Quả hồng đỏ vị thuốc quý trong dân gian
Quả hồng trong đông y còn gọi là thị đinh hay mác pháp. Cây hồng có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc được nhập vào nước ta và trồng chủ yếu ở miền Bắc.
Ở ta thường trồng hai loại: Hồng chín và loại hồng ngâm.
Hồng chín là quả chín trên cây có thể hái ăn được.
Hồng ngâm khi chín phải ngâm dưới nước khử bớt chất chát mới ăn.
Hồng chủ yếu trồng lấy trái ăn, làm mứt. Ngoài ra, các bộ phận khác như vỏ, rễ thân có thể sử dụng làm thuốc.
Trong quả hồng chín có lượng đường rất cao từ 14 – 20%. Thành phần gồm các loại như glucose, sarcharose, fructose và caroten, lycopen. Ngoài ra, còn có các muối Fe, Ca, P, vitamin A, B, C và nhiều chất tannin… Đây đều là các dưỡng chất rất có lợi cho cơ thể.
Hồng đỏ
Theo Y học cổ truyền, quả hồng có vị ngọt chát, tính bình. Tác dụng bổ tỳ thận, nhuận phế, tiêu đờm. Chữa trị tiêu chảy, trĩ, đái dầm, miệng khô khát, ho đờm, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa…
Theo sách Tuệ Tĩnh “Thị sương (quả hồng khô) mứt hồng, vị ngọt tính bình. Tác dụng nhuận phổi, mát tim, hòa dạ dày, tiêu đàm giáng hỏa, hòa huyết”.
Tai hồng (Thị đế) vị đắng chát, tính ôn. Tác dụng ôn trung hạ khí. Chữa nấc cụt, tiêu chảy, đau bụng…
Vỏ rễ, vỏ thân tác dụng cầm máu.
Ngoài ra, quả hồng có chất shibuol, là hỗn hợp của acid gallic và phloroglaciol. Tác dụng hỗ trợ làm hạ huyết áp.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây hồng
Cây hồng có nhiều công dụng chữa bệnh.
Chữa đau cổ họng, ho, họng khô ngứa: Quả hồng chín đun nhỏ lửa, ép nước chảy ra cho vào khuôn phơi cho se. Dùng dao cắt thành miếng, phơi khô, ăn ngày vài lần.
Chữa trẻ em đái dầm: Lấy 7-9 tai hồng (thị đế) phơi khô. Sắc uống.
Chữa nấc cụt, bụng đầy: Tai hồng 8g, đinh hương 8g. Hai thứ tán bột, pha nước sôi hoặc sắc uống.
Chữa tăng huyết áp, dự phòng trúng phong (tai biến mạch máu não): Quả hồng gần chín ép lấy nước (thị tất) rồi phơi hoặc sấy khô. Hoặc nước ép quả hồng hòa với nước cơm, uống ngày 3 lần, mỗi lần nửa chén.
Ngoài ra, quả hồng chín không những có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe mà còn giúp bạn gái
trị mụn, dưỡng da
cực hiệu quả.
Giúp da hồng hào từ bên trong. Chất đồng dồi dào trong trái hồng sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất sắt một cách tốt nhất để tạo nên nhiều tế bào máu đỏ. Từ đó phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu máu rất tốt, giúp da dẻ sẽ hồng hào và khỏe mạnh hơn.
Trái hồng cũng chứa một lượng đáng kể vitamin A, có tác dụng cải thiện thị lực. Bạn có thể đưa trái hồng vào thực đơn ăn uống mỗi ngày để giúp “cửa sổ tâm hồn” của mình luôn khỏe đẹp.
Vì chứa nhiều Vitamin C, A, chất sắt giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu, cải thiện sức khỏe làn da và tóc.
Giảm cân. Một quả hồng cỡ trung bình 168g chỉ cung cấp khoảng 31 calo và lượng chất béo cực thấp nên sẽ là món ăn vặt lý tưởng dành cho những bạn gái đang có kế hoạch giảm cân.
(Ảnh minh họa)
Mặt nạ dưỡng da. Chọn quả hồng đã chín mềm, có màu đỏ tươi, không còn vị chát. Bỏ vỏ, bỏ hạt, dùng thìa nghiền nhuyễn rồi trộn với mật ong, lòng đỏ trứng. Rửa mặt bằng nước ấm cho lỗ chân lông nở ra, sau đó thoa đều hỗn hợp lên trong vòng 20 phút. Rửa lại thật sạch với nước ấm.
Chống lão hóa. Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy, vỏ của trái hồng có chứa chất phytochemical có thể bảo vệ tế bào chống lại các tổn thương do quá trình ôxy hóa có liên quan đến lão hóa gây ra. Hãy ăn hồng thường xuyên để giúp duy trì vẻ tươi trẻ của bạn.
Nhanh lành sẹo mụn. Quả hồng chứa dồi dào chất catechins và polyphenolic, những hợp chất chống ôxy hóa mạnh có tác dụng kháng viêm và chống nhiễm trùng rất tốt. Nếu bạn muốn các vết thương trên da mau lành lặn thì nên ăn hồng thường xuyên để cải thiện vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Lưu ý khi ăn hồng
Khi ăn hồng không nên ăn cùng những thực phẩm quá nhiều chất đạm khiến tiêu hóa chậm hơn, dễ tạo đông vón thực phẩm.
Quả hồng có tannin (chất chát), làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.
Chỉ nên ăn hồng vào lúc no và nên ăn quả chín, không ăn quả xanh.
Không ăn quả hồng khi uống rượu: bởi hồng tính hàn, còn rượu vị cay hơi đắng, tính nóng có độc. Các loại rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết đường ruột, tanin trong quả hồng đi vào dạ dày sẽ tạo thành một chất sền sệt, dính nhầy, dễ kết hợp với cellulose tạo thành cục máu đông, vừa khó tiêu hóa vừa không thải ra ngoài, lâu dần sẽ gây tắc ruột.
Không nên ăn quả hồng lúc đói
Do quả hồng chứa khá nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói chúng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, sẽ lưu lại trong dạ dày và hình thành sỏi trong đó.
Nếu sỏi này không được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên, sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa, thậm chí nôn ra máu…
Không ăn vỏ hồng
Phần lớn tanin trong quả hồng đều tập trung ở phần vỏ, khi khử vị chát của hồng, không thể khử sạch toàn bộ tanin trong đó. Vì vậy, bạn không nên ăn vỏ hồng. Nếu ăn cả vỏ dễ hình thành sỏi trong dạ dày.
Không ăn hồng cùng lúc với món ăn có cua
Trong Đông y, cua và hồng đều thuộc thực phẩm tính hàn, vì thế không thể ăn cùng nhau. Còn theo góc độ y học hiện đại, cua, cá, tôm giàu protein dưới tác dụng của tanin có trong hồng rất dễ dẫn đến kết tủa, hình thành các sỏi trong dạ dày./.
Sưu tầm