Bạn đã đi bộ đúng kỹ thuật chưa?

Đi bộ tưởng chừng là bài tập đơn giản nhất nhưng cũng cần được thực hiện đúng kỹ thuật.

Đổ người về phía trước hoặc phía sau

Tư thế khi đi bộ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nhưng không nhiều người chú ý đến điều này. Đi bộ với tư thế đổ người về phía trước hoặc phía sau đều gây áp lực lên vùng hông, dẫn đến đau lưng, đau hông lâu dài. Tư thế đúng là thẳng lưng với cằm song song mặt đất, vai thả lỏng và kéo về phía sau. Tư thế này không chỉ tốt cho cột sống mà còn hạn chế dồn trọng lượng không cần thiết lên hông và lưng dưới.

Đặt mũi chân xuống trước khi bước

Kỹ thuật đi bộ đúng là đặt phần gót chân xuống trước rồi mới hạ bàn chân xuống. Nếu chỉ đi vài bước, bạn sẽ không thực sự cảm nhận được sự khác biệt giữa việc đặt mũi chân xuống trước hay đặt gót chân xuống trước. Tuy nhiên, nếu đi bộ đường dài, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Đi bộ bằng mũi chân có thể dẫn đến đau hông, đầu gối, mắt cá chân vì chúng phải chịu trọng lượng của toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, đi trong tư thế kiễng chân còn gây căng cơ vùng bắp chân, dễ bị chuột rút.

tai-sao-di-bo-buoi-sang-giam-can-hieu-qua2

Dồn lực vào chân trước

Đi bộ là bài tập thể dục tưởng như đơn giản nhưng nếu không tập đúng kỹ thuật, bạn có thể gánh chịu nhiều hậu quả sức khỏe. Việc dồn lực vào chân nào khi đi bộ cũng cho thấy sự khác biệt. Nếu dồn lực vào chân trước sau mỗi bước đi, vùng xương chậu và lưng dưới sẽ bị ảnh hưởng. Kỹ thuật đúng là dồn lực vào chân sau, đẩy cơ thể tiến lên phía trước tự nhiên để không gây căng cơ.

Không siết chặt cơ bụng

Đây là thói quen quan trọng nhưng nhiều người bỏ qua. Siết chặt cơ bụng khi đi bộ không chỉ giúp hỗ trợ giảm mỡ thừa mà còn giữ cho cơ thẻ cân bằng, ngăn ngừa đau thắt lưng và cải thiện tư thế.

Vai nhô cao

Vai nhô cao là một thói quen xấu, có thể gây đau mỏi cổ, vai, gáy do các cơ bắp vùng này bị khóa chặt. Hãy thả lỏng vai và mở rộng về phía sau để có được tư thế tốt và thoải mái nhất khi di chuyển.

Không di chuyển bàn tay

Di chuyển cánh tay khi đi bộ không chỉ để giữ thăng bằng mà còn giúp tăng cường lưu thông máu. Khi bạn đi bộ với cánh tay giữ chặt bên mình, bạn có thể nhận thấy bàn tay dễ bị đỏ và sưng lên, đặc biệt là khi trời nóng. Kỹ thuật đúng khi đi bộ là đung đưa tay theo nhịp bước chân.

Chọn giày không phù hợp

Giày quá cứng, quá nặng, không vừa chân hoặc đã sử dụng quá một năm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Giày là bộ phận đệm và hấp thụ chấn động của mỗi bước đi. Nếu đôi giày quá cũ, khả năng hấp thụ chấn động sẽ thấp hơn do phần đế bị mòn. Nếu giày quá cứng hoặc quá nặng, chúng có thể gây đau hoặc căng cơ bàn chân.

Bước chân quá dài

Nếu bạn đi bước quá dài, trọng lượng dư thừa sẽ dồn lên ống chân, khiến phần ống đồng bị đau và có thể tổn thương đầu gối. Hãy thực hiện các bước nhỏ hơn và duy trì tốc độ đều đặn.

Khánh Linh (theo Bright Side)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM