Sôi động thị trường laptop trong mùa dịch
Nhu cầu mua sắm máy tính xách tay (laptop) để phục vụ học tập, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến thị trường máy tính xách tay rất sôi động, giá cả tăng hơn so với thời gian trước.
Khan hàng, giá cả tăng nhẹ
Thực tế, nhu cầu cao thời gian qua đã khiến thị trường laptop liên tục tăng nhiệt. Khảo sát một số hệ thống cửa hàng máy tính trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các sản phẩm laptop như HP, Dell, Asus… đều đã có xu hướng tăng giá từ vài trăm cho đến hơn một triệu đồng/sản phẩm.
Anh Nguyễn Hùng Dũng, chủ một cửa hàng laptop trên đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) cho biết, thời điểm này, có khá nhiều phụ huynh tìm mua laptop cho con khiến giá laptop tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với vài tháng trước. Đây là điểm khác biệt so với vài năm trước đây bởi theo quy luật, laptop sẽ có xu hướng giảm giá dần theo thời gian, đặc biệt khi có các model mới ra đời. Đặc biệt, các dòng sản phẩm giá bình dân, từ 8 đến 15 triệu đồng luôn trong tình trạng “cháy” hàng nên giá cả có nhích lên so với thời điểm trước đây.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cũng là nguyên nhân khiến giá cả laptop tăng cao. Đại diện nhiều cửa hàng laptop cho biết, việc thiếu hụt linh kiện do dịch Covid-19 ở nước ngoài chưa ổn định khiến nguồn cung linh kiện để sản xuất không phục vụ đủ nhu cầu, khiến chi phí đầu vào bị đội lên, sản phẩm máy tính xuất xưởng vừa khan hiếm vừa tăng giá. Trên thế giới, do thiếu chip mà cả nền công nghiệp sản xuất thiết bị cầm tay đến máy tính đều bị ảnh hưởng. Apple đã phải tạm hoãn dây chuyền sản xuất MacBook và iPad do cuộc khủng hoảng này. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường dự báo, sự thiếu hụt về chip sẽ tiếp tục góp phần ảnh hưởng sự tăng giá của các linh kiện máy tính.
Do đó, theo thống kê của chuỗi phân phối Thế Giới Di Động, hiện tại, tất cả các phân khúc laptop trong khung giá 8 triệu – 50 triệu đồng của các thương hiệu đều thiếu hàng, không đáp ứng được nhu cầu quá cao của thị trường. Một số hãng đã điều chỉnh giá mới cho các sản phẩm sử dụng chip Intel Core i thế hệ thứ 11 với mức tăng 5-10% từ quý 2-2021.
Cùng với Thế Giới Di Động, các kênh bán lẻ khác như An Phát, HC, FPT Shop… đều xác nhận nhiều mẫu laptop đang bị khan hàng, máy về nhỏ giọt. Đặc biệt, laptop ở phân khúc giá trung bình từ 8-15 triệu đều trong tình trạng thiếu hàng.
Hiện, phân khúc laptop có nhu cầu lớn nhất vẫn là tầm trung với thiết kế, cấu hình và giá cả hợp lý cho những nhu cầu học tập và làm việc cơ bản. Tuy nhiên, phân khúc giá cận cao cấp và cao cấp (hơn 20 triệu) mới là nhóm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi có sự đóng góp đáng kể từ máy tính gaming và máy tính mỏng nhẹ. Các dòng máy tính có thiết kế đẹp với người dùng phổ thông và máy tính có cấu hình cao mà vẫn mỏng nhẹ với người dùng chơi game đang là xu hướng tiêu dùng giai đoạn nửa sau của năm 2021.
Nhiều ưu đãi cho đơn hàng trực tuyến
Do tâm lý lo ngại dịch bệnh nên nhiều khách hàng hạn chế đến mua trực tiếp tại các điểm bán và lựa chọn mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh số bán online của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tăng mạnh. Theo anh Hoàng Văn Huy, chủ cửa hàng điện máy Huy Anh trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, số đơn hàng online trong những ngày qua tại hệ thống tăng khoảng hơn 20% so với thời gian trước. Một trong những lý do là các các cửa hàng điện máy liên tục tung ra các gói ưu đãi mua hàng online.
Đơn cử, HC đang tung ra gói khuyến mãi “hè sale rực lửa” cho Laptop, Macbook với mức giảm giá lên đến 3,2 triệu đồng/sản phẩm, giao hàng thần tốc và lãi suất trả góp chỉ 0%. Thế Giới Di Động cũng giảm sâu 7% laptop phục vụ học tập, trả góp 0% hoặc tặng kèm quà tăng (áp dụng tùy sản phẩm)…
“Nhiều cửa hàng kích cầu mua sắm online nhằm đẩy mạnh kinh doanh theo phương thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để mua sắm qua các kênh trực tuyến, người tiêu dùng cần phải lựa chọn các cửa hàng uy tín, đồng thời tìm hiểu kỹ về dịch vụ sau bán hàng để quyền lợi của mình được bảo đảm”, anh Hoàng Văn Huy khuyến cáo.