Ngành Ngân hàng lạc quan với tăng trưởng lợi nhuận
Kinh tế dần hồi phục, nhu cầu vay vốn tăng cao đã giúp tín dụng toàn hệ thống tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Điều này góp phần tạo nên sự bứt phá về lợi nhuận khi thống kê sơ bộ cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đã tăng bình quân khoảng 25-27% so cùng kỳ.
Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại niêm yết vẫn tăng khoảng 33% so năm 2020. Sang năm 2022, theo dự báo của hãng nghiên cứu FiinGroup, ngành ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25% so năm 2021.
Nhiều ngân hàng lãi “khủng”
Đến cuối tháng 4, nhiều ngân hàng thương mại đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đáng chú ý, báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2022 được Ban lãnh đạo các ngân hàng công bố tại Đại hội cho thấy, kết quả lợi nhuận tăng trưởng rất khả quan so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kết thúc quý I/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận từ trước đến nay.
Giao dịch khách hàng tại Ngân hàng Techcombank.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%, cùng với đó là sự phục hồi ấn tượng trong hoạt động kinh doanh của FE Credit. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý I vừa qua. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng (tăng 23% so cùng kỳ), tổng thu nhập hoạt động tăng 13,2% so cùng kỳ, đạt 10.100 tỷ đồng. Đặc biệt, Techcombank tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt mức 50,4% và 3,6%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của ngân hàng này đạt 15,1%.
Cũng trong quý I, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) ghi nhận đà tăng trưởng ở nhiều chỉ tiêu quan trọng nhờ tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng và gia tăng thu nhập từ phí. Theo đó, tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB trong quý I đạt 2.406 tỷ đồng; trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.964 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ phí tiếp tục có đóng góp lớn khi ghi nhận 336 tỷ đồng, tăng vượt trội 174% so cùng kỳ năm 2021, với động lực chính đến từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Chính nhờ đa dạng hóa nguồn doanh thu và tối ưu hóa chi phí hoạt động cho nên kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2021.
Triển vọng lợi nhuận cao
Với kết quả lợi nhuận quý I đạt kỷ lục, Ban lãnh đạo VPBank đã tự tin lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt gần 30 nghìn tỷ đồng. Chia sẻ với nhà đầu tư về mục tiêu tăng trưởng này, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh thừa nhận, đây sẽ là một kế hoạch thách thức, tuy nhiên ngân hàng đang nỗ lực để biến mục tiêu tăng trưởng này thành hiện thực. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú cũng cho biết, ngân hàng dự tính lợi nhuận trước thuế tăng 36% so năm 2021, đạt 8.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner, năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so năm 2021. Giải thích về mục tiêu lợi nhuận này, ông Jens Lottner cũng cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép. Nếu được cấp ở mức cao sẽ giúp Techcombank có được thu nhập tốt hơn. Nhưng trong trường hợp được cấp hạn mức tín dụng ở mức thấp hơn kỳ vọng, Ban lãnh đạo Ngân hàng vẫn tự tin sẽ đạt được kế hoạch đề ra do nguồn thu ngoài lãi và thu nhập lãi thuần (NIM) ngân hàng duy trì ở mức cao.
Theo đó, NIM năm 2021 dù giảm nhưng vẫn duy trì trong khoảng 5-5,6%, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung. Ngoài ra, chi phí phát hành trái phiếu của Techcombank rất thấp, điều này giúp ngân hàng duy trì được nguồn vốn bền vững.
Như vậy, với kết quả kinh doanh khá tích cực được công bố, có thể thấy những gam màu sáng chủ đạo trên tổng thể bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng. Triển vọng lợi nhuận từ các ngân hàng năm nay được nhận định sẽ tiếp tục khả quan, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh. Theo đó, những ngân hàng có lợi thế về tăng trưởng tín dụng, có hệ số an toàn vốn và độ bao phủ nợ xấu cao hay có hệ sinh thái số sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2022 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố gần đây cũng cho thấy, 73,1-80,8% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện hơn trong quý II, đồng thời tình hình kinh doanh cả năm 2022 cải thiện hơn so năm 2021. Đáng chú ý, 89,3% số tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, chỉ 5,8% dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% nhận định lợi nhuận không thay đổi.