Giá thuê mặt bằng kinh doanh tiếp tục giảm sâu

Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, giá thuê mặt bằng kinh doanh tiếp tục rớt thêm 30-50% dù đã lao dốc năm ngoái.

Theo khảo sát của VnExpress, đến tháng 6, nhiều mặt bằng kinh doanh là nhà phố mặt tiền tại TP HCM đang kéo dài chu kỳ giảm giá thuê bất chấp năm 2020 đã lao dốc 40-50% so với năm 2019. Các mặt bằng đã có khách thuê nhưng khi đại dịch diễn biến phức tạp trong tháng 5-6, các bên thuê đề nghị chủ nhà giảm giá do không kinh doanh được.

Từ đầu tháng 6, giá thuê nhà phố mặt tiền làm mặt bằng kinh doanh trên đường Kỳ Đồng, quận 3, TP HCM ghi nhận giảm 50%. Chủ nhà chấp nhận giảm giá để hỗ trợ cho khách thuê việc phải đóng cửa ít nhất 15 ngày thậm chí nhiều khả năng có thể đóng cửa lâu hơn dự kiến.

Ông Nguyên, khách thuê nhà phố làm mặt bằng kinh doanh tại khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP HCM tiết lộ, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, chủ nhà nhận được phản ánh khó khăn của khách thuê đã đồng ý giảm giá thuê xuống 20% trong tháng 5 và giảm 30% trong tháng 6. Từ tháng 7 trở đi, tùy diễn biến của dịch bệnh có thể đàm phán lại về việc điều chỉnh lại giá thuê mặt bằng.

Nhiều căn nhà phố mặt tiền tại quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận bị “lỡ tàu” do chưa kịp cho thuê thì dịch bùng phát lại đang được chủ nhà giảm giá 20-30% để kích cầu, song vẫn khó tìm được khách thuê giữa mùa dịch.

Riêng tại khu trung tâm quận 1, các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Đồng Khởi, bên cạnh nhiều mặt bằng đóng cửa, giảm giá thuê vẫn ế hơn một năm qua, nhiều chủ nhà có động thái trợ giá 20-30% cho khách kể từ tháng 6.

Một số khách thuê mặt bằng tầng trệt của các khu thương mại tại quận Bình Tân kinh doanh ngành ẩm thực cũng được chủ tòa nhà hỗ trợ giảm giá thuê dựa trên mức độ sụt giảm doanh thu từ đầu tháng 5 trở đi cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Đợt hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trong đợt dịch lần thứ tư vào khoảng 50% trong khi những đợt trước việc giảm giá mặt bằng dựa trên sụt giảm doanh thu lên đến 70% phí thuê.

Mặt bằng trống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM. Ảnh: Trung Tín.

Mặt bằng trống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM. Ảnh: Trung Tín.

Báo cáo của kênh thông tin Batdongsan cho biết từ tháng 4 trở đi, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố tại TP HCM giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng và kiot cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3. Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư, đơn vị này đánh giá mặt bằng kinh doanh cho thuê gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Trao đổi với VnExpress, ông Trang Minh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị North Stars Asia xác nhận, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại TP HCM đang tiếp đà giảm nhanh kể từ cuối tháng 4 , đầu tháng 5 do dịch bùng phát lại. Trong tháng 5-6, mức giảm giá (trợ giá) mặt bằng cao nhất được nhiều nơi công bố lên đến 50% và mức giảm trung bình là 20-30% tùy ngành nghề bị ảnh hưởng.

“Thị trường nhà phố cho thuê mặt bằng kinh doanh đang chịu khủng hoảng kép do dư âm ế ẩm của các đợt dịch trước vẫn còn khá nặng nề, nay gồng thêm đợt dịch thứ tư càng đẩy giá thuê giảm sâu”, ông Hà đánh giá.

Chủ tịch North Stars Asia dự báo cuộc khủng hoảng giá thuê mặt bằng kinh doanh có thể kéo dài do diễn biến của đợt dịch mới khó lường hơn trước đây. Đại dịch khiến quy mô thị trường đang bị co cụm lại do cầu ít cung nhiều, mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô nhà phố mặt tiền truyền thống tại các quận nội, ngoại thành Sài Gòn có thể phải đối mặt với kịch bản thừa (ế khách, đóng cửa) trong thời gian tới.

Ông Hà cho hay, hiện có không ít chủ nhà “chơi cứng” quyết giữ giá thuê cao, không giảm giá vì sợ tài sản mất dần giá trị song việc này càng khiến mặt bằng ế ẩm kéo dài hơn. Nhiều mặt bằng đóng cửa cả năm trời chỉ vì chủ nhà cố giữ giá thuê cao mùa dịch hoặc không hỗ trợ giảm giá cho khách thuê.

Nếu tính trung bình một mặt bằng kinh doanh có giá thuê 100 triệu đồng một tháng, người thuê bỏ cọc 2 tháng, tức mất 200 triệu đồng. Phía chủ nhà có được 200 triệu đồng tiền bồi thường tiền đặt cọc nghe có vẻ lớn, nhưng bỏ trống mặt bằng cả năm nếu chia đều 12 tháng, vị chi chủ nhà chỉ thu được 16,6 triệu đồng một tháng. Nếu bên cho thuê đồng hành giảm 50% tiền thuê, hoặc miễn tiền thuê khi giãn cách, họ không phải bỏ trống mặt bằng dài hạn.

“Lúc này, cả chủ nhà và khách thuê mặt bằng kinh doanh nên cùng ngồi lại, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua khó khăn mùa dịch. Đây là giải pháp giúp giảm bớt thiệt hại cho cả hai phía”, ông Hà khuyến nghị.

Bảo An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM