Thực hiện ngay mẹo tiết kiệm nổi tiếng này của người Nhật để giảm chi tiêu hết cỡ trong mùa dịch
Kakeibo (kah-keh-boh) dịch sang là “sổ cái tài chính gia đình”, được Hani Motoko – nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng chế ra vào năm 1904. Đây thực sự là một phương pháp đơn giản giúp bạn quản lý hiệu quả tài chính của mình.
Giống như tất cả các hệ thống ngân sách, Kakeibo hướng tới mục đích giúp bạn hiểu được mối quan hệ của mình với tiền bạc, bằng cách ghi vào một cuốn sổ lớn mọi khoản thu và khoản chi.
Tuy nhiên, điều khiến Kakeibo trở nên đặc biệt là phương pháp này không có sự xuất hiện của bất cứ phần mềm, app hay bảng tính Excel giúp quản lý ngân sách. Thay vào đó, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết tay mọi thứ như một cách ngẫm nghĩ để bạn điều khiển và quan sát thói quen chi tiêu.
Tiếp đó, bạn hãy bắt tay vào thực hiện chính sách tiết kiệm với các bước sau:
Bước 1: Mở sổ ra ghi chép
Loại bỏ công nghệ sang một bên, lấy sổ và bút ra viết. Theo các nghiên cứu, ghi chép giúp chúng ta nhớ được nhiều dữ kiện hơn, thay vì gõ bàn phím.
Bước 2: Lập kế hoạch thu nhập hàng tháng
Viết ra tất cả các nguồn thu và số tiền kiếm được trong một tháng. Tạo bốn cột mô tả các tuần trong tháng. Bạn có thể lập bảng cho mỗi tuần hoặc viết ra bằng gạch đầu dòng, cột hoặc bất cứ thứ gì để giúp bạn ghi nhớ tốt.
Vào đầu tháng, hãy viết thu nhập bạn chắc chắn nhận được bằng màu đỏ. Những khoản thu nhập bổ sung ghi lại bằng màu xanh.
Ghi chép lại từng đồng bạn có được, dù là tiền lương, hàng hóa bán được hay khoản nợ đã trả…
Bước 3: Kế hoạch chi tiêu
Cần thắt chặt chi tiêu hàng tháng để có thể đạt số tiền tiết kiệm như kế hoạch.
Hãy viết các chi phí cố định bạn có trong tháng đó như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại, Internet.
Bước 4: Kế hoạch cho chi phí còn lại
Số tiền còn lại sau khi trừ các khoản chi tiêu thông thường và số tiền tiết kiệm, chính là khoản bạn có thể chi tiêu. Khoản này nên được chia thành bốn loại:
– Chi phí sinh hoạt như thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng.
– Chi phí cho văn hóa, giáo dục: vé dự triển lãm hoặc các khóa học.
– Chi phí cho giải trí. Ở đây, bạn cần ghi lại từng bữa trưa hoặc bữa tối đã chi tiêu.
– Chi phí phát sinh: Thứ không phù hợp với danh mục nào ở trên.
Bước 5: Vạch chiến lược tương lai
Vào cuối tháng, hãy tổng kết xem bạn có thực hiện đúng kế hoạch không. Đây sẽ là kinh nghiệm và căn cứ để lập kế hoạch tài chính tháng sau tốt hơn.
Cũng theo phương pháp Kakeibo, để tránh những chi phí không thực sự cần thiết, bạn cần tự hỏi mình những câu hỏi này trước khi mua:
– Tôi có thể sống mà không có vật này không?
– Theo như tình hình tài chính hiện tại, tôi có đủ khả năng chi trả không?
– Tôi sẽ thực sự sử dụng nó chứ?
– Tôi có đủ không gian để chứa nó không?
– Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó như thế nào nhỉ? Có phải tôi đã thấy nó trên tạp chí? Hay tôi lướt qua nó sau khi lang thang vào một cửa hàng quà tặng?
– Trạng thái cảm xúc tổng quan ngày hôm nay của tôi là gì? (bình tĩnh? căng thằng? vui mừng? thấy tồi tệ về bản thân?)
-Tôi cảm thấy thế nào về việc mua sản phẩm này? (vui vẻ? thú vị? không có gì khác biệt? và cảm xúc này liệu sẽ kéo dài bao lâu?)
Tuy nhiên, bạn cần nhớ một điều rằng Kakeibo không được thiết kế ra để loại bỏ hoàn toàn mọi thú vui trong cuôc sống của bạn. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy buồn về chuyện gì đó thì những bông hoa là một giải pháp không quá đắt đỏ để khiến bạn vui trở lại.
Lily (tổng hợp)