Top 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Top 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Khó có thể ngờ rằng thị trường chứng khoán Việt Nam lại trải qua một quãng thời gian 6 tháng đầu năm 2021 với liên tiếp những kỷ lục về thanh khoản và chỉ số lần lượt được xô đổ.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 1.408,55 điểm, tăng 304,68 điểm (27,60%) so với đầu năm.
6 tháng qua cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể các vị trí trong Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán cùng sự bứt phá ngoạn mục về giá trị tài sản của không ít những ông chủ doanh nghiệp.
Theo thống kê của Infonet, ngoại trừ bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, 9 người còn lại trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đều tích lũy thêm giá trị tài sản khổng lồ trong 6 tháng qua.
Trong đó, dù bất kể thời điểm nào tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đương nhiên vẫn đứng vững vị trí số 1 trong danh sách này. Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá trị cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ tăng thêm 20.700 tỷ đồng nhờ việc cổ phiếu này tăng 10% về thị giá.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/6, khối tài sản hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VIC do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ có giá lên tới 228.100 tỷ đồng, qua đó giúp ông chủ Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam không chỉ trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán mà còn là người giàu có nhất Việt Nam.
Vị trí thứ hai thuộc về ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Dù cổ phiếu HPG liên tục trải qua các phiên giảm giá trong tháng 6, nhưng tính từ đầu năm đến nay HPG đã tích lũy thêm 24% về thị giá. Nhờ đó mà ông chủ doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam bỏ túi thêm 8.700 tỷ đồng. Hiện giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ đạt mức 44.500 tỷ đồng.
Cuộc đua các vị trí trong Top 10 trở nên đặc biệt thú vị ở nhóm còn lại, diễn ra trong 6 tháng qua. Ấn tượng nhất là vị trí thứ 3 của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Nova.
Từ vị trí thuộc nhóm cuối, ông Nhơn đã tiến thẳng lên vị trí thứ 3 nhờ cổ phiếu NVL liên tục tăng phi mã về giá. Tính chung sau 6 tháng đầu năm, NVL tăng 81% về thị giá, qua đó giúp cho ông chủ của Tập đoàn Novaland có được khối tài sản trị giá 38.400 tỷ đồng, tăng 17.200 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay.
Thậm chí, giá trị tài sản của ông Nhơn còn giúp ông bỏ xa vị trí thứ tư của “gương mặt thân quen” trong Top 5, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Việc cổ phiếu TCB và MSN lần lượt tăng 67% và 25% giúp cho tài sản của ông Hồ Hùng Anh tăng thêm 6.400 tỷ đồng kể từ đầu năm với tổng giá trị đạt 29.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, cũng đã quay trở lại vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng sau thời gian đánh mất vị trí vào tay ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt). Hiện giá trị cổ phiếu TCB và MSN do Chủ tịch Masan nắm giữ là 28.800 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng trong 6 tháng qua.
Trong khi đó, tỷ phú mới lọt top 5 người giàu nhất sàn – ông Nguyễn Văn Đạt tạm rớt xuống vị trí thứ sáu với khối tài sản trị giá 27.800 tỷ đồng. Ông chủ của BĐS Phát Đạt là người có tốc độ kiếm tiền “khủng” nhất nếu xét về tỷ lệ. Giá cổ phiếu PDR đã tăng phi mã 120% kể từ đầu năm đến nay, trở thành một trong những mã sinh lời tốt nhất cho các nhà đầu tư chứng khoán. Qua đó, tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt tăng từ 12.500 tỷ đồng hồi đầu năm lên 27.800 tỷ đồng.
Người duy nhất ghi nhận mức giảm về tài sản, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện ở vị trí thứ bảy với việc tài sản ghi nhận giảm 153 tỷ đồng kể từ đầu năm, còn lại 26.244 tỷ đồng. Mặc dù giá cổ phiếu HDB tăng 49% nhưng việc cổ phiếu VJC giảm giá nhẹ 2,8% đã khiến tổng giá trị tài sản của bà Thảo bị suy giảm trong 6 tháng qua.
Trong khi đó, vị trí thứ tám thuộc về “ngôi sao đang lên” Nguyễn Đức Thụy – Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cổ đông lớn của Thaiholdings. Việc chính thức công khai sở hữu lượng lớn cổ phần LPB càng củng cố vị trí vững chắc trong Top 10 của vị đại gia gốc Ninh Bình.
Hiện giá trị tài sản của Nguyễn Đức Thụy đã lên đến 18.700 tỷ đồng, tăng 8.500 tỷ đồng kể từ đầu năm. Trong đó, giá trị cổ phiếu THD là 17.791 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu LPB là 940 tỷ đồng.
Vị trí thứ 9 thuộc về nữ đại gia kín tiếng Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng. Giá trị cổ phiếu VIC do bà Hương nắm giữ tăng thêm 1.600 tỷ đồng, đạt 17.976 tỷ đồng tính đến thời điểm 30/06/2021.
Vị trí cuối cùng trong Top 10 thuộc về ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa. Ông Năng “Do thái” (biệt danh của ông Năng) có thêm 25% giá trị tài sản từ cổ phiếu VCS, hiện giá trị tài sản của ông tại VCS là 13.400 tỷ đồng.
Như vậy, Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt trong 6 tháng qua chỉ ghi nhất duy nhất 01 trường hợp bị giảm về tài sản (bà Nguyễn Phương Thảo), và có tới 7 người có khối tài sản vượt 1 tỷ USD.
Hiền Anh