Ôtô điện đắt khách nhất Trung Quốc sẽ bán tại Việt Nam trong 2023

TMT Motors sẽ là nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối các mẫu ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Chiếc Wuling HongGuang MiniEV nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ là mẫu xe điện mini nhỏ nhất thị trường Việt, bán ra cuối 2023.

Công ty cổ phần ôtô TMT (TMT Motors) cho biết đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh đến từ Trung Quốc là GM (General Motors) – SAIC – Wuling (viết tắt SGMW) để sản xuất, lắp ráp, phân phối ôtô điện của liên doanh này tại Việt Nam.

Sản phẩm đánh dấu sự hợp tác này là Wuling HongGuang MiniEV, chiếc xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất Trung Quốc và thế giới các năm 2020-2022, theo số liệu của JATO. Linh kiện ban đầu sẽ do phía Trung Quốc cung cấp, TMT lắp ráp tại nhà máy của mình (nhà máy ôtô Cửu Long) tại Văn Lâm, Hưng Yên.

Hãng chưa tiết lộ thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, mức giá, các phiên bản của sản phẩm mới, nhưng cho biết sẽ là phiên bản mới nhất của dòng xe này. Thời gian dự kiến bắt đầu lắp ráp mẫu xe này là quý II năm nay và những chiếc xe đầu tiên sẽ bán ra vào cuối năm.

Wuling Hongguang MiniEV.

Wuling Hongguang MiniEV.

Wuling HongGuang MiniEV được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây với tư cách là chiếc xe điện mini bán chạy nhất Trung Quốc và cũng là bán chạy nhất thế giới bởi chủ yếu là doanh số từ Trung Quốc. Năm 2022, mẫu xe này bán được 554.067 chiếc tại Trung Quốc, dẫn đầu doanh số xe điện mini, và cũng là toàn thị trường xe điện quốc gia Đông Á. Kể từ khi Wuling HongGuang MiniEV ra mắt vào cuối tháng 7/2020 tới nay, hãng đã bán được 1,1 triệu chiếc, theo Car News China.

Tại thị trường Trung Quốc, xe có 4 phiên bản, mức giá trải dài từ 4.800-14.7000 USD. Trong đó, bản tiêu chuẩn với mức giá rẻ nhất chiếm tới 90% doanh số tổng. Mẫu xe này cũng xâm nhập thị trường châu Âu dưới tên gọi FreZe Nikrob EV, giá khởi điểm khoảng hơn 10.000 USD. Tại Đông Nam Á, xe đã ra mắt thị trường Indonesia vào tháng 6/2022 với cam kết sản xuất nội địa và bán ra trong năm. Mức giá vào khoảng 16.700-20.000 USD. Sở dĩ mức giá khác nhau bởi chính sách hỗ trợ xe điện ở mỗi nước cũng khác nhau.

Là một mẫu xe đô thị cỡ nhỏ, MiniEV có kích thước 2.917×1.943×1.621 mm và chiều dài cơ sở chỉ 1.940 mm, tức nhỏ hơn khá nhiều so với một chiếc Kia Morning. Xe cấu hình 4 chỗ, trang bị tiện nghi ở mức cơ bản.

Môtơ điện cũng có công suất khác nhau ở các phiên bản, từ 27 mã lực tới 41 mã lực. Quãng đường khoảng 120-300 km. Tốc độ tối đa 100 km/h, nhưng tối ưu khoảng 68-80 km/h. Nhưng đây là những con số ở Trung Quốc, chưa phải bản sẽ bán tại Việt Nam.

Wuling HongGuang MiniEV từng được một doanh nghiệp tại Thái Bình đưa về Việt Nam nghiên cứu vào tháng 11/2021, làm bản tham khảo cho các mẫu xe điện cỡ nhỏ mà công ty này nói rằng sẽ cho ra mắt trong tương lai. Đến nay, xe chính thức được TMT lắp ráp và phân phối.

Không gian 4 chỗ ngồi, không có cốp nhưng có thể gập hàng ghế sau làm cốp. Ảnh: SGMW

Không gian 4 chỗ ngồi, không có cốp. Ảnh:

Sự xuất hiện của mẫu xe điện mini sẽ giúp thị trường xe điện tại Việt Nam thêm sôi động. Hiện mẫu xe điện chính hãng phổ thông có mức giá dễ tiếp cận nhất là VinFast VF 5, dự kiến giao xe trong năm nay. Với kích thước, trang bị, cấu trúc nhỏ bé, MiniEV sẽ không phải là đối thủ của VF 5, mà lót ở tầm dưới mẫu xe Việt. Khách hàng tiềm năng của MiniEV sẽ là những công dân đô thị, sử dụng khoảng cách ngắn trong ngày, cuối ngày có thể sạc xe như điện thoại.

Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch TMT kỳ vọng MiniEV sẽ khai mở phân khúc mới và mang tới lựa chọn dễ tiếp cận cho khách hàng muốn dùng xe điện. Công ty này cũng cho biết đang cân nhắc kế hoạch giới thiệu thêm các mẫu xe điện khác trong tương lai, cũng từ liên doanh GM – SAIC – Wuling để có thể tận dụng nhà máy tại Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm.

TMT đã 47 năm tuổi đời, là cái tên được biết đến rộng rãi trong mảng xe tải, bán đủ loại như tải thùng, tải ben, xe đầu kéo của Tata, Sinotruk…. qua hệ thống 50 đại lý. Nếu tận dụng 50 đại lý này để bán kèm, Wuling HongGuang MiniEV sẽ khá dễ tiếp cận khách hàng. Tuy vậy, xe tải mà xe con là hai mảng đặc thù, vì thế các chuyên gia cho rằng TMT sẽ cần thêm hệ thống phân phối khác, có thể từ đối tác.

GM – SAIC – Wuling là liên doanh tại Trung Quốc với ba cái tên General Motors (Mỹ) nắm 44%, SAIC (công ty ôtô Thượng Hải) 50,1% và Wuling ít nhất, 5,9%. Trong khi GM thuộc Top 3 của Mỹ thì SAIC là nhà sản xuất ôtô lớn nhất nhì Trung Quốc.

Hải Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM