Truyện ngắn: Trăng tỏa hương

Vân ngồi im lặng trước màn hình máy tính. Cả tòa soạn sáng đèn nhưng ai ở phòng nấy, không có tiếng nói chuyện. Chỉ có tiếng bước chân vội vã. Ngoài phố, yên tĩnh đến khác thường, không một bóng người, không tiếng xe đi, chỉ có tiếng hú dài của xe cứu thương. Lâu lâu có tiếng loa nhắc thông tin chống dịch. 

Vân mở cửa sổ nhìn lên trời. Trăng trong vắt trên cao. Có mùi hoa gì đó thơm nhè nhẹ bay trong không gian. Những hình ảnh ban ngày chậm rãi xếp thành các mảnh ghép nhiều màu trong đầu Vân. Chưa bao giờ Vân có cảm giác như lúc này, hoàn toàn chìm trong sự yên tĩnh trước một cơn giông bão âm thầm nào đó.
Minh họa: ĐINH HƯƠNG
Hai bàn tay Vân vẫn còn héo quắt vì đi găng tay quá lâu. Người có cảm giác như bắt đầu sốt. Khi nãy, không nhanh cởi bộ quần áo bảo hộ ấy ra có khéo Vân sẽ ngất xỉu. Chiếc máy ảnh bỗng nặng trĩu bên vai. Vân đã phải dựa vào tường nghỉ một lúc rất lâu mới có thể ra về. Những bóng áo trắng bác sĩ nhòe dần đi. Vân nhịn đói, về cơ quan đã gần 10 giờ đêm. Ăn vội cốc mì để bắt đầu viết phóng sự để kịp ngày mai chuyển bài. Điện thoại rung. Gương mặt con gái hiện ra trên màn hình.
– Con chào mẹ, mẹ ơi, bao giờ mẹ về?
– Ừ, con gái à, vài hôm nữa mẹ về.
– Mẹ đi đánh giặc à?
– Ừ, ai bảo con thế?
– Bố bảo thế, giặc là cái gì hả mẹ?
– Ừ, con ngủ ngoan đi nhé, cho mẹ gặp bố…
Hai vợ chồng nói với nhau chuyện trong ngày một lúc thì Vân giục anh cho con ngủ. Vân còn làm nốt, hai bố con chịu khó trông nhau vậy, gần tháng nữa mẹ sẽ về. Anh chồng làm dấu hôn vợ rồi cho con đi ngủ, con gái ôm búp bê nằm ngoan trên giường. Màn hình tắt. Vân ngồi tư lự. Thấy nhớ con quá đỗi. Đúng là cuộc chiến này như đánh giặc, mà giặc là một kẻ vô hình không ai thấy mặt, loại vi rút vừa hiểm ác vừa lây lan, hủy diệt, làm tan tác bao gia cảnh. Vân và nhiều anh chị em trong tòa soạn tự cách ly gia đình để bảo đảm đưa tin, viết bài những ngày này nước sôi lửa bỏng, tránh lây bệnh (nếu chẳng may mình mắc phải) cho gia đình.
Lúc chiều, đi thực tế trong khu điều trị các bệnh nhân F0, Vân mặc bộ đồ bảo hộ như các bác sĩ hai tiếng đồng hồ mà cảm thấy như chui vào cái nồi hơi nóng rát. Mồ hôi chảy như tắm trong áo. Thật kính phục và biết ơn những chiến sĩ áo trắng. Cậu bé 3 tuổi một mình đang chơi trên giường, mắt ngơ ngác đen láy.
– Chào con, con tên gì?
– Con tên An.
– Con có sợ không?
– Con không.
– Có nhớ mẹ không?
Cậu bé im lặng gật đầu, đôi mắt cụp xuống.
– Cố gắng vài hôm con khỏi bệnh thì về nhé. Con có thích đồ chơi không?
– Con có nhiều lắm – Cậu bé chỉ vào đầu giường, nơi có túi đồ chơi, bánh kẹo mà các nhà hảo tâm gửi tặng.
Cậu bé nói nhưng gương mặt cũng như đôi mắt xa xăm chan chứa nỗi buồn, sự nín nhịn. Chao ôi, con mới có ba tuổi – cái tuổi còn rúc vào lòng mẹ mỗi bữa ăn, giấc ngủ. Đây con phải rời xa gia đình, tách khỏi vòng tay âu yếm của bố mẹ mỗi ngày. Bố mẹ cậu bé cũng mắc bệnh, đi điều trị khu khác. Vậy mà con tự ăn tự ngủ theo cách một chiến binh. Vân thấy nghẹn lại trong lồng ngực. Cũng không thể ôm bé lấy một cái vì phải giữ khoảng cách.
Vân tìm về nhà bác sĩ Oanh, người trực 24/24 trong khu điều trị bệnh nhân nhiều ngày nay. Căn nhà ba gian nép mình dưới giàn mướp trổ hoa vàng rực. Một đống gỗ mới vớt dưới ao lên còn dính bùn xếp ở góc sân. Lá rụng đầy lối đi vào. Bà cụ đang lội dưới mép ao nhặt thứ gì đó.
– Bà ơi, cho cháu hỏi có phải nhà bác sĩ Oanh không ạ?
– Ờ, ai đấy, chờ tôi một tí tẹo.
Bà lão chừng ngoài 70 tuổi ra mở cổng. Cánh cổng kêu ken két.
– Cô hỏi gì đấy, tôi đang nhặt mấy quả trứng, mải làm không để ý thằng cháu nó đổ cả rổ trứng xuống ao, nhọc quá đi mất. May giờ thằng bé ngủ rồi.
Vân giới thiệu mình rồi theo bà lão ra bờ ao. Một đống trứng gà xếp chồng lên nhau, nhiều quả đã vỡ nát.
– Thằng bé lên 5 rồi, nghịch lắm, tí nữa bác nó sang đón về trông hộ, chứ tôi không quản nổi, qua hai bà cháu nhặt trứng cất đi thì nó bê ra ao đổ đi đấy cô ạ. Bố mẹ nó đi chống dịch cả rồi. Hằng ngày bà cháu tôi ăn cơm của các anh chị trong xóm phát cho.
Chồng bác sĩ Oanh là bộ đội, đợt này anh cũng đi chống dịch. Oanh xung phong trực đợt đầu tiên. Con trai ở nhà với bà nội và các bác, ông nội mất đã nhiều năm.
– Bà có vất vả quá không, mỗi hai bà cháu thế này.
– Thì cả nước vất vả chứ mình tôi đâu chị, tôi có các bác nó ngay đây. Chỉ tội thằng bé con lúc lúc lại hỏi mẹ đâu, bao giờ mẹ về. Bố nó thì đi quanh năm ý mà.
– Bà có nhắn gì chị Oanh không?
– Không, chỉ nhắn cứ yên tâm ở đấy mà làm việc, bao giờ hết dịch thì về, bà cháu tôi không đói đâu mà lo. Nhà cũ chưa làm thì sau này làm lo gì, gỗ vớt kia rồi, bao giờ chồng nó nghỉ phép thì về khởi công xây, các bác nó trông thợ cho.
Vân nhặt trứng cho bà lão, biết thêm về một người mẹ tuyệt vời. Trên đất nước này có biết bao bà mẹ như vậy. Bà lão nhất định cho Vân một ôm mướp hương. Bà bảo, nhà quê, chỉ có rau thôi. Vân rời đi mà lòng trào dâng thứ hương thơm dịu ngọt của tình người.
Vân chợt thấy sự dấn thân vào nơi hiểm nguy của bao đồng nghiệp mình cho tin bài lên báo, lên truyền hình đều không uổng phí.
Vân lau nước mắt, bắt đầu gõ vào màn hình máy tính những chữ đầu tiên. Vầng trăng trên kia như tỏa hương, thứ hương thơm tinh khiết, khai mở, thức tỉnh một loài hoa kỳ diệu nào đó trong tâm hồn con người. Hương thơm của ân tình, của yêu thương giữa người với người. Ở tuyến đầu chống dịch kia, các bác sĩ, công an, bộ đội, tình nguyện viên, các đồng nghiệp của Vân… đều là những ánh trăng đẹp đẽ.
Điện thoại kêu liên tục. Các bạn trong nhóm từ thiện cứu trợ công nhân bàn bạc nhau để đưa hàng về tâm dịch, đưa hàng đến các bệnh viện dã chiến. Vân nghe điện của Lâm “tồ” – thằng em họ: “Em nhận đưa đón đoàn bác sĩ chuyên gia trung ương về giúp tỉnh chị ạ, xe em thì yên tâm, bảo đảm. Nhưng em vừa xin được mấy tấn hàng của một doanh nghiệp, toàn mì tôm, nước uống và sữa tươi, chị xem có ai nhận giúp và chuyển đi đâu đó nhé”. Chưa kịp trả lời nó cúp máy luôn. Cái thằng kỳ cục. 
Vân nhớ lại năm ấy, tối mùa hè oi bức. Lâm “tồ” hớt hải chạy lên gọi: “Chị Vân, chị Vân, xuống giúp em”. Chạy xuống nhà cô, mọi người đang xúm xít quanh cái xe ô tô chạy đường dài của nó. Thì ra có ai đã bỏ lại trên xe ô tô của nó một em bé sơ sinh đã mất. Lâm “tồ” bế xuống gọi mẹ và mọi người làm thủ tục chôn cất cho em. Lâm tự tay tắm rửa nước thơm và đặt thi thể em vào hòm gỗ. Cả nhà sắm sửa lễ lạt, đồ cúng, hương hoa đi theo Lâm lên quả đồi xa. Mọi người về hết, mình Lâm ngồi khóc bên đống đất mới. Mỗi dịp lễ tết, Lâm đều lên thắp hương cho em bé xấu số. Nhìn cái dáng to béo, thô kệch của nó không ai nghĩ rằng, Lâm “tồ” giàu lòng nhân ái đến vậy. Những ngày này, Lâm tình nguyện mang xe nhà mình đi phục vụ các bác sĩ.
Những con người Vân gặp, Vân quen biết đã thực sự gieo vào lòng Vân những hạt mầm thiện lành, tốt đẹp. Tưới tắm và chăm bón nó ra sao là do tâm hồn và hành động của Vân mà thôi.
Điện thoại có tin nhắn từ tòa soạn. “Đồng chí bổ sung tin chờ đoàn bác sĩ tỉnh Y… tình nguyện đến tâm dịch lúc 20 giờ tối nay”.
Vân dứt mình khỏi dòng hồi tưởng. Sẽ viết gì cho xứng đáng với sự hy sinh của các bác sĩ đây? Rất nhiều tỉnh, thành, họ âm thầm từng người, từng đoàn người đi vào tâm dịch, để bảo vệ tính mạng nhân dân hơn cả tính mạng của mình. Phía sau họ cũng là mẹ già, con thơ và cả một gia đình bao điều bận rộn.
Vân lau nước mắt, bắt đầu gõ vào màn hình máy tính những chữ đầu tiên. Vầng trăng trên kia như tỏa hương, thứ hương thơm tinh khiết, khai mở, thức tỉnh một loài hoa kỳ diệu nào đó trong tâm hồn con người. Hương thơm của ân tình, của yêu thương giữa người với người. Ở tuyến đầu chống dịch kia, các bác sĩ, công an, bộ đội, tình nguyện viên, các đồng nghiệp của Vân… đều là những ánh trăng đẹp đẽ.
Vân đi ngủ rất muộn. Trong sâu thẳm, luôn khao khát giống bao người trên xứ sở này, rằng, có thể đêm sẽ dài, nhưng ngày mai, nhất định sẽ đón một bình minh tươi mới, mát lành.
Trăng lặng lẽ tỏa hương xuống trần gian.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM