Nêm gia vị cho trẻ ăn dặm cần tuân thủ đúng nguyên tắc và liều lượng.

1. Nêm muối ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ?

Trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi, vị giác của trẻ chưa hoặc ít phân biệt được các vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng và thận của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Việc nêm muối quá mức không chỉ gây rối loạn vị giác, giảm khả năng hấp thụ kẽm, gây biếng ăn, mà còn tạo gánh nặng cho thận, tăng nguy cơ trẻ mắc phải một số bệnh như tăng huyết áp, suy thận, rối loạn nhịp tim, thậm chí gây tổn thương não bộ.

Nếu thêm quá nhiều dầu vào thức ăn sẽ làm giảm khả năng nhận biết cấu trúc thực phẩm khiến trẻ chán ăn. Quá nhiều dầu cũng làm cản hấp thu một số chất dinh dưỡng, gây đầy bụng hoặc thừa cân, béo phì.

Do đó, việc nêm gia vị cho trẻ cần tuân theo nguyên tắc về loại và liều lượng của từng loại gia vị để bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nêm gia vị đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho trẻ - Ảnh 2.

Nêm gia vị cho trẻ ăn dặm cần tuân thủ đúng nguyên tắc và liều lượng.

2. Thức ăn dặm cho trẻ có cần thêm muối?

Trong tất cả các giai đoạn phát triển trẻ đều cần bổ sung muối đúng cách và phù hợp từng giai đoạn. Vì Natri và Clo là thành phần chủ yếu có trong muối có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể. Ảnh hưởng đến sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.

Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn mà lượng muối cung cấp là khác nhau. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt ngày 16/6/2016, theo đó, nhu cầu về natri/muối cho trẻ nhỏ được khuyến nghị như sau:

Nhóm tuổi

Natri (mg/ngày)

Muối (g/ngày)

0 – 5 tháng

100

0,3

6 – 11 tháng

600

1,5

1 – 2 tuổi

< 900

2,3

* Trẻ dưới 1 tuổi

Ở trẻ mới ăn dặm, bé hoàn toàn chưa biết phân biệt mặn nhạt. Khẩu vị hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của người lớn. Các bà mẹ thường có thói quen nếm thức ăn và cho rằng phải vừa miệng thì trẻ ăn mới ngon. Tuy nhiên, việc thêm muối vào đồ ăn của trẻ dưới 1 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ với thận của bé, do chức năng thận của trẻ ở độ tuổi này rất non nớt.

Việc nêm nếm quá nhiều muối có thể tạo thói quen ăn nhiều muối cho trẻ khi lớn lên, ảnh hưởng đến chức năng thận và gây nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai. Ngoài ra một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ ăn nhiều muối ở thời gian này có thể dễ làm tổn thương não bộ.

Chính vì thế khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi, các mẹ không nên cho muối, bởi thực tế trong một số thực phẩm hằng ngày như sữa, trứng, thịt, rau tươi… đều đã cung cấp đủ natri cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi.

* Trẻ 1-2 tuổi

Với trẻ ở lứa tuổi này, muối cần được tiêu thụ hàng ngày nhưng chỉ cần một lượng rất ít. Nếu tính cả lượng muối có trong nước mắm, nước chấm các loại, bột canh, hạt nêm và thực phẩm thì cơ thể trẻ 1-2 tuổi chỉ cần 2,3g/ngày.

Trong chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ 1-2 tuổi có thể sử dụng những gia vị mặn chứa natri nhưng với số lượng hợp lý (1,5g muối/ngày) vì một phần nhu cầu natri của trẻ đã được cung cấp từ các thực phẩm tự nhiên (10%) và thực phẩm chế biến sẵn (20%).

* Trẻ từ 3 tuổi trở lên

Có thể ăn cùng gia đình, tuy nhiên các món ăn vẫn phải nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Việc này để tránh tình trạng hình thành thói quen ăn mặn ở trẻ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

3. Không bỏ qua dầu ăn

Dầu ăn cũng thuộc nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ. Giúp cho quá trình hấp thụ một số vitamin quan trọng đối với cơ thể được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.

Nêm gia vị đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho trẻ - Ảnh 4.

Dầu ăn giúp cung cấp năng lượng cho trẻ.

Khi trẻ ăn thiếu chất béo có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến phát triển của trẻ như chậm lớn hoặc chậm tăng cân do thiếu năng lượng trong khẩu phần. Hơn nữa chế độ ăn thiếu dầu có thể khiến cho trẻ không hấp thụ hết được các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin D. vitamin K, vitamin E… có thể dẫn đến còi xương, chậm lớn thậm chí có thể gây nên tình trạng suy giảm miễn dịch…

Bổ sung dầu ăn cho bé ăn dặm bằng cách:

– Bổ sung trực tiếp vào bát cháo hoặc bát bột của trẻ. Có thể thực hiện không quá 4 ngày/tuần và không quá 2 bữa/ngày. Lượng dầu sử dụng mỗi ngày không quá 4 muỗng cà phê có dung tích 2.5ml.

– Với trẻ trên 3 tuổi, không nên dùng dầu ăn nấu nướng như chiên xào hoặc bỏ trên canh khi vừa tắt bếp để trẻ không cảm thấy ngán khi sử dụng các món ăn chiên xào hay canh. Món ăn này cũng giúp trẻ hấp thu chất béo tự nhiên từ thực phẩm. Lượng dầu ăn sử dụng mỗi ngày cũng không quá 4 muỗng cà phê.

4. Có cho trẻ ăn hạt nêm?

Có nhiều mẹ thường cho hạt nêm vào thức ăn cho trẻ ăn dặm vì cho rằng sẽ giúp món ăn của bé tăng độ thơm ngon, hấp dẫn và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ thịt, cá, rau củ cho bé. Tuy nhiên việc sử dụng hạt nêm cho bé, nếu có, cần lưu ý:

– Chỉ nên bắt đầu cho thêm hạt nêm trong thực đơn ăn dặm cho bé từ 2 tuổi trở lên với liều lượng phù hợp. Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng và với trẻ 1-2 tuổi, nếu dùng phải dùng loại hạt nêm được chế biến 100% từ các loại thực phẩm tự nhiên mà trẻ có thể ăn được.

– Không nên sử dụng các loại hạt nêm thông thường mà nên sử dụng các hạt nêm từ rau củ hoặc hạt nêm từ thịt gà, thịt heo dành riêng cho bé.

Vị giác của trẻ nhỏ dưới 3 tuổi nhạy cảm hơn người trưởng thành gấp nhiều lần do trẻ có khoảng 10.000 chồi vị giác, trong khi con số này ở người lớn chỉ là khoảng 5.000. Vì vậy, cha mẹ không nên lấy vị giác của người lớn làm tiêu chuẩn để quy đổi khẩu vị của trẻ.

5. Không nên nêm bột ngọt (mì chính)

Nhiều cha mẹ thường có thói quen thêm bột ngọt chế biến sẵn để giúp món ăn thêm ngon, ngọt, hấp dẫn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thêm loại gia vị này trong thực đơn ăn dặm của trẻ dưới 2 – 3 tuổi.

Nêm thêm quá nhiều bột ngọt hoặc các gia vị khác trong thức ăn có thể tạo thành thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ, gây rối loạn vị giác và gián tiếp làm trẻ bị biếng ăn, chán ăn. Do chất glutamate có trong bột ngọt có thể gây ức chế thần kinh, đau đầu, co giật… Việc lạm dụng bột ngọt cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ loãng xương sớm ở trẻ.

6. Một số lưu ý khi sử dụng gia vị cho bé ăn dặm

– Tránh thêm các chất tạo màu, tạo mùi nhân tạo trong thực đơn của trẻ.

– Trước khi cho trẻ ăn, cha mẹ vẫn nên nếm thử trước để bảo đảm món ăn không quá nhạt hoặc quá mặn.

– Khi nêm thêm gia vị cho bé, cha mẹ cần sử dụng chính xác liều lượng, đặc biệt không được dùng quá nhiều.

– Có thể thêm một lượng nhỏ phô mai vào khẩu phần vì trong phô mai có chứa một lượng muối nhất định. Ngoài muối, phô mai còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin A, vitamin D, kẽm, canxi…

– Nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm loại gia vị mới trong món ăn của trẻ, đặc biệt là các loại gia vị dễ gây dị ứng như hạt tiêu, ớt…

– Không nên ngay lập tức nêm gia vị cho bé theo liều lượng chuẩn từ ngay các bữa ăn đầu tiên. Trong các bữa đầu, chỉ cần cho một lượng ít gia vị sau đó tăng dần để bé tập làm quen với mùi vị mới.

Khi thử cho bé nếm thử loại gia vị mới, nên theo dõi biểu hiện của bé trong khoảng 4 – 5 ngày để quan sát phản ứng của bé đối với việc thay đổi thức ăn như thế nào.

– Chỉ nên cho trẻ sử dụng tối đa hai loại gia vị trong một món ăn.

Ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của trẻ nên cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Giai đoạn này cần bổ sung nguồn dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu cho trẻ. Nếu trẻ có những dấu hiệu biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lên cân,…, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.

Mai Anh/TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM