“NGÂN HÀNG” ĐẶC BIỆT LƯU TRỮ GIỐNG LÚA LỚN NHẤT ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Hàng nghìn giống lúa ở khắp mọi miền đất nước, có những giống lúa quý hiếm không còn trong thực tế sản xuất hiện vẫn còn lưu giữ tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Nơi đây được ví như ngân hàng giống lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Việc sưu tập, lưu trữ này đã có ý nghĩa trong việc bảo tồn các giống quý, lai tạo các giống mới, đáp ứng nhu cầu thị trường; đặc biệt là phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Từ một vài mẫu giống lúa ít ỏi ban đầu, đến nay ngân hàng giống đã lưu giữ, lai tạo lên đến con số hơn 3.000 chủng loại. Trong số này, nhiều nhất là bộ giống lúa mùa ở miền Tây với 1988 giống; các giống lúa đặc biệt như nàng thơm chợ Đào, nếp than, bông dừa, tài nguyên…Hay như những bộ giống lúa rẫy từ vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, duyên hải miền Trung… Ngoài ra, còn có các giống lúa cao sản và những dòng khác do Đại học Cần Thơ lai tạo.
Thầy Huỳnh Như Điền, Giảng viên bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ
“Thành lập ngân hàng giống lúa này xuất phát từ ý tưởng ban đầu của Giáo sư Võ Tòng Xuân. Mục đích là những nguồn gen quý ví dụ như mùi thơm của lúa, độ dẻo, khả năng chống chịu về thời tiết, thích nghi về vùng đất phèn mặn, việc lưu trữ là nguồn để lai tạo để những giống lúa thích ứng với thay đổi của khí hậu hiện tại”.
Để có một mẫu lúa, các sinh viên, thầy cô của trường đã bắt đầu từ việc đến các vùng sâu xa khắp nơi sưu tập. Những mẫu giống được ghi chép nguồn gốc, thời gian, xuất xứ. Các hạt lúa này sau đó được chọn lựa rất kỹ lưỡng, loại bỏ những hạt sâu bệnh, kém chất lượng. Đồng thời, để có thể đảm bảo chất lượng về lâu dài, các hạt lúa giống phải được đặt trong một quy trình lưu trữ nghiêm ngặt.
Thầy Huỳnh Kỳ, Phó Trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ
“Về nguyên tắc để hạt giống được giữ lâu dài có 2 yếu tố là nhiệt độ và ẩm độ. Hạt giống khi đưa vào trong bao phải đảm bảo nhiệt độ nhiệt độổn định 20 độ cho kho ngắn hạn và âm 5 độ cho kho trung hạn, ẩm độ vào khoảng 10%, mình phải giữ hút chân không như thế này”.
Dù thời gian lưu trữở kho trung hạn có thể trên 10 năm, song các giống lúa khó sống đến thời điểm đó. Vì thế, để bảo tồn những hạt giống này, sau 3-5 năm, các thầy cô sẽ định kỳ kiểm tra sức sống của giống lúa.
Cứ thế, gần 50 năm qua, hàng nghìn giống lúa đã được thầy cô, cán bộ của Viện Nghiên cứu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Đại học Cần Thơ sưu tập, gìn giữ, sau đó được chuyển giao cho Khoa Nông nghiệp kế nhiệm cho đến nay.
Trải qua 50 năm lưu trữ, bảo tồn, hơn 940 dòng lúa cải tiến đã được lai tạo ra, chuyển giao cho các trung tâm giống ở các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trồng thử nghiệm và quản lý. Đồng thời, ngân hàng lúa còn là một cơ sở thực nghiệm quan trọng, phục vụ cho việc học tập của các sinh viên ngành Nông nghiệp.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.
Phạm Tuấn