Âm nhạc hướng về tâm dịch
Những ngày này thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở khắp mọi nơi người dân đang hướng về tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang bằng những phần quà bằng tiền và hiện vật.
Với những nhạc sĩ, ca sĩ, những người con của quê hương Kinh Bắc đang hoạt động nghệ thuật ở trong và ngoài tỉnh thì họ còn hướng về tâm dịch bằng những tác phẩm âm nhạc cổ vũ động viên tinh thần những lực lượng trên tuyến đầu với niềm tin tưởng, lạc quan vào ngày chiến thắng COVID-19.
Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay là một phần lớn của mảnh đất Kinh Bắc xưa kia, từ lâu đã được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đặc biệt là dân ca quan họ. Nghĩ về mảnh đất quan họ, ai trong chúng ta cũng có thể tìm ra một lý do để yêu, để nhớ, để chờ, để mong, thế nhưng đau đớn thay trong những ngày này tại mảnh đất đầy thương mến ấy lại là tâm dịch của “kẻ thù vô hình” mang tên COVID-19.
Những ngôi làng và những con phố vắng bóng người; nhiều trường học, doanh trại và một số công trình khác được trưng dụng làm nơi ở cho những người cách ly tập trung, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tất cả bao trùm lên đó là không khí ảm đạm, lo lắng. Và ở đó từng ngày, từng giờ đang có những lực lượng không ngại hiểm nguy, gian khổ trong cuộc chiến giành lại sự bình yên cho nhân dân. Bởi thế hơn lúc nào hết những tác phẩm âm nhạc ra đời sẽ cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu và niềm tin vào chiến thắng đại dịch trên quê hương miền quan họ.
Nhắc đến những ca khúc cổ vũ tinh thần chống dịch COVID-19 thời gian gần đây đầu tiên phải kể đến MV “Về Kinh Bắc quê anh” của nhạc sĩ quê Bắc Ninh – Đỗ Phương (Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam). Với giai điệu mang âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc bộ, trong đó đặc biệt là dân ca quan họ, ca khúc đã cuốn hút người nghe ngay từ những lời ca mềm mại, uyển chuyển đầu tiên: “Em có về vùng quê câu hát/ Như dòng sông uốn quanh làng quan họ/ Chỉ qua dòng Đuống xanh man mát/ Là cả trời quê hương thân thương…”.
Sự độc đáo, thú vị của ca khúc này là đã nói được hầu hết các địa danh, những nét văn hóa mang đặc trưng của Bắc Ninh, như: Đền Đô, Văn Miếu, Chùa Cô Tấm, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Hội Lim… nhưng giai điệu lại không bị khô cứng, trái lại rất ngọt ngào, tình cảm. Mặc dù cổ vũ tinh thần chống dịch nhưng trong bài hát lại không có một từ nào nhắc đến đại dịch mà vẫn khiến người nghe cảm thấy tin tưởng, hy vọng và tự hào với truyền thống văn hóa cách mạng hào hùng, địa linh nhân kiệt ngàn năm vùng đất này.
Trong các lực lượng tham gia chống dịch ở tuyến đầu phải kể đến đội ngũ y, bác sĩ lao vào cuộc chiến đầy cam go, hiểm nguy, đó là những hình ảnh đẹp, có sức lay động với nhiều người. Họ được ví những người “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến giành lại sự bình yên cho nhân dân. Tình cảm ở hậu phương dành cho đội ngũ y, bác sĩ là chủ đề được các nhạc sĩ khai thác nhiều nhất, trong đó có nhạc sĩ Kiên Ninh.
MV “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay” (thơ Vũ Văn Ngọc) của anh được “thổi bùng lên” đầy cảm xúc bởi giọng ca cổ điển basso profundo của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Từ “tiếng lòng” của người chồng bác sĩ với người vợ cụ thể, ca khúc đã như “tiếng lòng” của những người “chiến sĩ áo trắng” gửi gắm những người thân yêu nơi quê nhà rằng, hãy vững lòng tin, rồi mai chiến thắng đại dịch, khi đất nước thanh bình anh sẽ về.
Cũng chung niềm cảm phục, sự biết ơn dành cho đội ngũ này, Quán quân Sao Mai 2019 ở dòng nhạc thính phòng Lương Hải Yến, người con của quê hương Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thể hiện ca khúc “Tự hào áo Blouse”, sáng tác của tác giả “Dr Bằng” là bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch tại thành phố Bắc Giang.
Tác giả của ca khúc này đã động viên các đồng nghiệp đang căng mình ở tâm dịch rằng, dù có gian lao, vất vả, hiểm nguy nhưng vì sứ mệnh vinh quang, cao cả và thiêng liêng với tinh thần “Tổ quốc cần em đâu ngại gian khó” và “Giữ trọn lòng mình sáng trong như màu áo” .
Tác giả đã khơi gợi tinh thần, ý chí và niềm tự hào khi nhắc về truyền thống hào hùng của ngành y với những thế hệ “xếp bút nghiên lên đường ra trận” mà tấm gương cụ thể là liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm: “Bao thế hệ cha anh mình đi trước/ Cũng mặc trên mình những chiếc áo Bluose/ Những anh hùng đã quên mình nằm xuống/ Đem lại cho đời mãi mãi tuổi 20”.
Với nỗi lòng của một người con vùng tâm dịch, ca sĩ Lương Hải Yến đã thành công trong việc truyền tải những nốt nhạc trên giấy thành lời ca ngọt ngào, sâu lắng như một lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất tới những người thầm lặng hy sinh vì sự an toàn và sức khỏe của nhân dân.
Ngoài ra, chúng ta cũng bắt gặp những dòng cảm xúc về đội ngũ y, bác sĩ qua các ca khúc đáng chú ý như “Đại dịch này cần lắm áo trắng ơi” của nhạc sĩ Kim Oanh (hội viên Chi hội âm nhạc tỉnh Bắc Ninh) hay “Lời ru nơi tuyến đầu” của Trung tá, nhạc sĩ Huyền Ngọc (Nhà văn hóa, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng).
Nếu như nhạc sĩ Kim Oanh “mượn” cảm xúc từ thơ của Tuệ Lâm thì nhạc sĩ Huyền Ngọc lại “mượn” cảm xúc từ chính bức ảnh gây cảm động trong những ngày vừa qua, đó là hình ảnh bé gái mới 20 tháng tuổi bật khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ – điều dưỡng Phùng Thị Hạnh (Bệnh viện Quân y 103) đang làm nhiệm vụ ở tâm dịch xuất hiện trên ti vi. Mỗi ca khúc có cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung ở đó là sự ca ngợi đức hy sinh của những lương y gác niềm vui riêng, tạm xa người thân để lên đường vào vùng dịch với niềm phơi phới, lạc quan.
Ở trong tâm dịch nhạc sĩ Nguyễn Trung (Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc Bắc Ninh) lại có một cách nhìn khá độc đáo khi ca ngợi đội ngũ những người làm báo lao vào tâm dịch với tâm thế: “Nhà báo có lệnh là đi/ Như người chiến sĩ sá gì hiểm nguy”.
Là người từng có thời gian công tác ở Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh, ông hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả, hiểm nguy của những nhà báo trong thời điểm đưa tin về dịch COVID-19 hiện nay và thông qua âm nhạc ông muốn tri ân, động viên đồng nghiệp tiếp tục sứ mệnh cao đẹp ấy. Rõ ràng việc truyền tải thông tin đến người dân về tình hình dịch bệnh lúc này là rất quan trọng và để có thông tin cung cấp đến công chúng nhà báo đã sẵn sàng vào vùng dịch, dù có thể mình sẽ là F0.
Nhắc đến những lực lượng tham gia chống dịch ở tuyến đầu không thể không nhắc đến những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đường mòn lối mở trên dải biên cương cũng như kiểm soát dịch bệnh ở những vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Gần đây, Đại úy Vũ Văn Quốc (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1), người con của quê hương Lạng Giang (Bắc Giang) cũng dâng trào nỗi niềm cảm xúc để viết nên ca khúc “Có một nghề” gây được chú ý.
Đời sống âm nhạc hướng về tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua rất đa dạng nhưng có một bài hát lại có một chủ đề riêng, khá độc đáo, đó là “Người quan họ nào quên” của Tiến sĩ Lê Thống Nhất. Ca khúc tri ân những tấm lòng vì miền quan họ với giai điệu tình cảm, tha thiết, đặc biệt với những cụm từ được lặp lại nhiều lần, như “Người về”, “Người ơi” khiến chúng ta liên tưởng đến bài ca dân ca quan họ từ lâu đã nằm lòng trong lòng người nghe.
Có thể nói cùng với những chuyến hàng cứu trợ thì âm nhạc chính là “món quà tinh thần” đầy ý nghĩa cần được tiếp tục lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng, bởi đó chính là phương tiện hữu hiệu để kết nối tấm lòng với tấm lòng.