc ngủ sẽ giúp nâng cao chất lượng sống và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm.

Một nghiên cứu về chất lượng giấc ngủ được thực hiện tại Hoa Kỳ mới đây đã chỉ ra, cứ ba người trưởng thành thì có một người không ngủ đủ giấc hoặc có giấc ngủ kém chất lượng. Ngủ là khoảng thời gian rất quan trọng với não bộ và cơ thể. Đây là thời điểm tái tạo sức khỏe và cả nhan sắc. Cải thiện chất lượng giấc ngủ sẽ giúp nâng cao chất lượng sống và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm.

Chọn thời điểm thức dậy

Mỗi người có lịch trình sinh hoạt và thói quen riêng nên không có khung giờ thức dậy quy định cho tất cả. Để có lịch đi ngủ tốt nhất, bạn cần quyết định thời gian bạn cần thức dậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng, không có sự khác biệt quá lớn giữa thức dậy vào sáng sớm hay ngủ cho đến chiều muộn. Điều quan trọng là bạn cần được ngủ đủ giấc và thức dậy ở một giờ cố định cả 7 ngày trong một tuần.

lieu-ban-co-ngu-du-giac-hay-khong

Ngủ bao nhiêu thì ngủ

Thời lượng ngủ thay đổi theo tuổi tác và thói quen sinh hoạt. Khi còn nhỏ, bạn phải ngủ từ 12 – 14 tiếng mới đủ nhưng khi bước qua độ tuổi 30 – 40, bạn sẽ chỉ cần ngủ khoảng 7 – 9 tiếng. Hãy lắng nghe cơ thể, theo dõi mức năng lượng và sự tỉnh táo khi bạn thức dậy sau một giấc ngủ 7, 8 hay 9 tiếng để tìm ra thời lượng phù hợp với mình.

Tính toán giờ đi ngủ

Khi bạn biết mình cần thức dậy lúc mấy giờ và ngủ bao nhiêu giờ để có thể trạng tốt nhất thì bạn sẽ tìm ra thời điểm cần đi ngủ. Ví dụ, bạn biết mình cần ngủ 7 tiếng, thức dậy lúc 8 giờ mỗi ngày thì thời điểm bạn cần đi ngủ là lúc 1 giờ. Nếu bạn quyết định thay đổi lịch trình của mình, thức dậy lúc 6 giờ thì bạn cần đi ngủ lúc 23 giờ.

Ngủ sớm chưa chắc đã tốt hơn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bạn cần đi ngủ vào lúc 22 giờ để có chất lượng giấc ngủ tốt nhất. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã chỉ ra, điều này không hoàn toàn đúng. Các nhà khoa học cho rằng, ngay cả ‘những con cú đêm’ cũng có thể hoạt động tốt vào ban ngày, miễn là chúng được ngủ đủ giấc và có giờ ngủ đều đặn. Dù bạn đi ngủ lúc 3 giờ sáng và thức dậy lúc 10 giờ thì cũng không phải quá tệ nếu bạn duy trì lịch trình này đều đặn.

Lịch trình ngủ nhất quán là chìa khóa

Các nhà khoa học đã chỉ ra, yếu tố giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ là đi ngủ đúng giờ mỗi ngày. Nó không chỉ giúp bạn dễ ngủ hơn mà còn tăng khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng. Mặt khác, ngủ không đủ giấc vào các ngày trong tuần rồi ngủ bù vào cuối tuần là một thói quen xấu, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

Môi trường ngủ hoàn hảo

Môi trường ngủ tốt sẽ giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng. Ngủ trong môi trường quá sáng, quá ồn ào sẽ khiến bạn mệt mỏi và khó vào giấc. Đi ngủ khi quá đói hoặc quá no cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tốt nhất, hãy tạo thói quen trước khi đi ngủ như đọc sách, nghe nhạc hay ngồi thiền như một cách báo hiệu cho cơ thể đã để giờ đi ngủ, như vậy, bạn sẽ dễ dàng có một giấc ngủ ngon.

Trà My (theo Bright Side)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM