Ưu, nhược điểm trong thiết kế nhà bếp dành cho gia đình

Bếp là không gian quan trọng trong nhà ở và mỗi loại kiểu bếp lại có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Dưới đây là lưu ý về 5 kiểu bố trí bếp thường thấy để gia chủ cân nhắc.

Bếp một bên

Đây là kiểu bếp mà mọi thiết bị, tủ, bàn bếp được bố trí dọc theo một bức tường. Nó hợp với cả căn hộ nhỏ lẫn nhà to.

Bếp một bên tường không bị ngăn chia nên giúp người nấu dễ dàng di chuyển. Nó cũng dễ thiết kế và bài trí, thi công nhanh, đỡ tốn kém.

Tuy vậy, quầy bếp của kiểu thiết kế này thường không rộng. Việc bố trí tủ lạnh, bồn rửa và bếp nấu theo một đường thẳng cũng có thể khiến người nấu khó thao tác. Lý tưởng nhất, tủ lạnh, bồn rửa và bếp nấu nên tạo thành hình tam giác.

Bếp kiểu hành lang

Với không gian hẹp (như nhà nhỏ hoặc căn hộ), bếp kiểu hành lang là lựa chọn thường thấy. Trong kiểu bố trí này, tiện ích bếp được bố trí trên hai bức tường đối diện nhau. Bếp có thể mở ở hai đầu còn lại hoặc đóng vai trò là lối đi giữa các phòng. Một trong hai bức tường bếp có thể có cửa sổ, cửa ra vào hoặc cả hai bức tường chỉ là vách ngăn.

Quầy bếp ở hai bên giúp người nấu dễ thao tác vì có thể sắp xếp tủ lạnh, chậu rửa và bếp theo hình tam giác. Gia chủ cũng sẽ có nhiều chỗ để đồ hơn.

Nhược điểm của bếp kiểu hành lang là lối đi hẹp, không phù hợp cho nhiều người nấu cùng lúc. Việc dùng bếp làm lối đi giữa các phòng cũng có thể gây bất tiện.

Bếp chữ L

Bếp chữ L là kiểu bố trí bếp thông dụng nhất, sử dụng hai bức tường liền kề nhau.

Thiết kế bếp theo hình chữ L, người nấu sẽ tiện di chuyển và thao tác. Nếu muốn, gia chủ cũng có thể bổ sung thêm đảo bếp hoặc bàn, ghế.

Lưu ý, với kiểu bếp, tủ lạnh, bồn rửa và bếp nấu có thể nằm hơi xa nhau khiến người nấu phải đi lại nhiều. Phần tủ bếp ở góc chữ L cũng có thể khó sử dụng, đôi khi bị bỏ trống.

Bếp chữ U

Bếp chữ U sử dụng ba bức tường, giúp khu vực nấu nướng tách biệt với những phần còn lại của căn nhà.

Ưu điểm của bếp chữ U là diện tích lưu trữ lớn và cho phép nhiều người nấu cùng lúc. Nhược điểm của nó là khó bố trí thêm đảo bếp và có thể tạo cảm giác chật chội, đặc biệt với nhà nhỏ.

Bếp có đảo bếp

Một lựa chọn rất phổ biến hiện nay là bếp có đảo bếp. Phần đảo này có thể dùng làm chỗ chuẩn bị, nấu đồ ăn hoặc quầy bar.

Phần đảo bếp cho người nấu nhiều không gian hơn và dễ kết nối với các thành viên khác trong lúc chế biến. Nhược điểm lớn nhất của cách thiết kế này là tốn diện tích.

Thu Nguyệt (Theo The Spruce, Grundig, Forbes)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM