Thị trường hàng hóa giảm mạnh 3 tuần liên tiếp
Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần trước, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá các loại hàng hóa khiến chỉ số MXV-Index sụt giảm 2,8% xuống mức 2.231,52 điểm, và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức giảm lên đến gần 24,6% của khí tự nhiên.
Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn quay trở lại mạnh mẽ trong tuần này sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, với mức tăng trưởng gần 30%, đưa giá trị giao dịch lên hơn 3.800 tỷ đồng. Trong đó, nông sản và năng lượng vẫn là các nhóm hàng được giới đầu tư quan tâm nhất, với tỷ trọng của cả 2 nhóm này lên đến 75%.
Các mặt hàng nông sản tiếp tục diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, nếu ngô và lúa mì giảm mạnh thì nhóm đậu tương vẫn giữ được sắc xanh trên bảng giá nông sản.
Tình trạng khô hạn tại miền nam Brazil vẫn đang hỗ trợ giá của đậu tương. Nông dân tại bang Rio Grande do Sul hiện đang lo ngại về tình trạng khô hạn xảy ra gần đây và dự báo khô hạn sẽ xảy ra trong 2 tuần tới khiến năng suất đậu tương niên vụ năm nay của bang có thể sẽ suy giảm và từ đó hỗ trợ giá.
Giá dầu đậu tương chịu áp lực từ diễn biến rơi mạnh của dầu thô trong tuần trước và đóng cửa với mức giảm 2,82%. Ngược lại, giá khô đậu tương lại được hỗ trợ và trải qua mức tăng 2,6%.
La Nina đang biểu hiện ngày càng rõ ràng hơn qua mức độ khô hạn đang ngày càng nghiêm trọng ở Brazil và hạn chế lực bán đối với ngô bất chấp đà giảm mạnh của lúa mì. Bang Rio Grande do Sul là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản lượng ngô vụ 1 tại Brazil, nên thông tin này đã có tác động “bullish” lên giá ngô. Bên cạnh đó, bên bán cũng đang ở trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh nông dân tại Argentina hầu như không gieo trồng thêm ngô trong vài tuần gần đây để tránh việc độ ẩm thiếu hụt trong giai đoạn ngô phát triển nhạy cảm nhất.
Giá lúa mì dẫn đầu đà giảm của nhóm nông sản khi Bộ Nông nghiệp Nga đang cân nhắc hạn ngạch xuất khẩu lúa mì cho giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2022 ở mức 9 triệu tấn. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá chính sách này là tương đối không hạn chế, và sẽ cho phép Nga có thể đạt được con số 34 triệu tấn khối lượng xuất khẩu lúa mì trong niên vụ này, phù hợp với dự báo của SovEcon. Điều này đã tác động “bearish” đến giá lúa mì trong ngắn hạn.
Lũ lụt ở Tây Nguyên hỗ trợ giá cà-phê Robusta
Phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Cà-phê cùng ca cao là những mặt hàng duy nhất giữ được đà tăng trong tuần qua. Giá Arabica giằng co rất mạnh trong tuần rồi kết thúc với mức tăng nhẹ 0,2% lên 243,4 cents/pound. Giá Robusta tiếp tục bứt phá mạnh mẽ 3,4% lên mức đỉnh 10 năm mới là 2.386 USD/tấn.
Thị trường Robusta hiện đang được hỗ trợ nhiều hơn, khi mà mức chênh lệch giữa hai Sở được nới rộng nhiều do giá Arabica tăng quá mạnh trong tuần trước đó.
Đồng thời, lũ lụt và sạt lở ở Tây Nguyên, khu vực sản xuất Robusta chính của Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới 20 ha trồng cà-phê, và khiến cho rất nhiều người dân phải sơ tán, làm chậm trễ quá trình thu hoạch của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng vẫn còn tồn tại và khiến cho các lô hàng cà-phê khó tới tay người tiêu dùng, và làm cho mức dự trữ trên Sở ICE US giảm mạnh. Vì thế, thị trường cà-phê vẫn đang có được động lực để tăng giá trong ngắn hạn, tuy nhiên, sự lây lan của biến thể Omicron có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng này.
Giá bông giảm mạnh gần 7% về 104,2 USD/tấn. Việc các quỹ nắm giữ quá nhiều vị thế mua tạo ra áp lực thanh khoản, nên các quỹ phải tất toán một phần vị thế để tránh rủi ro quá lớn. Bên cạnh đó, việc đồng USD đang neo ở mức giá cao cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với bông vì đây là mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ.
Hai mặt hàng đường đồng loạt giảm mạnh trong tuần vừa qua với giá đường 11 giảm 3,1% còn 18,75 cents/pound, giá đường trắng giảm 2,9% còn 486,9 USD/tấn. Thị trường đường đánh mất xu hướng tăng do sự sụt giảm của giá dầu thô. Nguồn cung đường trong thời gian tới có thể tăng lên do lượng mía dùng để sản xuất ethanol giảm.
Kim loại quý có tuần thứ 3 liên tiếp kết thúc trong sắc đỏ
Giá bạc và bạch kim đồng loạt giảm gần 3% về lần lượt là 22,44 USD/ounce và 926,2 USD/ounce. Trước các tín hiệu thắt chặt sớm của FED, triển vọng của thị trường kim loại quý đang trở nên rất tiêu cực khi đồng USD ngày càng có giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, biến thể Omicron đang là một rủi ro lớn đối với các thị trường đầu tư tài chính trên toàn cầu, trong đó có bạc và bạch kim. Dòng vốn trú ẩn cũng quay trở lại với trái phiếu, do mức lợi suất hấp dẫn hơn so các mặt hàng kim loại quý. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm mạnh hơn 8% về 1,36%
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, diễn biến trái chiều vẫn được duy trì trong tuần vừa qua. Giá đồng cũng có tuần thứ 3 liên tiếp giảm sau khi giằng co mạnh trong tuần, và hiện đang ở mức 4.267 USD/pound. Triển vọng tiêu thụ của đồng bị ảnh hưởng khá nhiều do đồng USD tăng giá và đặc biệt là sự lây lan của biến thể Delta.
Bên cạnh đó, các chính sách chống dịch của Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và làm giảm nhu cầu tiêu thụ với đồng. Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục tăng gần 6% lên 101,6 USD/tấn. Thị trường hồi phục chủ yếu nhờ lực bắt đáy, tuy nhiên, đà tăng của giá sắt đang chững lại và tích lũy xung quanh mức 100 USD/tấn.
Dầu thô có chuỗi giảm mạnh nhất kể từ năm 2018
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 2,77% xuống 66,26 USD/thùng, giá Brent giảm 2,67% xuống 69,88 USD/thùng. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp dầu thô đi xuống, chuỗi giảm lớn nhất kể từ năm 2018. Yếu tố quan trọng nhất đè nặng lên tâm lý thị trường tiếp tục là các nguy cơ từ biến thể Omicron và kết quả cuộc họp của OPEC+.
Việc OPEC+ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày trong cuộc họp vừa rồi bất chấp các rủi ro dư thừa nguồn cung trong thời gian tới khiến cho tâm lý thị trường suy yếu rõ rệt. Kết hợp với lượng dầu mà các nước tiêu thụ tung ra từ kho dự trữ chiến lược, nguồn cung vượt nhu cầu ở mức 3 triệu thùng/ngày trong quý I năm sau. Giới phân tích cảnh báo nếu nước Mỹ thiết lập các hạn chế dể phòng dịch, tình trạng dư thừa có thể xảy ra ngay trong cuối tháng 12.
Có thể thấy, triển vọng trong ngắn hạn hay trung hạn đều tương đối tiêu cực, là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các quỹ đầu tư cắt giảm vị thế mua ròng các hợp đồng dầu. Tuy vậy, trong phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ của các yếu tố tương đối tích cực, như thông tin Saudi Aramco nâng giá bán chính thức các sản phẩm dầu sang thị trường châu Á. Điều này thể hiện quan điểm lạc quan đối với nhu cầu tiêu thụ tại khu vực này.
Trong tuần này, thị trường nông sản sẽ chờ đợi thông tin từ Báo cáo cung – cầu nông sản thế giới tháng 12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hành vào 24 giờ đêm ngày thứ năm (9/12). Đây là báo cáo hằng tháng rất quan trọng và thường tác động rất lớn đến giá của các mặt hàng nông sản.