Thị phần máy lọc không khí tại Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Theo dự báo từ công ty nghiên cứu Grand Wiew Research, thị trường máy lọc không khí trên toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt 12,26 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2028, con số này được ước tính sẽ tăng lên khoảng 22,80 tỷ USD.
Các thương hiệu máy lọc không khí hàng đầu trên thế giới hiện nay gồm: IQAir, LG, Philips, Panasonic, Sharp, Samsung, Xiaomi, Dyson…
Sharp đang thống trị thị trường máy lọc không khí ở Việt Nam
So với các thiết bị điện khác, ngành hàng máy lọc không khí còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam.
Theo đại diện Điện Máy Xanh, trước đây, sản phẩm của Sharp chiếm khoảng 70% số máy lọc không khí bán ra của chuỗi bán lẻ này. Đây được xem là hãng tiên phong thâm nhập thị trường Việt Nam ở ngành hàng này. Hiện tại, với sức ép của nhiều thương hiệu mới, Sharp vẫn đang đứng doanh số bán ra tại Điện Máy Xanh nhưng chỉ chiếm hơn 30%.
Máy lọc không khí Sharp, Xiaomi được ưa chuộng tại Việt Nam. Ảnh: The New York Times.
Xiaomi đang chiếm khoảng 15% số máy bán ra tại Điện Máy Xanh. Thương hiệu này ít sản phẩm hơn nhưng có lượng khách hàng là “Mi Fan” nhất định, giá cạnh tranh, công suất phù hợp nhu cầu người dùng, thiết kế đơn giản, hiện đại và tích hợp IoT.
Philips và Samsung chỉ mới tham gia thị trường máy lọc không khí tại Việt Nam khoảng 1,5 năm trở lại. Cả 2 thương hiệu này đều tập trung vào phân khúc giá tầm trung thay vì giá phổ thông. Các hãng còn lại như Midea, Bluestone, Kangaroo, Electrolux đều có sản phẩm máy lọc không khí nhưng chưa chiếm thị phần cao.
Các hệ thống bán lẻ đều nhận định máy lọc không khí phân khúc từ 3-9 triệu đồng đang cạnh tranh sôi động nhất. Một số model bán chạy gồm Sharp FP-J30E-A, Xiaomi Mi Air Purifier 3H, Samsung AX34, Daikin VM30 và Philips AC0820.
Đại diện hệ thống Media Mart cho biết ngoài làm sạch không khí, người dùng Việt còn quan tâm thêm các tính năng kết hợp như tạo ẩm, hút ẩm, bắt muỗi và kiểu dáng sản phẩm.
“Doanh số máy lọc không khí hiện tại có tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đến từ sự tham gia tích cực của các thương hiệu. Trước đây chỉ có dưới 5 hãng cạnh tranh, khách hàng không có nhiều lựa chọn về thương hiệu và tầm giá.
Hiện trên thị trường có 12-15 nhãn hàng lớn tham gia thị trường này, hàng hóa đa dạng hơn về mẫu mã và tính năng. Bên cạnh đó, người dùng ngày càng quan tâm hơn về sức khỏe, chất lượng không khí trong gia đình”, ông Phan Thanh Hiếu – Trưởng nhóm bán hàng điện lạnh hệ thống Điện Máy Chợ Lớn chia sẻ.
Những nhân tố mới tại thị trường Việt Nam
Ngày 14/4, Dyson (thương hiệu đồ gia dụng cao cấp đến từ Anh) đã tổ chức sự kiện công bố gia nhập thị trường Việt với hàng loạt sản phẩm như máy lọc không khí, máy hút bụi không dây hay máy sấy tóc.
Hiện tại, Dyson có 3 mẫu máy lọc không khí với mức giá từ 9,8-19,6 triệu đồng. Những sản phẩm của Dyson có kiểu dáng nhỏ gọn, thời trang và khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường.
Chia sẻ với Zing, đại diện Điện Máy Xanh cho biết Dyson nổi tiếng về máy sấy tóc và máy hút bụi ở phân khúc thị trường trung cao. Trong ngành máy lọc không khí thì Dyson chưa phổ biến. Những model của Dyson có kiểu dáng bắt mắt hơn so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, ở phân khúc giá này, Samsung đang làm khá tốt và có lượng khách hàng nhất định.
Máy lọc không khí của Dyson có kiểu dáng bắt mắt nhưng giá khá cao. Ảnh: Cnet.
Ngoài những tên tuổi ngoại nhập, thị trường máy lọc không khí còn có sự góp mặt của các thương hiệu Việt như Kangaroo, Karofi, Sunhouse.
Theo đại diện hệ thống Media Mart, ưu điểm của máy lọc khí thương hiệu Việt đến từ mức giá tốt, đáp ứng đầy đủ tính năng và chi phí thay thế màng lọc rẻ.
“Những thương hiệu Việt như Kangaroo, Karofi, Sunhouse có cung cấp một số mẫu máy lọc không khí, giá tốt so với các model ngoại nhập. Tuy nhiên, về thương hiệu thì họ chưa tạo được mức độ nhận biết cao cho người dùng như Sharp hay Xiaomi”, đại diện Điện Máy Xanh nói.
Xu hướng máy lọc không khí trong tương lai
Đại diện Samsung, Sharp Việt Nam đều cho biết nhu cầu sử dụng máy lọc không khí vẫn đang tăng lên, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Thị trường máy lọc không khí thực sự chỉ mới bắt đầu sôi động khoảng 2 năm trở lại đây. Ô nhiễm không khí và dịch bệnh bùng phát khiến người tiêu dùng quan tâm hơn về sức khỏe vì vậy chú ý đến sản phẩm này. Hà Nội, Hồ Chí Minh là 2 thành phố có lượng tiêu thụ máy lọc khí nhiều nhất, tương ứng với 50 và 45%, còn lại là các khu vực khác”, Nathan Hsiao, Phó Tổng Giám Đốc Sharp Việt Nam nói với Zing.
Các mẫu máy lọc không khí trong tương lai có thể được trang bị AI hay ức chế virut.
Hiện tại, các sản phẩm trên thị trường đều có khả năng loại bỏ các chất gây dị ứng, nấm mốc, vi khuẩn, bụi mịn (PM 10), bụi siêu mịn (PM2.5) hay thậm chí là hạt bụi PM1.0. Một số mẫu có khả năng kết nối và điều khiển qua smartphone.
“Khi sản phẩm của các hãng đều có khả năng lọc không khí tốt thì sẽ cạnh tranh bằng hiệu suất lọc, tính linh hoạt thay thế, sửa chữa, bảo hành. Ngoài ra, các hãng còn cạnh tranh nhau về giá cả và mẫu mã”, đại diện Samsung nói.
Ông Nathan Hsiao nhận định trong tương lai máy lọc không khí có thể kháng, ức chế được các loại virus gây bệnh lây lan cộng đồng. Ngoài ra, xu hướng ứng dụng công nghệ AI và IoT sẽ phổ biến trên ngành hàng này.
Lê Trọng
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM