Quảng Ninh khởi động lại du lịch nội tỉnh

Sau hơn một tháng không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép một số loại hình kinh doanh hoạt động trở lại gắn với yêu cầu phải kiểm soát, bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Tỉnh chỉ đạo các đơn vị lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách trong mùa hè này. Trách nhiệm của các địa phương là phải rà soát các cơ sở du lịch, cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch để kịp thời nhắc nhở, giám sát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vừa đón khách vừa phòng, chống dịch. Ðồng thời các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K; hằng tuần phải tiến hành xét nghiệm định kỳ cho một bộ phận cán bộ, nhân viên. Các nhà hàng, quán ăn, khách sạn cần dành thời gian dọn dẹp, sát khuẩn, trang trí lại phòng ốc để chuẩn bị đón khách trở lại. Ðể thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Quảng Ninh đề ra phương châm siết chặt phòng, chống dịch từ bên ngoài, nới lỏng bên trong một cách có kiểm soát, quyết tâm giữ địa bàn an toàn và đẩy mạnh các hoạt động tiêu dùng, khôi phục kinh tế. Ðối với người dân đi, đến từ các vùng có dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng năm đến bảy ngày, đối với người đến từ các địa bàn an toàn thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Ðược biết ngay sau khi được phép hoạt động trở lại, các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động các phương án hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

* Ðịnh hướng đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phấn đấu chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích cây trồng kém hiệu quả để tăng diện tích cây trồng có giá trị cao như: lúa đặc sản, cây ăn trái đặc sản thế mạnh của địa phương. Ngành nông nghiệp kết hợp các mô hình trồng trọt với chăn nuôi, mô hình tôm lúa, mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch, rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP… nâng cao giá trị cho nhà nông. Ngành phấn đấu đạt giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là 250 triệu đồng/ha vào năm 2025. Ðể đạt được giá trị cao, thời gian qua, Sóc Trăng đã tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, nhất là nhóm giống lúa ST; trong đó, có lúa ST24, ST25 được công nhận gạo ngon nhất, nhì thế giới. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và canh tác bền vững. Kết quả đến đầu năm 2021, Sóc Trăng có 1.226 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Diện tích lúa được cấp chứng nhận VietGAP rộng 330,9 ha, sản lượng 4.452 tấn/năm. Trong lĩnh vực rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tỉnh đã trồng đạt 49.959 ha, trong đó có 129 nhà lưới, nhà màng/diện tích 8,4 ha. Ngoài cây lúa và hoa màu, Sóc Trăng cũng chú trọng phát triển diện tích cây ăn trái có giá trị, tập trung phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như bưởi, vú sữa, mãng cầu gai, nhãn… Hiện Sóc Trăng có 27.781 ha cây ăn trái các loại; trong đó, vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP là 434,4 ha.

Hà An/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM