Bếp trong vườn nhà

Một năm trở lại đây, thói quen làm việc tại nhà đã không còn xa lạ với chúng ta, dần dần trở thành xu hướng và được nhiều người chủ động lựa chọn trong diễn biến vẫn còn nhiều phức tạp của tình hình dịch bệnh. Giữa giai đoạn căng thẳng và nhiều hạn chế khi thực hiện quá trình giãn cách xã hội, khu vườn trở thành nơi lui tới thường xuyên, không gian lí tưởng để thay đổi, cải thiện tâm trạng, trao đổi cảm hứng gần gũi và an toàn nhất.

Việc thời gian ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với thời gian nhu cầu sử dụng các không gian cũng tăng cao, do đó vấn đề tạo lập một không gian mở rộng kết hợp trong và ngoài nhà trở nên thu hút nhiều sự chú ý – bên cạnh các khu vườn nhà truyền thống có mảng xanh và đường dạo, thiết kế đặt khu vực bếp ngoài trời là một điểm nhấn lí tưởng và khôn ngoan đáng để thực hiện.

Với ưu điểm đặc trưng là không gian liên hệ giữa con người và thiên nhiên trong vườn, bếp ngoài trời – vừa đáp ứng các chức năng cơ bản của một khu bếp với thiết bị nấu, rửa, cất và trữ đồ chế biến tạm thời; vừa đóng vai trò như điểm nhấn trong toàn bộ khu vực cảnh quan.

Bên cạnh đó thiết kế bếp ngoài trời có thể sử dụng rất đa dạng vật liệu, thiết bị, linh hoạt biến đổi để phù hợp với mọi đối tượng không gian và người sở hữu.

Trước khi thiết lập một khu vực bếp ngoài trời trong vườn nhà, hãy tự hỏi tần suất sử dụng bếp với mục đích nấu nướng của bản thân và gia đình là bao nhiêu để có thể đưa ra phương án lựa chọn thiết kế một cách hợp lý đồng thời và thay đổi công năng trong trường hợp cần thiết.

Bếp ngoài trời vẫn là một khu vực khép kín, kết hợp với kiến trúc tổng thể ngôi nhà hoặc hòa quyện trong phần cứng của khu vườn, nằm ở không gian mở một phần hoặc mở hoàn toàn.

Lựa chọn vị trí phù hợp để lắp đặt hệ thống bếp ngoài trời

Vấn đề lưu ý đầu tiên để xác định chính xác vị trí bếp là mối liên hệ mức độ sử dụng bếp và khả năng thuận tiện khi di chuyển giữa các không gian: từ bếp vào nhà, lối đi chính, khu vui chơi trong vườn.

Điều này rất quan trọng vì kiến trúc của bếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc của tổng thể ngôi nhà nếu bếp được thiết kế, lắp đặt sau. Đồng thời, tính toán được cụ thể khoảng kinh phí cần thiết để lắp đặt hệ thống bếp cho phù hợp, tránh lãng phí. Qua đó, ta dễ dàng lựa chọn phương án che chắn bảo vệ, đảm bảo tính an toàn riêng tư – một tiêu chuẩn bắt buộc khi thiết kế bổ sung không gian bếp ngoài trời.

Để đảm bảo tối ưu trong quá trình sử dụng, bếp ngoài trời thường được bố trí gần hoặc sát khu vực bếp chính trong nhà nhằm đảm bảo thực phẩm luôn được bảo quản và thuận tiện sơ chế trước khi đưa ra nấu nướng, thưởng thức trực tiếp ở bên ngoài. Vị trí bếp nấu phải đảm bảo an toàn – tránh xa tầm chạy của trẻ em, nên nằm cách biệt với đường đi chính trong vườn, không lắp đặt hướng tiếp xúc trực tiếp với sân chơi trẻ. Nếu cần, bạn cũng có thể bố trí rào chắn nhưng phải đáp ứng tính thẩm mĩ.

Bếp đặt gần hoặc trong vườn thảo mộc, vườn trái cây, vườn rau sẽ rất thuận tiện cho việc sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có. Đồng thời đối với các cây trồng gần bếp, bạn nên lưu ý khi phạm vi ảnh hưởng để hạn chế tình trạng cháy xém và hư hại do cây đặt quá gần với tầm nấu nướng của bếp.

Ở các khu vực gần hồ bơi, không gian thư giãn bếp được bố trí đơn giản, phục vụ các bữa ăn nhẹ, ưu tiên cảm giác chính: thư thái và thoải mái trong không gian sử dụng.

Nhà phố có phần sân vườn hạn chế vẫn có thể sở hữu cảm giác chill ngọt lịm khi nấu bếp ngoài trời với giải pháp đưa bếp lên sân thượng kết hợp với vườn trên mái tạo cảm giác ấm áp và gần gũi. Bạn có thể bố trí thêm mái che đảm bảo không phải di chuyển bất chợt trong tình trạng thời tiết xấu và tủ mát để dự trữ một lượng nhỏ thức ăn cần sử dụng, chế biến. Nếu căn hộ với balcony đủ rộng, sao không thử đặt một bàn bếp đơn giản cùng vườn đứng với các loại thảo mộc, rau xanh kết hợp? Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên và hào hứng với kết quả thu được sau đó.

Sử dụng vật liệu gì cho bếp ngoài trời?

Với các bếp ngoài trời cần xây dựng nhiều, hãy đảm bảo phần nền móng đủ chịu được trọng lượng của công trình. Nếu bếp được xây trên nền có sẵn, ta có thể lựa chọn vật liệu hình thức tương tự có sẵn, hoặc tương đồng với các vật liệu có kết cấu tốt như bê tông, đá… Khu vực bếp chịu tác động trực tiếp từ điều kiện môi trường bên ngoài nên ưu tiên sử dụng các vật liệu có độ bền cao, dễ vệ sinh, hạn chế thay thế như đá, gạch, thép không gỉ, bê tông, gỗ ngoài trời…

Tạo lập không gian với sàn, bục gỗ ngoài trời hoặc đá cũng là một lựa chọn không tệ.

Xác định vị trí, liên kết và bổ sung thêm, thiết lập đầy đủ đường ống nước, điện để sử dụng cho các thiết bị cũng như tiện ích trong quá trình sử dụng.

Hãy lắp đặt thiết bị bếp hợp lí và thông minh

Như đã nói, bếp ngoài trời vẫn là một khu vực khép kín: với các thiết bị thể hiện đầy đủ quy trình của một bếp nấu cơ bản – nấu, rửa dọn, làm lạnh, để chén bát… Các thiết bị thường được sử dụng như: bồn rửa, lò nướng, bar, khu vực chuẩn bị đồ ăn, tủ lạnh… vị trí phải phù hợp với khu vực thao tác và đảm bảo vật liệu tương thích với vật liệu trong không gian. Không nên để tủ gỗ gần lò sưởi, hay bếp nướng.

Với các bếp đặc trưng nằm cách xa nhà/ bếp chính, nên lắp đặt tủ lạnh hoặc tủ dự trữ đồ ăn tạm thời; có bố trí khu vực để sẵn chén bát, dụng cụ. Trong quá trình thiết kế bạn hãy lưu ý tác động điều kiện tự nhiên và cảnh quan xung quanh bếp để tạo nên tổng thể hài hòa giữa cái có sẵn và cái mới được hình thành. Cảnh quan hiện hữu cho biết ta nên dùng loại vật liệu nào cũng như màu sắc của chúng. Nếu đa phần không gian xanh mát, rậm rạp thì việc kết hợp màu sắc trầm ấm, vật liệu gần gũi như gạch, ngói, gỗ sẽ phù hợp hơn; đối với cảnh quan đậm nét hiện đại thì màu sắc và vật liệu có thể cá tính, mạnh mẽ, đơn giản sẽ dễ dàng tạo điểm nhấn đồng thời liên kết với kiến trúc có sẵn.

Tỷ lệ khu vực bếp ngoài trời phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, tương ứng với tỷ lệ ngôi nhà, không gian vườn, đảm bảo không lãng phí. Ánh sáng tự nhiên cũng vô cùng quan trọng trong quá trình chế biến thức ăn cũng như thưởng thức. Với các nước nhiệt đới, nên bố trí giàn pergola hoặc mái che để giảm bớt ánh nắng vào mùa hè. Bố trí đủ đèn vào ban đêm – ánh sáng vừa đủ tạo sự ấm cúng và an toàn.

Đối với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta, không gian sử dụng có mái che, giàn che là một sự lựa chọn hợp lý. Các gia đình có nhu cầu sử dụng bếp ngoài trời nhiều và thường xuyên có thể đầu tư thiết kế một lần như một pavillion – nhà phụ với tính ổn định kết cấu và các thiết bị đầy đủ, thuận tiện cho việc sử dụng trong gia đình, cũng như chiêu đãi bạn bè và các dịp đặc biệt.

Nếu nguồn kinh phí đầu tư vừa phải, tùy theo mức độ sử dụng, có thể kết hợp với khu vực bếp trong nhà, tận dụng nền và mái che của nhà chính, kết hợp với các dạng mái che lấy sáng. Sử dụng thiết bị bếp kết hợp đa năng, tháo lắp linh động là lựa chọn tiết kiệm và đơn giản.

Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung thêm các chức năng khác cho khu vực bếp như quầy bar, quầy cocktail, khu vực kho lưu trữ… tùy theo nhu cầu và khả năng sử dụng của gia đình.

Việc sở hữu một khu bếp ngoài trời không còn trở nên quá khó khăn và tốn kém nếu bạn xác định rõ quy mô và mục đích sử dụng của mình. Còn gì tuyệt hơn khi những ngày mệt mỏi hoặc nhàm chán, việc nấu nướng và thưởng thức món ăn lại được đổi mới với không gian sân vườn rộng rãi và thoáng mát?

Tình hình dịch bệnh trong năm vừa qua có thể khiến ta không thể dành thời gian cho hoạt động vui chơi, ăn uống, tận hưởng bên ngoài được nữa, nhưng vẫn có một không gian riêng là khu vườn nhỏ trong nhà để thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống và làm mới mọi thứ một cách thật an toàn cho gia đình, tại sao không?

Bài: KTS Nguyễn Bảo Tiên Hoàng – Ảnh: Tư liệu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM