Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư
Tác giả bài viết cho biết, những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á đã khẩn trương và kiên trì nỗ lực đầu tư vào các sáng kiến kinh tế kỹ thuật số ở lĩnh vực công và tư. Các tập đoàn công nghệ đang “tạo sóng”, mới đây nhất là vụ sáp nhập Tokopedia-Gojek và trước đó, Grab đang thúc đẩy niêm yết tại Mỹ với mức định giá hơn 40 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là luôn sẵn sàng cho tăng trưởng kỹ thuật số. Theo ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD.
Cũng theo bài viết, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, các chính sách kinh tế tiến bộ và mức tăng trưởng kinh tế số bền vững, nhờ vậy, các nhà đầu tư và các bên tham gia trong nước đều có cơ hội kiếm được lợi nhuận khi khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ thương mại điện tử, tài chính số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ để thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, dịch vụ tài chính số được đánh giá là mảng rất hấp dẫn để phát triển dịch vụ cho vay và thanh toán.
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch 10 năm về chuyển đổi kỹ thuật số, với tham vọng xây dựng 10 “kỳ lân khởi nghiệp”, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp này sẽ có giá trên 1 tỷ USD vào năm 2030. Bài viết trên techwireasia.com nhận định, với mục tiêu đạt tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số tối thiếu 10% trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet là 80%, kế hoạch này dường như đang đi đúng hướng.
Từ đầu năm 2018, “kỳ lân” lớn nhất Đông Nam Á là Grab đã đầu tư mạnh để giúp các công ty khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á tăng tốc. Grab hợp tác với các công ty tư nhân và nhà nước, thu hút các công ty khởi nghiệp có ý định mở rộng quy mô thông qua các cơ hội cố vấn, tiếp cận cơ sở khách hàng của Grab và thậm chí tiềm năng đầu tư trực tiếp. Năm 2020, các “siêu kỳ lân” (công ty khởi nghiệp trị giá trên 10 tỷ USD) đã nhận ra tiềm năng của nền kinh tế số của Việt Nam và khởi động một chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Trong chương trình hỗ trợ của Grab Ventures Ignite, 5 công ty đã giành được hơn 1 triệu USD tiền đầu tư và giải thưởng hiện vật từ Grab và các đối tác trong chương trình. Các công ty khởi nghiệp công nghệ này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, giao vận và truyền thông.