Hà Nội nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội không thể tiêu thụ qua kênh bán hàng truyền thống. Để gỡ khó cho sản phẩm OCOP, thành phố đã xây dựng cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Khi kênh bán hàng truyền thống gặp khó

Khi dịch Covid 19 chưa bùng phát, mỗi ngày hợp tác xã (HTX) sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có đến hàng chục đơn hàng. Nhưng hiện nay, một ngày, thậm chí cả tuần, HTX không có đơn hàng nào được xuất đi.

Giám đốc HTX Phùng Đắc Kiêu, không giấu được vẻ sốt ruột chia sẻ, để duy trì sản xuất và giữ ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã phải tính đến việc tinh giảm lao động và chuyển hình thức sang làm việc luân phiên, thu hẹp sản xuất. Nhưng đây vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất của HTX, theo chia sẻ của anh Kiêu, hiện có năm xã trong huyện chuyên cung cấp cây mùi, mỗi ngày HTX thu mua hai tấn mùi để chưng cất tinh dầu, chưa kể số lượng sả và nghệ thu mua cũng tương tự, nếu dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kênh bán hàng truyền thống tiếp tục gặp khó khăn, thì vùng nguyên kiệu của HTX sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người nông dân chuyển sang canh tác giống cây trồng khác.

Không chỉ có HTX sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng truyền thống, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long cũng gặp không ít khó khăn. Được biết đến là đơn vị trồng và sản xuất cà gai leo lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 20 ha tai xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội và ở một số địa phương tại tỉnh Hoà Bình và Lạng Sơn; thời điểm hiện tại, sản phẩm cà gai leo của công ty gần như bị “đóng băng” trên kênh bán hàng truyền thống.

Giám đốc công ty, Phan Trung Kiên chia sẻ, vì không thuộc danh mục các mặt hàng thiết yếu nên nhiều tháng nay công ty không nhận được các đơn hàng lớn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khiến doanh thu HTX giảm nghiêm trọng. Hiện 70 % số nhân viên của công ty đã phải nghỉ việc.

Lựa chọn công nghệ để tồn tại

Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, một số đơn vị đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm bằng cách mở ra kênh bán hàng mới trên các sàn thương mại điện tử.

Tại HTX sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé, Giám đốc Phùng Đắc Kiêu và các thành viên trong HTX đã tìm tòi, và quyết định đưa các sản phẩm của HTX lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada…Còn Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long cũng đã tìm đến với sàn thương mại Tiki và Shopee. Nhưng việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn cũng gặp không ít khó khăn.

Theo Giám đốc Phùng Đắc Kiêu, sản phẩm lên sàn chịu rất nhiều áp lực, ngoài cạnh tranh về giá thì việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng phải được chú trọng. Bên cạnh đó đội ngũ nhân viên phải được đầu tư, đào tạo bài bản để có các kỹ năng giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tiếc rằng, với những yêu cầu này, phía HTX “lực bất tòng tâm”.

Dù biết, việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng chính thống trong thời điểm hiện tại và tương lai nhưng do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn đứng bên ngoài sàn thương mại điện tử.

Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, Nguyễn Văn Chí cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX có những kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đơn vị đã phối hợp với một số ban, ngành tổ chức chương trình “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội – cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch” nhằm kết nối các chủ thể OCOP tới người tiêu dùng dựa trên nền tảng xã hội nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và của Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố, để các sản phẩm OCOP có thể vượt qua khó khăn từ dịch bệnh, không rơi vào hoàn cảnh phải giải cứu nông sản một cách bị động và tránh gây tổn thương đến người nông dân, TP Hà Nội cũng đã xác định phát triển kênh phân phối nông sản trực tuyến, mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để giúp nông dân, các chủ thể sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.

Do đó, năm nay thành phố đã bố trí kinh phí thực hiện Chương trình OCOP lên tới hơn 60 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn lực để giúp các HTX, doanh nghiệp bổ sung, nâng cao nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ đưa sản phẩm OCOP vượt qua mọi rào cản tới tay người tiêu dùng.

Hà Phương/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM