Đua giành thị phần tiền gửi không kỳ hạn, Techcombank giữ ngôi vương
Techcombank dẫn đầu thị trường với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt 46,1%.
Tăng tỷ lệ CASA
Giữa ngôi vương về tỷ lệ CASA vẫn là Techcombank, với 46,1% tại thời điểm 30/6/2021, không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2020. Số dư CASA của ngân hàng này tăng 55,1% trong vòng 12 tháng qua và đạt 133.400 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 155.900 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Để có tỷ lệ CASA trên mốc 45% trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng thời thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến.
Cuộc đua CASA được dự báo tiếp tục nóng thời gian tới, vì thực tế cho thấy, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Báo cáo tài chính quý II/2021 của BIDV cho thấy, thu nhập lãi thuần của trong 6 tháng năm 2021 đạt hơn 23.527 tỷ đồng, tăng hơn 74% so với cùng kỳ 2020. Đồng thời, tỷ lệ CASA của ngân hàng này tăng gần 6,3%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng đột biến, đạt hơn 8.122 đồng trong nửa đầu năm, tăng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dù phải trích lập 27.749 tỷ đồng dự phòng.
MSB cũng đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 30% so năm 2020, đạt con số dự kiến 3.280 tỷ đồng. Nhờ các chính sách linh hoạt về kênh thanh toán điện tử, MSB có lượng tiền gửi không kỳ hạn trên 24.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi và ký quỹ khá cao, ở mức 28,3% trong quý II/2021. Lũy kế 6 tháng, MSB đạt được hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần với cùng kỳ, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021. Mục tiêu MSB là đạt 40.000 tỷ đồng CASA năm 2023.
NIM sẽ cải thiện
Thực tế, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao, thì càng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí giá vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế. Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và còn nhiều dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank hay VietinBank sẽ cải thiện NIM.
SSI Research điều chỉnh giả định mức tăng NIM của Techcombank từ 5,27% lên 5,45% do chi phí vốn giảm đáng kể trong nửa đầu năm nhờ lãi suất huy động trung bình giảm, tăng tỷ lệ CASA và huy động được nguồn vốn lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính khác.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACBS, tình trạng giãn cách xã hội thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, khiến tỷ trọng CASA tăng lên, giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh. NIM vẫn còn dư địa cải thiện khi CASA tiếp tục tăng lên nhờ đẩy mạnh số hóa và các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy giao dịch trực tuyến.
Thùy Vinh