Truyện ngắn: Ở hai đầu nỗi nhớ

Ông Tư gác mái dầm, thả chiếc thuyền trôi nhẹ theo dòng nước. Trong lòng thuyền, vài con cá mắc lưới còn quẫy lẹt đẹt. Ông ngó mông lung ra mặt sông ngầu đỏ, miệng mím lại theo từng hồi cơn đau quặn lên từ dưới bụng. Sáng, mới đau lâm râm, bây giờ từng cơn dội lên, ông bủn rủn tay chân và không thèm gỡ lưới nữa. 

Cũng không phải cơn đau từ sáng nay, mà đâu đó cả tháng rồi song tính ông không muốn rờ tới thuốc men, dao kéo. Đau bụng thì cứ lấy lá cây mà trị, cùng lắm thì hũ rượu thuốc sẵn đó, làm vài ly là cơn đau dịu đi. Chớ nghe đến mùi thuốc tây là ông không ưa. Lại thêm mấy cô y tá, mở miệng vài câu là cứ ưa dạy đời. Nhớ đâu tháng trước, bà Tư nài nỉ đưa ông lên trạm xá; mới bước vào, chưa kịp ngồi ấm chỗ là kêu chạy chỗ này chỗ kia, điền đủ thứ thông tin vào giấy tờ. Đau gì cũng kẹp nhiệt kế, bắt há miệng với nín thở… Mệt, ông cáu. “Bác phải nghe theo bác sĩ thì mới biết bệnh mà chữa chớ!”, cô y tá nhắc.
Minh họa: Đinh Hương
Ra bến chèo một hơi về nhà mà ông chưa vơi cục tức. Tức bà vợ cứ nằn nì ông đi trạm xá, tức cho mấy đứa nhỏ cứ bắt khai lên khai xuống… Rồi ông tức luôn cái thằng con cứ khăng khăng đòi làm bác sĩ. Khi thằng Tâm tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học y, ông cản. Hai má con năn nỉ, ông từ. Ông muốn nó thi vào trường nông nghiệp, mai này làm kỹ sư, như thằng Nam con ông Bảy Chưởng. Tốt nghiệp đại học, kỹ sư Nam về quê cải tạo đầm nuôi tôm theo kiểu khoa học tân thời. Mấy mùa tôm được giá, tiền vào như nước.
“Cái bằng bác sĩ có ăn được không? Người ta bệnh vì đói ăn mà ra, chứ có tiền, ăn uống đàng hoàng, mắc gì bệnh mà phải tới bác sĩ. Mà lỡ có bệnh thì ra vườn hái lá hái trái mà xông, mà uống. Cùng lắm là chết, số trời rồi, ai cãi được!”. Hôm thằng Tâm lững thững khăn gói lên thành phố trọ học, ông bỏ đi uống rượu và lý sự với đám bạn. Ai cũng gật gù, nói như ông Tư chí phải, không có ăn mới bệnh, có ăn với uống lai rai như tụi mình thì bệnh tật nào tới nổi. Khà khà…
Chỉ có ông Tám ngồi cười một mình, trầm giọng: “Thật ra tụi bay biết sao thằng Tư nó không muốn con nó làm bác sĩ không?”. Cả đám chưng hửng, lắc đầu. “Vì nó còn hận cái thằng bồ hồi xưa của con Tư. Hai đứa yêu nhau, ước thề ghê lắm. Nhưng khi thằng kia lên thành phố học thành tài, ra trường làm bác sĩ, nó bỏ luôn con bé. Con bé khóc hết nước mắt, hát cạn câu vọng cổ “Mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ…” rồi mới ưng thằng Tư. Vì thương con Tư nên đến bây giờ nó vẫn còn hận cả những đứa làm bác sĩ, mới không cho thằng Tâm đi học bác sĩ đó”. Cả đám cười ha hả. Ông Tư đứng lên, thò chân khều đôi dép rồi lẳng lặng ra về. “Ờ, bác sĩ gì đâu bạc tình bạc nghĩa vậy không biết? Gọi luôn là bạc sĩ cho rồi!”, ông Tư lẩm bẩm…
Neo thuyền vào gốc tràm trước ngõ, ông Tư ôm bụng nhăn nhó bước vào nhà rồi chắt ly rượu thuốc, ngửa cổ uống một hơi, lên giường nằm. Cơn đau từng lúc thốc lên dữ dội, ông ôm bụng oằn lên, mồ hôi vã ra đầm đìa rồi thiêm thiếp lịm đi. Bà Tư vừa cắp cái rổ đi chợ về, thấy ông ngất lịm, tái xanh cả người, cuống cuồng gọi làng xóm sang giúp. Chỉ có mấy đứa con nhỏ với người già chạy qua, cuống cả lên mà không làm được gì. “Thôi đưa lên trạm xá cho chắc!”, bà Tư nghe nhưng vẫn ậm ừ, vì sợ ông tỉnh dậy rồi kêu la trong trạm xá thì không biết trời thần nào đỡ nổi. Rồi bà sực nhớ, thò tay vào túi lấy cái điện thoại bấm lia lịa cho Tâm. Chuông đổ. Chẳng ai nghe máy. Bà gọi cho con dâu: “Sao má gọi mãi cho thằng Tâm không được hả con? Ba con bệnh nặng rồi, giờ làm sao đây con ơi?”. “Anh Tâm ra Bắc hỗ trợ chống dịch cả tháng nay rồi má ơi! Con sợ ba má lo nên không dám báo. Má thuê xe đưa ba lên bệnh viện huyện, con xin phép nghỉ rồi chạy về luôn đó cho kịp!”, giọng con dâu hoảng hốt, vì cô biết chưa bao giờ cha chồng bệnh nặng như vậy.
Ngay ở phòng cấp cứu, bác sĩ Kiều nhận ra bà Tư: “Ủa, ai vậy bác Tư?”. “Ông nhà tôi chứ còn ai nữa! Chữa xong ông có tỉnh thì cậu lựa lời nói nhẹ nhẹ thôi nhé!”. Bác sĩ Kiều bật cười rồi gọi y tá, bác sĩ khám gấp cho ông Tư. Đọc kết quả tổng hợp, anh thảng thốt. Theo chẩn đoán, ông Tư bị xuất huyết dạ dày quá nặng; mà tuyến của anh thì xem chừng không kham nổi. Anh bấm máy, bên kia đổ chuông. “Anh Phương ơi, cứu em vụ này. Anh có nhớ bố của anh Tâm, Trưởng khoa Nội Bệnh viện thành phố không? Hôm mình về nhà anh Tâm chơi, ổng nói to lắm! Ổng bị xuất huyết dạ dày nặng quá mà em không kham nổi, anh giúp em nhé?”. Nói xong, bác sĩ Kiều nhấn nút, chuyển liền thông tin về bệnh nhân vào hệ thống y tế liên cấp.
Xe cấp cứu hú còi, chạy thẳng lên thành phố. Bác sĩ Phương cho bộ phận chuyên môn kiểm tra thông tin bệnh nhân; báo động bệnh viện xử lý trường hợp khẩn cấp. Bởi, để bảo đảm chữa chạy kịp thời cho mỗi bệnh nhân nặng, cần phải tận dụng từng giây từng phút ở khung giờ vàng; hơn nữa, đây là bố của bác sĩ Tâm – người dẫn đầu đoàn bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tình nguyện xông pha ra tuyến đầu chống dịch Covid-19. Sau ba giờ được đội ngũ y tế tập trung cao độ thực hiện các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, ông Tư hồi tỉnh. Những chỉ số chạy nhảy trên màn hình reo vui khiến gương mặt căng thẳng của bác sĩ Phương dần giãn ra. Anh nắm tay con dâu bà Tư, từ tốn: “Nhắn cho chồng yên tâm, em nhé!”.
***
Trong lúc đó, cách cả nghìn cây số, bác sĩ Tâm trùm kín trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay tất chân… đang cùng đồng nghiệp theo dõi, xử lý một trường hợp bệnh nhân Covid-19 rất nặng. Bệnh nhân này tổn thương phổi do Covid-19 trên hàng loạt bệnh nền như suy thận, suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ…; đang được thực hiện phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể” mà thuật ngữ y học gọi tắt là ECMO hay gọi cho dễ hiểu là can thiệp tim phổi nhân tạo.
Đã mấy tuần trôi qua như vậy, anh và đồng đội ngày đêm dồn hết sức mình chạy đua trong cuộc chiến giành giật từng mạng sống từ tay tử thần, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Với kiến thức và kinh nghiệm học hỏi từ việc cứu sống trường hợp bệnh nhân nước ngoài – mà cả nước xem là kỳ tích, trước yêu cầu chi viện cấp bách của đồng nghiệp, anh cùng các đồng đội tình nguyện lên đường.
Ngày đầu tiên đến nơi, anh còn dí dỏm nhắn tin cho vợ: “Đợt này bọn anh được đi du lịch dài ngày mà chắc không thấy biển thấy núi gì cả, ahihi!”, rồi bắt tay ngay vào việc theo dõi, chữa trị cho các bệnh nhân. Tiếp cận thực tế, các anh cùng đồng nghiệp được tăng cường từ Trung ương cũng như lực lượng tại chỗ, xác định tính chất công việc không còn giống như đợt dịch trước vì cấp độ lây lan dịch bệnh tăng lên một cách rõ rệt do biến chủng mới, số ca dồn dập được phát hiện và nhập viện điều trị…
Ngoài thời gian trực tiếp theo dõi, can thiệp, Tâm ghi chép cẩn thận diễn tiến, triệu chứng rồi tra trong tài liệu cập nhật từ nước ngoài; chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành theo hệ thống y tế trực tuyến…; từ đó áp dụng điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Bên cạnh thời gian trực tại phòng áp lực âm, về phòng cách ly là anh lao đầu vào việc tìm hiểu, nghiên cứu, cùng đồng đội tìm những giải pháp tối ưu để níu bệnh nhân trước tay thần chết. Căng thẳng, hồi hộp và có lúc dường như kiệt sức, đó là cảm giác của anh giữa bít bùng đồ bảo hộ, cách ly… Trong khi ngoài kia là hàng chục triệu trái tim đang hướng về các anh. Mỗi mạng sống các anh giành giật được, chính là niềm tin và hy vọng về một sự thay đổi lớn lao trong việc chống chọi lại cơn đại dịch đang hủy hoại cuộc sống toàn cầu. Mỗi một kinh nghiệm rút ra hôm nay, chính là bài học cho mai sau, mà không dễ có điều kiện thực tiễn để thực hành…
Anh vừa bước ra khỏi phòng áp lực âm, điều dưỡng Nguyên chờ sẵn: “Ban chỉ đạo mời anh lên phòng hội ý gấp ạ! Các anh đang chờ!”. Anh vội vã làm các thủ tục khử khuẩn rồi bước lên phòng hội ý. Một điều mà anh thấy ấm lòng, từ những ngày đầu anh và đồng đội đặt chân đến bệnh viện tuyến đầu tăng cường chống dịch, từ lãnh đạo đến các đồng nghiệp vừa có sự tôn trọng trong chuyên môn, vừa đối xử thân tình như chỗ người nhà. Thế nên, chớm bước chân vào phòng hội ý, anh cảm nhận một bầu không khí cởi mở, hân hoan, dù ai cũng đang trùm kín mặt mũi… 
“À, bác sĩ Tâm tới rồi! – Chờ anh ngồi vào chỗ, Trưởng ban Hương lên tiếng – Xin thông báo tin vui với cả nhà, trường hợp bệnh nhân chạy ECMO đã chuyển biến tích cực và vừa được cai máy cách đây ít phút. Đây có thể nói là một kỳ tích của tất cả chúng ta, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ những người anh em tăng cường. Thay mặt ban, tôi xin cảm ơn bác sĩ Tâm cùng đồng nghiệp không ngại gian khó, hiểm nguy, đã lặn lội cả ngàn cây số tới đây để hỗ trợ chúng tôi trong những ngày qua!”. Tiếng vỗ tay nhè nhẹ vang lên; những ánh mắt ngưỡng mộ và đầy ắp trìu mến dồn về phía anh. Anh bối rối, nở nhẹ một nụ cười…
“Nhân dịp này, chúng tôi muốn gửi đến anh một món quà từ quê nhà, vừa được chuyển ra”, Trưởng ban Hương vừa dứt lời, trên màn hình tivi đối diện chỗ anh ngồi bật sáng. Thông tin từ một tờ báo điện tử: Người thân của bác sĩ xung phong ra tuyến đầu chống dịch đã hồi phục! Anh bàng hoàng. Trên màn hình là ảnh chụp cha anh, nằm trên giường bệnh giữa đống dây nhợ, gắng gượng vẫy tay và cười. Bên cạnh là mẹ và vợ anh. Lướt nhanh trên màn hình là những dòng chữ, kể về câu chuyện các bác sĩ nơi anh công tác đã đưa cha anh vượt qua phút giây sinh tử do biến chứng của căn bệnh dạ dày. Ôi, cha anh đã chịu đi bệnh viện và đồng đội anh đã kịp thời cứu sống ông! Thật vậy sao?
Anh ôm mặt òa lên, những dòng nước mắt sung sướng tràn ra, che mờ cả đôi kính bảo hộ. Anh vội vã tháo kính, đứng lên, ôm choàng lấy người đồng đội đang đứng bên. Từng cơn sóng từ dòng sông bên nhà anh, như dâng lên, mơn man nhè nhẹ, vỗ về…
Truyện ngắn của Nguyễn Thành
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM