ĐỘC ĐÁO NGHỀ NUÔI RỆP CÁNH KIẾN ĐỎ TẠI THANH HÓA

Nhiều gia đình người Mông, Thái ở huyện biên giới Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) đang phát triển nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ cho thu nhập khá.

Độc đáo Nghề Nuôi Rệp Cánh Kiến đỏ Tại Thanh Hóa (1)

Xách chiếc gùi lên sườn đồi gần nhà ở bản Lát (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), bà Hà Thị Thặn (60 tuổi) thu hoạch cây đậu thiều đang đến kỳ cho nhựa cánh kiến đỏ. Hơn nửa buổi, bà thu được gần một gùi đầy thân cây có nhựa cánh kiến đỏ, mang về bóc tách rồi đem phơi. Mấy năm nay, gia đình bà dành phần lớn quả đồi cạnh nhà, rộng gần một hécta để trồng cây đậu thiều nuôi rệp cánh kiến đỏ.

Độc đáo Nghề Nuôi Rệp Cánh Kiến đỏ Tại Thanh Hóa (2)

Cánh kiến đỏ là chất nhựa màu đỏ do loài rệp son thuộc họ sâu cánh kiến tiết ra. Nhựa được dùng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường. Rệp cánh kiến đỏ sống trên nhiều cây chủ như đậu thiều, cỏ khiết, cọ phèn… Bà Thặn cũng như nhiều người ở Mường Lát chủ yếu trồng cây đậu thiều do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng. Cây đậu trưởng thành cao 2 -3m, khi cây lớn đến ngang đầu người lớn thì bắt đầu được cấy rệp cánh kiến đỏ vào. Mùa thả rệp cánh kiến đỏ tập trung vào tháng 4 hàng năm, đến tháng 10 thì thu hoạch. Mỗi năm gia đình bà Thặn đều đặn thu hai vụ cánh kiến đỏ, bán được 30 – 40 triệu đồng.

Độc đáo Nghề Nuôi Rệp Cánh Kiến đỏ Tại Thanh Hóa (3)

Độc đáo Nghề Nuôi Rệp Cánh Kiến đỏ Tại Thanh Hóa (4)

Nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ xuất hiện ở huyện Mường Lát từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ số ít hộ nuôi, sau đó nhận thấy giá trị của cánh kiến đỏ có thể giúp dân thoát nghèo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã nhân rộng diện tích. Đến nay, huyện Mường Lát có hơn 50 hộ nuôi, ở các xã Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu, thị trấn Mường Lát…/.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.

Phạm Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM