Truyện ngắn: Những ngày không quên

Người ta nói, làm nhà là việc lớn nhất của đời người quả chẳng sai. Ngôi nhà mơ ước mới nằm trên bản vẽ nguệch ngoạc, vợ chồng Mai đã cãi nhau ỏm tỏi. Anh Khương thích nhà vườn, còn Mai nằng nặc đòi xây nhà tầng. Thay đổi năm lần bảy lượt mới ra được cái bản vẽ hoàn chỉnh.

Mấy tháng trời chạy đôn đáo, lựa chọn nguyên vật liệu xây dựng, phục vụ thợ xây, Mai gầy rộc đi. Cơ mà lòng Mai đang phấn chấn. Dưới vòm cây xanh mát, nơi xóm nhỏ êm đềm, ngôi nhà của vợ chồng Mai đã nên hình dáng. Giờ chỉ mong thời tiết thuận lợi và đợi tường khô, thợ sẽ sơn bả, mặc áo cho ngôi nhà nữa là xong. Mai đắn đo không biết chọn kiểu mẫu giường, bàn ghế như nào. Anh Khương bảo cứ nhắn cho đứa học trò cũ của anh, nó đến tận nhà tư vấn rồi làm luôn cho. Ở cái thị trấn này, đâu còn chỗ nào làm tốt hơn nhà nó…
Minh họa: ĐINH HƯƠNG
Công nhận con bé học trò của chồng khéo mồm, sau một hồi nó “chém gió” phần phật, Mai gật như bổ củi, ưng toàn tập nội dung tư vấn của nó. Hai cô cháu tỉ tê đến hơn tiếng đồng hồ, giường, bàn, tủ các phòng đều được chốt hạ.
Cứ tưởng không kịp, thế rồi cũng xong. Phù… Mai duỗi đôi chân mỏi nhừ của mình trên ghế, lưng tựa tường, thở hắt ra. Suốt từ lúc nung nấu ý định làm nhà cho đến bây giờ, chưa lúc nào lòng Mai được nhẹ nhõm. Mớ tiền vẻn vẹn chỉ có thế, trong khi gia đình Mai lại neo người, khó khăn làm sao. Chần chừ mãi thì đến bao giờ mới có cái nhà tử tế để ở, các con đã lớn cả rồi…
Hằng ngày hết giờ làm, Mai muốn phóng xe thật nhanh về nhà để dọn dẹp chỗ này, lau chùi chỗ kia. Đang yên lành thì cái con cô vít lại hoành hành, chán ghê. Tin dịch vừa bùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm ăn của công ty Mai. Đứa bạn gọi điện, sụt sùi than thở phải để con nhỏ ở nhà một mình, hai vợ chồng chuẩn bị lên xe đi cách ly tập trung. Nghĩ thương hai vợ chồng một, thì xót đứa trẻ mười. Nhưng phải vậy thôi, chứ không nghiêm chỉnh chấp hành thì lây nhiễm tràn lan cả cộng đồng à.
Tối đến, thay bằng ngồi ngắm nghía từng góc nhà cửa, Mai dán mắt vào màn hình điện thoại theo dõi các con số nóng hổi cập nhật theo ngày về tình hình biến động dịch Covid-19. Cả xã hội lo lắng, Mai không thao thức sao được. Cập nhật đến đâu, buồn lòng đến đó. Con cô vít biến thể lần này lây dễ và nhanh thật, hình như chỉ cần hai người lướt qua nhau, nó đã có thể nhảy từ người này sang người khác. Cuộc sống cứ bồn chồn, bất an mãi như vậy thì chết. Ngày hôm nay danh sách F1 dài thườn thượt, dương tính cũng không ít, lướt qua danh sách những người cùng huyện mà Mai rùng mình. 
Tự dưng Mai thấy cái tên quen quen. Nguyễn Thị T, con bé này là học trò cũ của anh Khương đây. Mai há hốc mồm kinh hoàng, cầm điện thoại run run đọc đi đọc lại họ tên và dòng địa chỉ. Đọc đến lần thứ mấy vẫn đúng là nó. Mai vội vã tìm danh bạ điện thoại. Đầu dây kia xác nhận thông tin Mai thắc mắc. Chính xác nó bị dương tính. Cái đứa đến đo giường tủ, tỉ tê với Mai hơn tiếng đồng hồ đã bị mắc Covid-19.
Nghe nó thông báo mà Mai sốc quá, mặt mũi trắng bệch ra. Con bé ấy mang trong người con vi rút cả xã hội đang sợ hãi nhưng chả có bất cứ biểu hiện bệnh tật nào. Nó cũng không nhớ hết danh sách mình đã tiếp xúc, trong số bị nó bỏ quên có Mai. Giờ biết làm gì đây? Nó không khai thì ai truy vết ra Mai. Còn truy vết ra Mai là F1, tức Mai sẽ phải đi cách ly tập trung. Mai hiểu điều đó rõ mồn một. Người dân bình thường luôn sợ những gì bất thường. Mai cũng thế, đâu ai muốn phải tự nhốt mình vào khu cách ly. Nhưng sau một hồi đấu tranh tư tưởng với bản thân, được chồng động viên, khích lệ, Mai quyết định kê khai đầy đủ với đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19.
***
Mọi người đến khu cách ly gần như chỉ ăn ngủ, ngắm trời đất. Có nhiều thời gian tĩnh yên, ngồi suy ngẫm, Mai chiêm nghiệm ra nhiều điều. Được sống một cuộc sống an yên đời thường là điều vô cùng hạnh phúc. Trước Mai hay chán nản, than vãn công việc của mình thật vất vả. Giờ chứng kiến những con người bằng xương bằng thịt đang căng mình làm ngày làm đêm phục vụ công tác chống dịch mà thấy cảm phục, ngưỡng mộ vô cùng. Trong lúc Mai chép miệng ngao ngán với khay cơm được cấp phát vì không hợp khẩu vị cho lắm thì họ vẫn miết mải làm việc, trùm kín thân mình trong chiếc áo bảo hộ, tất bật luân chuyển ca nghi nhiễm mới đến, bụng chưa một hạt cơm. 
Mai để ý nhóm nhân viên có em gái trẻ lắm, mắt luôn tươi, miệng luôn líu lo hát. Hỏi tại sao em có thể lạc quan thế? Không thấy vất vả à? Cô bé trả lời, vất vả chứ chị. Nhưng nghề của mình mà. Đằng nào chả phải chiến đấu, vậy hãy chiến đấu với tinh thần mạnh mẽ, phấn chấn chị nhỉ. Em bé cười típ mắt lần nữa, rồi nhanh chóng khuân vác đồ đạc, lẫn vào đám nhân viên áo xanh lùng bùng.
Sinh hoạt ở khu cách ly thiếu thốn, chỗ đi vệ sinh cũng bí bách. Qua mấy dãy nhà mới đến khu vệ sinh. Từ hành lang nhìn vào, Mai phát hiện một nhóm người phòng khác túm tụm cắn hạt dưa với nhau, không khẩu trang. Mai nghe loáng thoáng họ chửi đổng về “lũ gác cổng”, họ rì rầm rủ nhau tối nay trốn khỏi đây. Ôi trời ơi, Mai kinh ngạc trước thái độ của họ. Người xây đắp, kẻ đạp đổ. Mai định nói cho họ một trận nhưng kịp khựng lại, những người đã phát ra khỏi miệng đủ thứ ngôn từ xấc xược, đã dám nhổ phì phì vỏ hạt tung tóe trong lúc cơ thể họ đang nguy cơ mang mầm bệnh thì liệu họ có đủ ý thức, nhẫn nại để lắng nghe lời khuyên răn?
Mai thấp thỏm lo lắng suốt buổi. Khu cách ly đang yên ắng thì nghe rầm rầm từ phía ngoài cổng. Chiếc xe ô tô đỗ phịch cái, cửa mở, đoàn người mặc quân phục, đồ bảo hộ nhanh chóng xuống xe, dàn hàng. Hóa ra, cán bộ nhân viên ở đây vẫn theo dõi rất chặt chẽ diễn biến, động thái của mọi người. Những kẻ định trốn khỏi khu cách ly im thin thít từ lúc ấy.
***
Mai đếm từng ngày từ khi bước chân tới khu cách ly. Kết quả xét nghiệm của Mai đã hai lần âm tính. Nốt lần cuối cùng này nếu âm tính, ngày kia Mai sẽ được về nhà vì đã đủ ngày tháng cách ly. Nghĩ đến giây phút ấy, Mai run lên vì sung sướng. Chưa bao giờ cô phải xa gia đình bé nhỏ của mình lâu đến vậy. Khi về nhà, Mai sẽ ôm thật chặt đứa con gái hay nhõng nhẽo, hít lấy hít để mùi mồ hôi lẩn trong những sợi tóc tơ của con, Mai sẽ rúc vào ngực ấm của chồng, cho chồng biết nỗi thương nhớ da diết của mình khi phải xa nhau. Mai sẽ xắn tay áo lên, vào bếp nấu ngay một bữa cơm tươm tất cho ngày sum vầy của cả gia đình…
Đang miên man với ý nghĩ không đầu không cuối thì có người gõ cửa phòng. Nhân viên yêu cầu Mai chuyển phòng. Là lạ, sao lại thế nhỉ. Vừa lếch thếch vác đồ đạc sang phòng khác, vừa điện online cho chồng. Qua hình ảnh online, Mai thấy có bóng dáng người mặc quần áo bảo hộ. Họ đến nhà Mai phun khử khuẩn từ nhà ra đầu ngõ, bốn bề mù mịt thuốc trắng. Mai dựng đứng người khi chồng cho biết Mai bị dương tính Covid-19 với mẫu xét nghiệm lần 3. Mai sốc hơn cả lần nhận tin phát hiện tiếp xúc với F0. Hóa ra nhân viên họ không công bố cho Mai biết kết quả trước mà cứ âm thầm tiến hành các việc cần phải làm vì hôm trước, ngay trong khu cách ly này, khi biết có người bị dương tính, người cùng phòng miệt thị, hắt hủi, xua đuổi ngay tức khắc.
Lúc đầu đang sống cuộc sống bình thường, Mai nghĩ vào khu cách ly không có gì ghê gớm, nhưng ở đây đến gần nửa tháng rồi, nỗi nhớ nhà dâng lên, át đi phần nào sự mạnh mẽ ban đầu. Hành trình cách ly khởi động lại từ đầu, và còn mang theo nỗi lo nơm nớp cho gia đình, người thân, Mai lao đao như muốn ngã gục. Mai suy nghĩ miên man rồi thiếp đi. Cô giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng người gọi chuẩn bị nhanh lên xe đi. Họ chuyển Mai qua viện điều trị.
Mai gần như không có triệu chứng gì lúc này, chỉ buồn thôi. Bác sĩ khai thác xong, động viên Mai cố gắng theo dõi hết đợt, rồi sẽ được đoàn tụ bên người thân. Mai khẽ gật đầu về phòng. Mở điện thoại ra, một loạt tin nhắn ào ạt đổ về điện thoại. Anh em bạn bè xa gần vẫn động viên, dõi theo Mai. Từ khi đến khu cách ly, mọi người gửi rất nhiều đồ ăn thức uống, tiếp tế phương tiện cần thiết. Mai rơm rớm nước mắt. Mai đâu chỉ có một mình trong cuộc chiến này. Có quá nhiều yêu thương đang cùng Mai vượt qua khó khăn…
Đọc đi đọc lại tin nhắn của mọi người khiến Mai mạnh mẽ trở lại, Mai muốn lấy lại tinh thần thép ban đầu của mình. Con ngõ nhỏ quen thuộc dẫn vào ngôi nhà nhỏ của Mai đã bị phong tỏa, nhìn hình ảnh, đọc tin trên báo mạng mà xót ruột gan. Mai từng nghe ở chỗ khác, khi một nhà bị phong tỏa, hàng xóm láng giềng xì xào, chửi bới tùm lum, may sao những người hàng xóm dễ thương của nhà Mai lại chung lòng, chung sức chống dịch bệnh. Mọi người trêu nhau quả này cả xóm được kỳ nghỉ dài an dưỡng nên tăng cân phải biết. Nói thế để lấy tinh thần, chứ thực tình ai muốn bị trói chân, bao nhiêu công việc còn dang dở…
Gặp phải sự cố lần này cho Mai nhận ra điều quan trọng nhất, trong lúc mình dễ rối bời thì người chồng hay bị Mai càu nhàu này nọ lại luôn bình tĩnh. Anh thực sự là chỗ dựa vững chắc cho Mai, cho cả gia đình. Anh chỉ nói những câu đại loại như: “Không sao đâu em ạ” ,“Sẽ ổn cả thôi”. Trên facebook, anh cũng vừa đăng dòng tin: “Hiện nay gia đình tôi thuộc diện F1 do có người tiếp xúc với F0 từ ngày… và đã đi cách ly tập trung từ ngày… đến ngày… có kết quả xét nghiệm lần 3 dương tính. Hiện nay gia đình tôi đã đi cách ly. Do thời gian kéo dài nên bản thân và gia đình không thể nhớ hết, vì vậy những ai đã tiếp xúc với gia đình xin vui lòng khai báo y tế để được hướng dẫn. Xin lỗi mọi người vì sự cố không mong muốn này…”
Anh thật chu đáo, có trách nhiệm. Mai vội đăng lại dòng tin trên facebook của mình. Mai hiểu rằng, tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu là cách duy nhất để thể hiện tình yêu với gia đình, với những người đang bên mình. Đây sẽ là những ngày không thể quên trong cuộc đời. Mai đứng dậy, vươn vai, hướng ánh mắt về phía mặt trời. Vừa thể dục, Mai vừa hô vang: “Sẽ ổn thôi! Sẽ ổn thôi! Nhất định sẽ ổn!”.
Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM