Ấn tượng với 8 kiểu cấu tạo mái nhà xanh

176
Thiết kế mái nhà xanh đã và đang trở lại. Chúng là sự kết hợp hài hòa của nhiều lớp thảm thực vật ‘ôm’ lấy tòa nhà, giúp cách nhiệt và cung cấp giải pháp quản lý nước. Nhưng để tạo nên những mái nhà xanh thực sự thì không hề đơn giản, bởi đó là sự cân bằng tinh tế giữa sự sống và hệ thống nhân tạo.

Dưới đây là 8 công trình mái nhà xanh – cấu trúc vừa giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt, vừa tạo môi trường sống, lọc không khí, cô lập cacbon, tăng không gian nông nghiệp và tính tiện nghi. Các công trình này đều được đúc kết từ nhiều quy mô và dự án khác nhau, cho thấy những cách tiếp cận đa dạng mà mái nhà xanh có thể ứng dụng được ở từng hạng mục lớn và nhỏ.

Trường trung học Kỹ thuật chuyên nghiệp, Mont-de-Marsan, France | Marjan Hessamfar & Joe Verons

Trường trung học kỹ thuật chuyên nghiệp.

Tòa nhà được phân thành các khối riêng lẻ hòa hợp với cảnh quan.

Cánh đồng cỏ trên mái có hoa giống như tấm thảm xanh.

Tòa nhà trung học này “lọt” giữa khu rừng với những gốc sồi hàng trăm năm tuổi và những hàng thông cao lớn. Từ khu rừng trên sườn đồi sau trường có thể quan sát mặt tiền của tòa nhà được phân thành các khối riêng lẻ hòa hợp với cảnh quan.

Việc tái sinh thực vật trên các sườn đồi được nối tiếp lên mái nhà phía Tây, làm cho cảnh quan có cảm giác liên tục, như một dòng chảy, đưa tòa nhà quyện vào sườn đồi và khu rừng thực tế. Cả cánh đồng cỏ trên mái có hoa giống như tấm thảm xanh bao phủ cho sườn và mái, chúng được lựa chọn vì dễ chăm sóc và phù hợp với gỗ địa phương.

Trung tâm hội nghị Vancouver West, Vancouver, Canada | LMN Architects

Tòa nhà tích hợp đầy đủ hệ sinh thái đô thị tại giao điểm của lõi trung tâm sôi động.

Công trình đã được trao chứng nhận LEED hạng Bạch kim đầu tiên trên thế giới.

Tòa nhà mang tính biểu tượng của Trung tâm Hội nghị Vancouver này đã được trao chứng nhận LEED hạng Bạch kim đầu tiên trên thế giới, tích hợp đầy đủ hệ sinh thái đô thị tại giao điểm của lõi trung tâm sôi động. Mái nhà này có thể được nhìn thấy từ khắp thành phố, tạo thành ga cuối của một chuỗi các công viên bên bờ sông bao quanh bến cảng, làm nên môi trường sống bậc thang liên tục giữa trung tâm hội nghị và công viên Stanley.

Ít ai biết, để được chứng nhận LEED Platinum kép đầu tiên trên thế giới, Trung tâm Hội nghị Vancouver West đã hội tụ được rất nhiều yếu tố xanh như:

– Mái nhà rộng gần 24282 m2 của tòa nhà phía Tây – lớn nhất tại Canada và là mái nhà phi công nghiệp lớn nhất ở Bắc Mỹ với hơn 400.000 loài thực vật và cỏ bản địa. Mái nhà độc đáo này được thiết kế để hoạt động như một vật liệu cách nhiệt, giảm nhiệt vào mùa hè và thất thoát nhiệt vào mùa đông.

– Mái nhà cũng là nơi trú ngụ của bốn tổ ong mật châu Âu, thụ phấn cho thực vật trên mái nhà.

– Môi trường sống dưới biển cũng được phục hồi trên nền tảng của tòa nhà phía Tây với sự cải thiện chất lượng nước và nhiều loài sinh vật biển phát triển.

– Xử lý nước thải đen và xám để xả bồn vệ sinh và tưới sân thượng.

– Tận dụng nước biển để tạo ra hệ thống làm mát cho tòa nhà khi trời nóng và sưởi ấm trong những tháng lạnh hơn.

– Ánh sáng tự nhiên và hệ thống thông gió được tận dụng tối đa trong toàn bộ công trình.

– Các sản phẩm gỗ BC địa phương từ các khu rừng được quản lý bền vững.

California Academy of Sciences, San Francisco, CA, Hoa Kỳ | Renzo Piano Building Workshop

Học viện Khoa học California ở San Francisco.

Mái nhà trên cao được tạo cảnh bằng các loại thực vật bản địa có khả năng chịu hạn.

Mái nhà tạo ra năng lượng thông qua hơn 55.000 tế bào quang điện trong kính.

Học viện Khoa học California ở San Francisco là một trong số ít Viện Khoa học Tự nhiên nơi trải nghiệm của cộng đồng liên quan đến nghiên cứu khoa học được thực hiện trong cùng một tòa nhà. Mái nhà trên cao này được tạo cảnh bằng một loạt các loại thực vật bản địa có khả năng chịu hạn và không cần tưới.

Mái nhà màu xanh vượt ra ngoài chu vi các bức tường, trở thành tán kính cung cấp bóng râm, bảo vệ khỏi mưa nắng và tạo ra năng lượng thông qua hơn 55.000 tế bào quang điện trong kính. Ở trung tâm của Living Roof, có một cửa số trần bằng kính bao phủ một quảng trường.

The Hotchkiss School, Biomass Heating Facility, Salisbury, CT, United States | Centerbrook Architects & Planners

Cơ sở Sưởi ấm Trung tâm cho trường Hotchkiss.

Mái dốc màu xanh lá cây nhấp nhô để tăng sự hòa nhập với cảnh quan.

Đơn vị thiết kế Centerbrook đã thiết kế Cơ sở sưởi ấm trung tâm cho trường Hotchkiss ở Lakeville, Connecticut để làm nóng khuôn viên trường bằng cách đốt củi vụn. Để tăng sự hòa nhập với cảnh quan xung quanh, dự án mới này có hình dáng thấp, mái dốc màu xanh lá cây nhấp nhô.

Các tính năng bền vững được kết hợp với mái nhà thực vật kết hợp với hệ thống vườn mưa/đầm lầy sinh học để hấp thụ nước mưa và lọc nước trước khi chảy xuống mặt đất.

Trường trung học Marcel Sembat, Sotteville-lès-Rouen, Pháp | Archi5

Trường trung học Marcel Sembat.

Hình dạng lượn sóng đặc biệt của mái nhà.

Trường trung học Marcel Sembat được chia thành hai phần nối với nhau bằng một tòa nhà như cây cầu. Một công viên công cộng nằm ngay ở phía Nam tòa nhà. Tòa nhà được chia thành sáu khối với thời gian xây dựng khác nhau từ những năm 30 cho đến những năm 90.

Ý tưởng chính của dự án là tìm điểm thống nhất và mang tính biểu tượng của ngôi trường trong bối cảnh khu vực, đồng thời tích hợp và kết nối trường với công viên bằng hình dạng lượn sóng đặc biệt của mái nhà.

Garden School, Bắc Kinh, Trung Quốc | OPEN Architecture

Các mái nhà xanh được thiết kế nhấp nhô, phân khu thành 36 mảnh.

Nơi học sinh học hỏi các kỹ thuật trồng trọt và hiểu được triết lý “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Tại trung tâm của thị trấn mới bên ngoài đường vành đai 5 phía Tây Nam của Bắc kinh, trường công lập mới tọa lạc trên khu đất rộng 4,5 ha này được thiết kế làm khuôn viên chi nhánh của Trường Trung học số 4 Bắc Kinh.

Tòa nhà thấp hơn bao gồm khán phòng, phòng tập thể dục và hồ bơi. Các mái nhà xanh được thiết kế nhấp nhô, được phân khu thành 36 mảnh, dành cho 36 lớp trong trường, là nơi học sinh học hỏi các kỹ thuật trồng trọt và hiểu được triết lý ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’, đưa quan điểm triết học cổ xưa trở lại cốt lõi của nền giáo dục trước những thách thức mới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng môi trường.

House Behind the Roof, Kraków, Ba Lan| Superhelix Pracownia Projektowa – Bartłomiej Drabik

House Behind the Roof.

Phần mái phía Bắc tòa nhà được bao phủ bởi các tấm quang điện.

Ngôi nhà nằm ở khu vực ngoại ô của Krakow, là một phần của khu nhà ở bao gồm 10 căn dành cho hộ gia đình. Khu bất động sản này phát triển dày đặc do giá đất tăng cao. Để đảm bảo sự riêng tư cho gia chủ, ngôi nhà được che khuất khỏi đường vào và hàng xóm phía Bắc phía sau mặt mái. Do sự phát triển năng động của thành phố, phương pháp thiết kế sinh thái đặc biệt quan trọng. Phần mái phía Bắc tòa nhà được bao phủ bởi các loại xương rồng và các tế bào quang điện đặt ở phần phía nam nhiều ánh sáng.

Luật xây dựng địa phương buộc mái nhà phải xây dốc 45 độ, tốn kém hơn nhiều nhưng phần nào đã giải quyết được yếu tố xanh cho gia chủ.

Bảo tàng Moesgaard, Aarhus, Đan Mạch | Henning Larsen

Điểm nhấn là mái dốc được phủ đầy cỏ, rêu và hoa.

Mái nhà xuất hiện như một điểm nhấn trực quan mạnh mẽ.

Điểm nhấn ở bảo tàng rộng 16.000m2 độc đáo trong cảnh quan núi đội Skade phía Nam Aarhus này nằm ở tấm mái dốc được phủ đầy cỏ, rêu và hoa, xuất hiện như một điểm nhấn trực quan mạnh mẽ, có thể cảm nhận rõ ngay cả khi nhìn từ biển. Mặt phẳng mái hình chữ nhật trong suốt mùa hè trở thành điểm đến lý tưởng cho các buổi dã ngoại, tiệc nướng và đốt lửa trại trong Ngày Midsummer truyền thống.

Vũ Hươngbiên dịch

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM