Xu hướng làm việc trực tuyến trong mùa dịch

Để thực hiện ‘mục tiêu kép’ vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh hàng loạt giải pháp về y tế thì làm việc trực tuyến (làm việc tại nhà) được xem là xu hướng lựa chọn của nhiều doanh nghiệp và người lao động hiện nay.

Công ty CP Công nghệ Ligosoft nghiên cứu cung cấp toàn diện các giải pháp chuyển đổi số phục vụ cho doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Thay đổi để thích nghi

Anh Lương Thanh Toàn ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề kiến trúc sư. Công việc trước đây của anh thường là lên công ty ở TP Thanh Hóa để thực hiện ý tưởng, bản vẽ theo yêu cầu của khách hàng, xuống công trình kiểm tra việc thi công. Tuy nhiên, kể từ lần thứ 4 bùng phát dịch COVID-19, ngoài thời gian xuống công trình thì anh Toàn chủ yếu làm việc tại nhà. Anh Toàn cho biết: “Công việc thiết kế giờ đây chủ yếu làm trên máy vi tính với các phần mềm tương hỗ. Vì thế, không đến công ty nhưng tôi vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao. Làm việc tại nhà thoải mái, linh động về thời gian, song yêu cầu mỗi người phải tự nâng cao tinh thần kỷ luật với chính mình, nếu không rất dễ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.

Dù đang nghỉ thai sản tháng thứ 3, chị Lê Thị Hương ở đường Lê Thần Tông (TP Thanh Hóa) – nhân viên kế toán của một công ty trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn có thể vừa ở nhà chăm con, vừa đảm nhiệm công việc của mình nhờ hình thức online. Chị Hương cho biết, công việc của mình chủ yếu thực hiện trên máy vi tính, nên dù không đến công ty tôi vẫn có thể đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao. “Do đặc thù công việc nên trước khi nghỉ thai sản, tôi đã đề nghị với lãnh đạo công ty được tiếp tục công việc của mình ngay tại nhà. Điều này vừa không ảnh hưởng đến công ty (không phải tìm người thay thế), bản thân vẫn duy trì được trạng thái công việc, tránh hụt hẫng sau khi đi làm trở lại và đặc biệt là không còn sợ cảm giác nhàm chán thường thấy ở những mẹ bỉm sữa khi ở nhà chăm con, lại có thể đồng thời tăng thu nhập cho gia đình”, chị Hương chia sẻ.

Tương tự, gần hai năm nay, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, Kế toán trưởng của Công ty CP Đầu tư phát triển y tế An Sinh phần lớn không cần phải đến công ty làm việc. Và từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, toàn bộ công việc chủ yếu được chị thực hiện ngay tại nhà. Chị Nguyệt chia sẻ: “Từ năm 2018, công ty đã áp dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp của Công ty CP Công nghệ Ligosoft. Với giao diện dễ nhìn, thân thiện, ngôn ngữ bằng tiếng Việt nên dễ sử dụng với tất cả những người biết sử dụng máy tính. Một doanh nghiệp thường sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như nhân sự, kế toán, thương mại, quản trị, kinh doanh… song tất cả đều được giải quyết trên phần mềm hiện đại. Ngay cả chứng từ, trình ký, chữ ký , thông tin kinh doanh đều được giải quyết trên máy vi tính, không dùng đến giấy tờ. Ngoài một số bộ phận như giao hàng, kỹ thuật thì khoảng 90% nhân viên Công ty CP Đầu tư phát triển y tế An Sinh có thể làm việc mà không cần phải đến trụ sở”.

Tùy vào đặc thù của mỗi nhóm ngành, không phải tất cả người lao động đều có thể làm việc từ xa – làm việc tại nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì làm việc từ xa đang là xu hướng của những ngành, nghề như: lập trình viên, nhân viên thiết kế, dịch giả, người lập kế hoạch về tổ chức sự kiện, nhân viên nhập dữ liệu, giáo viên dạy online…

Dựa vào sự phát triển của công nghệ hiện đại, làm việc từ xa – làm việc tại nhà hạn chế tối đa việc tập trung đông người, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; giúp người lao động tiết kiệm thời gian đi lại, chủ động trong công việc, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về văn phòng, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Nắm bắt xu hướng của một doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số

Để có thể làm việc trực tuyến tại nhà, yêu cầu đầu tiên và quan trọng là việc ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số tại các cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đánh giá vẫn còn chưa toàn diện.

Bắt đầu việc nghiên cứu từ năm 2012, đến nay Công ty CP Công nghệ Ligosoft (296 Hải Thượng Lãn Ông, TP Thanh Hóa) đã xây dựng “Hệ sinh thái ứng dụng số hóa doanh nghiệp 4.0 dựa trên những công nghệ mới và tinh hoa quản trị hiện đại” bao gồm đầy đủ các nghiệp vụ cốt lõi theo chuẩn kế toán quản trị và nhiều tiện ích, đầy đủ công cụ quản trị tổng thể nguồn lực cho doanh nghiệp. Các sản phẩm của Ligosoft giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên từ khi phỏng vấn đến khi nghỉ việc (quản lý tuyển dụng, quản lý đào tạo, quá trình làm việc, nghỉ việc); giải quyết bài toán về chấm công (chấm công, check-in văn phòng bằng FACEID AL và wife, chấm công check-in hiện trường bằng FACEID AL và GPS, máy chấm công vân tay với công nghệ IOT và CLOUD); tính lương tự động, giải phóng nhân sự, tăng độ tin cậy; số hóa, quản lý tài liệu trực tuyến.

Chị Lê Thị Ánh Nguyệt, kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư phát triển y tế An Sinh làm việc tại nhà.

Ông Nguyễn Tăng Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Ligosoft cho biết: “Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu, năm 2019, Ligosoft đã xây dựng lại toàn bộ nền tảng công nghệ với các Famework, kiến trúc mới, ứng dụng AL (trí tuệ nhân tạo), IOT và CLOUD, mục tiêu cung cấp toàn diện các giải pháp chuyển đổi số phục vụ cho doanh nghiệp trong thời đại 4.0, sản phẩm được đánh giá rất tích cực. Tại Thanh Hóa, một số đơn vị đã sử dụng sản phẩm của Ligosoft như chuỗi Cửa hàng mẹ và bé Jim Tồ, Công ty CP Tramexco, Công ty CP Đầu tư phát triển y tế An Sinh… Hiện tại Ligosoft đang đàm phán với một số đối tác, nhằm cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi, dù ở nhà hay công ty, miễn là có máy tính và kết nối mạng bởi sản phẩm của Ligosoft chạy trên nền tảng internet. Ngoài thị trường Thanh Hóa, sản phẩm của Ligosoft được cung cấp nhiều cho các đối tác là doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”…

Cũng theo ông Nguyễn Tăng Hòa, khi dịch bệnh xảy ra mới thấy vai trò của chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, hoặc nếu có, mới chỉ là “số hóa” hoặc chuyển đổi số một phần, chưa toàn diện. Trong điều kiện hiện nay, chuyển đổi số vừa là xu hướng – đòi hỏi đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Thu Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM